Thúc đẩy chuyển đổi xanh và số hướng tới phát triển bền vững

Quốc Khánh
Ngày 23/05/2024, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (SCE) phối hợp cùng Viện Đổi mới sáng tạo mở và doanh nhân công nghệ (OITI), Digiwin Software Vietnam và 1C Vietnam tổ chức Hội thảo "Thúc đẩy chuyển đổi xanh và số - hướng tới phát triển bền vững". Hội thảo nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh và số một cách hiệu quả, không chỉ đảm bảo mục tiêu kinh doanh mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cho cả doanh nghiệp và xã hội.

Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đang trở thành xu hướng

Trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên và sự gia tăng của Cuộc cách mạng công nghệ số, việc chuyển đổi xanh và chuyển đổi số (CĐS) đã trở thành một xu hướng không thể phủ nhận. Tại Việt Nam, những nỗ lực chuyển đổi này không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường và xã hội mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và bền vững trong thời đại mới. Bên cạnh những cơ hội và lợi ích, chuyển đổi xanh và CĐS cũng đặt ra nhiều thách thức và khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là ở Việt Nam - một quốc gia đang phát triển nhanh chóng với nền kinh tế đa dạng và sự đa dạng văn hóa. Do đó, việc chuyển đổi xanh và số đã trở thành giải pháp tối ưu cho bài toán khó này.

Ông Nguyễn Hải Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội chia sẻ tại Hội thảo.

Ông Nguyễn Hải Hùng - Phó Giám đốc SCE khẳng định về tầm quan trọng của việc CĐS và chuyển đổi xanh đang là một ưu tiên, xu hướng đúng đắn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này cần phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt, thường xuyên, có đánh giá, rút kinh nghiệm thực hiện. Đưa ra quan điểm giải pháp, ông Nguyễn Hải Hùng cho rằng, chúng ta thay vì tập trung vào mục tiêu số hoá, các doanh nghiệp cần chủ động tích hợp yếu tố bền vững trong chiến lược CĐS, tận dụng các cơ hội kinh doanh mới cũng như phải thực sự làm tròn trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ môi trường sống, môi trường xã hội.

Chia sẻ về kinh nghiệm CĐS ở thị trường Đài Loan, Trung Quốc và câu chuyện tại Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Thơ - Cố vấn cấp cao DigiwinSoft đã đề cập tới lộ trình chuyển đổi kép song hành số và xanh. Trong đó, để đạt được mục tiêu CĐS và xanh, các doanh nghiệp cần chuẩn hóa quy trình vận hành thông qua hệ thống hoạch định nguồn lực của doanh nghiệp (ERP), giúp quy hoạch và tăng tính minh bạch, nắm bắt thông số sản xuất tức thời qua công nghệ Internet vạn vật (IoT). Việc tự động hóa dây chuyền sản xuất và thông minh hóa thiết bị sẽ nâng cao hiệu suất và chất lượng, đồng thời kiểm soát và cải thiện hiệu quả sử dụng thiết bị. Quản lý sản xuất tiêu chuẩn đòi hỏi hệ thống hóa tiến độ sản xuất và xây dựng cơ chế quản lý, từ đó phân bổ và tính toán chính xác chi phí sản xuất, tăng hiệu suất báo giá và đảm bảo lợi nhuận. Ngoài ra, nắm bắt lượng phát thải, tiêu thụ năng lượng và triển khai quản lý năng lượng theo các tiêu chuẩn ISO (14064, 14067, 50001) là cần thiết để giảm phát thải và tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất, đảm bảo phát triển bền vững.

Thực trạng và thách thức đặt ra với chuyển đổi xanh và chuyển đổi số

Nói về kinh nghiệm chuyển đổi xanh - góc nhìn tại Việt Nam: Thực trạng và thách thức đặt ra - ông Poovathungal Itteera ROY - Phó Chủ tịch Ban Năng lượng, Cụm Việt Nam và Campuchia, Schneider Electric đã đề cập những lý do ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động đầu tư bền vững. Trong đó có tới 55% các chủ doanh nghiệp lo ngại rằng, khi đầu tư các hoạt động bền vững sẽ không mang lại lợi nhuận cho họ. Không chỉ vậy, các chính sách và quy định của Chính phủ có thể ảnh hưởng đáng kể đến khả năng đầu tư vào các hoạt động bền vững. Ví dụ, các chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo có thể thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này. Hơn nữa, khó khăn về việc tiếp cận tài chính, công nghệ và chuyên môn cũng trở thành một thách thức to lớn đối với các doanh nghiệp muốn đầu tư vào các hoạt động chuyển đổi xanh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, một trong những lý do quan trọng đang “giữ chân” doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi này chính là sự thiếu hụt về dữ liệu hiện trường. Điều này khiến họ khó khăn trong việc đánh giá rủi ro và tiềm năng của các dự án, kế hoạch “xanh hoá” của doanh nghiệp.

Ông Poovathungal Itteera Roy - Phó Chủ tịch Ban Năng lượng, Cụm Việt Nam và Campuchia, Schneider Electric phát biểu tại Hội thảo.

Ông Poovathungal Itteera Roy cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển bền vững, cần ứng dụng các công nghệ số, nền tảng số có khả năng đảm bảo tuần hoàn mọi quy trình dựa trên dữ liệu hiện trường (dữ liệu hiện trường giúp doanh nghiệp đánh giá được rủi ro, tiềm năng phát triển của các dự án, kế hoạch “xanh hoá” của doanh nghiệp); hướng đến sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu; đảo đảm nguồn lực có kiến thức ứng phó sự cố môi trường; sử dụng nguồn năng lượng tái tạo để hạn chế phát thải ra môi trường; đảm bảo chỉ số rác thải ròng luôn ở ngưỡng bằng 0…

Về 5 trụ cột chính trong câu chuyện chuyển đổi xanh, ông Jeffrey Jian Xu - Chuyên gia giáo dục cấp cao, Ban phát triển con người và xã hội tại Ngân hàng phát triển châu Á chia sẻ: biến đổi khí hậu thông minh sẽ bao gồm lập kế hoạch, phát triển kinh tế - xã hội thông minh, cơ sở hạ tầng thông minh và các giải pháp dựa trên thiên nhiên; tài chính xanh chính là hỗ trợ các hoạt động chuyển đổi xanh thông qua các khoản đầu tư, tài trợ và các công cụ tài chính khác; quản lý và quản trị khu vực công phải đảm bảo các chính sách và quy định phù hợp để thúc đẩy chuyển đổi xanh; phát triển con người và xã hội cũng không kém phần quan trọng khi phải chú trọng tăng cường sự tham gia của cộng đồng và đảm bảo lợi ích công bằng cho tất cả mọi người trong quá trình chuyển đổi xanh; nông nghiệp, thực phẩm, nước và phát triển đô thị, chúng ta phải chuyển đổi sang các hệ thống sản xuất và tiêu dùng bền vững hơn.

Tại Hội thảo, các doanh nghiệp đã nhận được những thông tin về các chính sách hỗ trợ chuyển đổi xanh và số của Nhà nước đối với doanh nghiệp, các kinh nghiệm quý báu từ các chuyên gia, từ đó hiểu rõ về quá trình xanh, số hoá trong doanh nghiệp. Điều này có thể giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định thông minh và phù hợp với mục tiêu kinh doanh của mình trong thời kỳ chuyển đổi xanh và số hiện nay.

PT

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN