Thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam thông qua cơ chế chính sách

Quốc Khánh
Để hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, thời gian qua đã có nhiều cơ chế chính sách lớn về chuyển giao (CGCN) được ban hành và đi vào đời sống. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã xuất hiện một số tồn tại, vướng mắc cần tháo gỡ. Để có cái nhìn tổng quan về chính sách pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động CGCN tại Việt Nam cũng như những định hướng sửa đổi hành lang pháp lý liên quan trong thời gian tới, Tạp chí KH&CN Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ KH&CN.

Xin ông cho biết quan điểm, chủ trương của Đảng về hoạt động chuyển giao công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ?

Ông Nguyễn Hoàng Linh: Trong lĩnh vực KH&CN nói chung, CGCN nói riêng, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, trong đó nhận định KH&CN chưa trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, Nghị quyết Đại hội XIII đã có quan điểm chỉ đạo ứng dụng mạnh mẽ KH&CN, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững. Nghị quyết đã đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, trong đó có nhiệm vụ đột phá chiến lược là đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc CMCN 4.0.

Trước đó, tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết số 20 -NQ/TW) đã xác định: (i) Chú trọng nghiên cứu ứng dụng và triển khai; coi doanh nghiệp và các đơn vị dịch vụ công là trung tâm của đổi mới ứng dụng và CGCN, là nguồn cầu quan trọng nhất của thị trường KH&CN; (ii) Quan tâm đúng mức đến nghiên cứu cơ bản, tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới phù hợp với điều kiện Việt Nam. Từ đó, Nghị quyết số 20 NQ/TW đã đưa ra một số nhiệm vụ, trong đó có cơ chế sử dụng vốn sự nghiệp kinh tế hỗ trợ đổi mới và CGCN; hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ, CGCN, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo hướng hỗ trợ hiệu quả cho việc vận hành thị trường KH&CN; phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ kỹ thuật KH&CN, môi giới, chuyển giao, tư vấn, đánh giá và định giá công nghệ; đầu tư xây dựng các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng liên thông với hệ thống các trung tâm ứng dụng và CGCN của các tỉnh, thành phố, kết nối với các sàn giao dịch công nghệ khu vực và thế giới; khuyến khích thành lập tổ chức CGCN trong các trường đại học, viện nghiên cứu.

Chuyển giao công nghệ đã góp phần gia tăng giá trị sản xuất, lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng.

Liên quan đến thu hút CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam, tại Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/08/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đã có quan điểm, chỉ đạo là chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Từ đó, đưa ra các nhiệm vụ về việc có chính sách khuyến khích hợp tác, CGCN dựa trên cơ sở thoả thuận, tự nguyện, khuyến khích CGCN và quản trị cho doanh nghiệp Việt Nam.

Trước bối cảnh CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/09/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0. Trong đó, Nhà nước ưu tiên hoạt động chuyển giao và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới trong các ngành, lĩnh vực; có trách nhiệm thúc đẩy nghiên cứu KH&CN, tạo môi trường thuận lợi và hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm để người dân và doanh nghiệp là các chủ thể quyết định tham gia cuộc CMCN 4.0; đẩy mạnh thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ nước ngoài và các đối tác quốc tế cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, CGCN; hoàn thiện luật pháp, chính sách về đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng nâng cao tiêu chuẩn công nghệ, khuyến khích hình thức liên doanh và tăng cường liên kết, CGCN giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Để cụ thể hóa các đường lối, chủ trương của Đảng mà ông vừa nêu, hành lang pháp lý về vấn đề này đã được xây dựng như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng Linh: Hành lang pháp lý liên quan tới hoạt động CGCN được thể hiện đầy đủ trong Luật CGCN 2017. Tựu chung chính sách của Nhà nước đối với hoạt động CGCN nhằm: (1) Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động CGCN; phát triển thị trường KH&CN, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với doanh nghiệp là trung tâm; nâng cao trình độ, tiềm lực công nghệ quốc gia nhằm bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội; (2) Đa dạng hóa hình thức, phương thức CGCN; khuyến khích CGCN từ nhiều nguồn khác nhau; (3) Ưu tiên CGCN cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghệ phục vụ phát triển sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực, công nghệ phục vụ quốc phòng, an ninh từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao trong nước; bố trí nguồn lực đầu tư cho hoạt động CGCN trong nông nghiệp, nông thôn; chú trọng hoạt động CGCN cho địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; (4) Hỗ trợ ý tưởng công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN; hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ, liên kết giữa tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với cơ sở đào tạo, cơ sở sản xuất; chú trọng thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra trong nước; phát triển tổ chức trung gian của thị trường KH&CN; (5) Đẩy mạnh CGCN tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam; khuyến khích CGCN từ Việt Nam ra nước ngoài; thúc đẩy CGCN trong nước; chú trọng lan tỏa công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước; thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo của tổ chức, cá nhân; (6) Ngăn chặn, loại bỏ công nghệ lạc hậu, công nghệ ảnh hưởng xấu đến kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường, sức khỏe con người.

Dây chuyền Sản xuất LED SMD tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông.

Các chính sách hỗ trợ liên quan đến CGCN gồm có 10 nhóm sau: (1) Hỗ trợ doanh nghiệp có dự án thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư nhận CGCN từ tổ chức KH&CN; (2) Hỗ trợ tổ chức KH&CN có hoạt động liên kết với tổ chức ứng dụng, CGCN địa phương để hoàn thiện kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phù hợp đặc thù của địa phương; (3) Hỗ trợ cá nhân thuộc các cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học tham gia hoạt động nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; (4) Hỗ trợ kinh phí, mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do tổ chức, cá nhân tự đầu tư (kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của tổ chức, cá nhân đã được chuyển giao, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn, được cơ quan có thẩm quyền công nhận và có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương và quốc phòng, an ninh được Nhà nước xem xét mua theo quy định của pháp luật về mua sắm sử dụng vốn nhà nước); (5) Mua, nghiên cứu hoàn thiện sáng chế, sáng kiến để chuyển giao cho doanh nghiệp áp dụng, phổ biến cho công chúng; (6) Ưu tiên trong việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp, công nhận, đăng ký lưu hành sản phẩm mới, công nghệ mới (Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ưu tiên xem xét công nhận, đăng ký, lưu hành cho tổ chức cá nhân có sản phẩm mới, công nghệ mới để ứng dụng, chuyển giao, thương mại hóa); (7) Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp (đào tạo cho doanh nghiệp về quản lý công nghệ, quản trị công nghệ, cập nhật công nghệ mới, tìm kiếm công nghệ; đàm phán và CGCN; kỹ năng vận hành, khai thác hiệu quả các công nghệ; thích nghi, cải tiến công nghệ, giải mã công nghệ; bồi dưỡng chuyên sâu về thiết kế, phát triển sản phẩm dựa trên công nghệ và nội dung khác phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội); (8) Hỗ trợ đối với tổ chức cung cấp dịch vụ môi giới, tư vấn, xúc tiến CGCN, đánh giá, thẩm định giá, giám định công nghệ; (9) Hỗ trợ, nâng cao năng lực khai thác thông tin phục vụ tổ chức dịch vụ CGCN; (10) Công bố, trình diễn, giới thiệu công nghệ (tổ chức chợ, hội chợ, triển lãm, điểm kết nối cung cầu, sàn giao dịch, trung tâm giao dịch, nơi trưng bày, giới thiệu, mua, bán công nghệ, xúc tiến CGCN;…).

Chính sách ưu đãi về thuế luôn được các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp rất quan tâm. Xin ông cho biết có biết các đối tượng nào được hưởng ưu đãi thuế khi tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ?

Ông Nguyễn Hoàng Linh: Các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi về thuế để thúc đẩy hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ gồm: (1) Máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư, vật mẫu, công nghệ trong nước chưa tạo ra được nhập khẩu để sử dụng trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu và phát triển, giải mã, đổi mới công nghệ, CGCN; tài liệu, sách báo khoa học phục vụ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp KH&CN; (2) Cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, tổ chức, cá nhân đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; tổ chức trung gian của thị trường KH&CN có thu nhập từ hoạt động cung ứng dịch vụ CGCN; (3) Tổ chức, cá nhân CGCN từ Việt Nam ra nước ngoài; tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, CGCN, giải mã công nghệ tại doanh nghiệp; (4) Tổ chức, cá nhân CGCN khuyến khích chuyển giao.

Để chính sách quản lý nhà nước về công nghệ được hoàn thiện hơn, theo ông những vấn đề nào sẽ được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Hoàng Linh: Theo tôi, để thúc đẩy hoạt động CGCN có hiệu quả, những vấn đề sau cần tiếp tục được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung:

Đối với hoạt động chuyển giao công nghệ: (1) Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng quy định chính sách ưu đãi liên quan đến CGCN cho đối tượng là bên nhận công nghệ chuyển giao (bao gồm doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI tại Việt Nam) và cần áp dụng ưu đãi miễn, giảm thuế cho dự án đầu tư của bên nhận công nghệ trong nhiều năm; (2) Tiếp tục hoàn thiện quy định ưu đãi đối với hoạt động CGCN trong pháp luật hướng dẫn Luật Đất đai để đồng bộ với quy định về đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư (dự án đầu tư có CGCN khuyến khích chuyển giao) và hình thức ưu đãi đầu tư về đất đai của Luật Đầu tư, đề nghị xem xét bổ sung vào Nghị định của Chính phủ quy định việc miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định tại Khoản 2 Điều 157 Luật Đất đai, trong đó có chính sách ưu đãi cho các dự án đầu tư có CGCN khuyến khích chuyển giao.

Đối với hoạt động thẩm định công nghệ dự án đầu tư: (1) Bổ sung quy định về việc thẩm định công nghệ đối với dự án chỉ thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Đây có thể là lỗ hổng trong chính sách quản lý nhà nước về công nghệ trong thời gian qua; (2) Bổ sung quy định thẩm định công nghệ cho dự án đầu tư đang hoạt động theo đề nghị của nhà đầu tư, làm cơ sở phục vụ nhu cầu của nhà đầu tư cũng như công tác quản lý nhà nước theo quy định pháp luật liên quan. (3) Bổ sung quy định quy định việc có ý kiến về công nghệ theo đề nghị của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có công nghệ (từ việc tự nghiên cứu hoặc mua), có nhu cầu đề nghị cơ quan nhà nước thẩm định, hoặc có ý kiến về công nghệ của mình để làm cơ sở triển khai, ứng dụng trong thực tiễn. (4) Bổ sung quy định thẩm định công nghệ cho dự án sử dụng công nghệ thuộc diện cần khuyến khích, ưu tiên đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư và thuế.

Đối với hoạt động xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên theo quy định pháp luật về đầu tư: Cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định của Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ban hành ngày 26/03/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư để khắc phục tình trạng còn có nhiều cách hiểu khác nhau hiện nay, dẫn đến vướng mắc trong việc xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lê Hạnh - Phạm Thịnh (thực hiện)

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN