Thương mại hóa công nghệ để kinh tế hồi sinh sau đại dịch

DNVN - Theo ông Yong Hongtaek - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin - Truyền thông Hàn Quốc, nền kinh tế có thể được hồi sinh sau đại dịch COVID-19 khi kết quả nghiên cứu cơ bản được luân chuyển thông qua quá trình thương mại hóa, chứ không phải chỉ dừng ở dưới dạng kết quả nghiên cứu trên giấy tờ, sách vở và bằng sáng chế.

Tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19 và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong kỷ nguyên số” sáng 6/12, ông Yong Hongtaek - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin - Truyền thông Hàn Quốc đã chia sẻ kinh nghiệm cũng như đề xuất giải pháp để phục hồi và tăng trưởng kinh tế sau đại dịch.

Theo ông Yong Hongtaek, đại dịch COVID-19 đã dẫn đến những thay đổi đột phá trong đời sống, từ những nhu cầu cơ bản cho đến các hoạt động kinh tế và các mối quan hệ xã hội.

Các chuyên gia trên thế giới cho rằng khó có thể quay lại cuộc sống trước dịch, kể cả khi COVID-19 kết thúc. Họ cũng nhấn mạnh rằng đã đến lúc chúng ta chuẩn bị cho một trật tự thế giới mới sau dịch COVID-19.

Theo ông Yong Hongtaek, để phục hồi và tăng trưởng kinh tế sau COVID-19, Chính phủ cần thiết phải thực hiện 3 điều. Theo đó, trước tiên, cần tăng cường đổi mới sáng tạo khoa học và công nghệ.

"Chính khoa học và công nghệ sẽ tạo ra những thay đổi trong tương lai. Đặc biệt, các công ty khởi nghiệp từ phòng thí nghiệm là động lực mới thúc đẩy đổi mới sáng tạo khoa học và công nghệ, cho phép các nhà khoa học trẻ tạo ra những sản phẩm thiết yếu cho xã hội khi được làm những gì mà họ yêu thích", ông Yong Hongtaek phân tích.

Theo ông Yong Hongtaek, tăng cường đổi mới sáng tạo khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và thương mại hóa công nghệ là 3 điều cần làm để phục hồi kinh tế.

Với phân tích này, ông Yong Hongtaek lấy ví dụ về việc Moderna đã thành công trong việc phát triển vaccine phòng COVID-19 bằng khả năng nghiên cứu của mình sau chưa đầy 1 một năm kể từ khi tiếp cận được giải trình tự gen COVID-19. Đây là thực tiễn tốt nhất cho thấy rằng sự đổi mới khoa học và công nghệ có thể dẫn đến các hoạt động khởi nghiệp.

Cũng theo ông Yong Hongtaek, nhiều quốc gia trên thế giới đang giúp các nhà khoa học vượt qua thách thức trong quá trình thành lập các công ty mới nhằm thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học.

"Fraunhofer, một công ty của Đức cũng là một ví dụ điển hình. Fraunhofer Venture, một công ty con thuộc Fraunhofer, đã tổ chức các chương trình để giúp các nhà khoa học thành lập nhóm công tác khởi nghiệp với các năng lực vượt trội về công nghệ và quản lý. Điều đó đảm bảo khả năng biến các thành tựu khoa học và công nghệ thành cơ hội kinh doanh.

Kết quả là, mỗi năm có hơn 25 công ty khởi nghiệp từ phòng thí nghiệm được thành lập tại Fraunhofer. 97% số công ty khởi nghiệp duy trì hoạt động được hơn 3 năm, góp phần đổi mới các ngành công nghiệp và tạo ra việc làm có chất lượng", Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin - Truyền thông Hàn Quốc chia sẻ.

Ông Yong Hongtaek cho biết, Hàn Quốc đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ và bổ sung ngân sách để các nhà khoa học dám chấp nhận thử thách trong việc thành lập các công ty khởi nghiệp từ phòng thí nghiệm mà không sợ thất bại. Dựa trên quỹ thương mại hóa các công nghệ công khai trị giá 20 tỷ won này, Hàn Quốc đã và đang hỗ trợ sự phát triển ổn định và liên tục trong giai đoạn đầu của các công ty khởi nghiệp từ phòng thí nghiệm.

"Ngoài ra, năm nay chúng tôi còn phân bổ ngân sách để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp và công ty mạo hiểm trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và CNTT-TT với trị giá tới 208,5 tỷ won, tăng gấp đôi so với năm 2018. Khoản hỗ trợ này sẽ còn tiếp tục được tăng cường trong tương lai. Các nhà khoa học và kỹ sư trẻ có những mối quan ngại về khả năng kiếm sống, việc làm và sự không chắc chắn trong nghề nghiệp", ông Yong Hongtaek thông tin.

Điều thứ hai Chính phủ cần làm để phục hồi và tăng trưởng kinh tế sau đại dịch, theo ông Yong Hongtaek, là phải nhanh chóng chuyển đổi số. Mô hình làm việc từ xa và các khóa học trực tuyến, trước đây không được áp dụng nhiều nhưng gần đây đã trở nên phổ biến. Đó là tiền đề cho sự phát triển nhanh chóng của các dịch vụ sáng tạo dựa trên công nghệ AI và dữ liệu trong nhiều lĩnh vực khác nhau như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và tài chính.

"Trong bối cảnh chuyển đổi số nhanh chóng, việc một công ty có thể chủ động đi đầu trong nền kinh tế kỹ thuật số không chỉ quyết định sự tăng trưởng của công ty mà còn quyết định cả tương lai của một quốc gia nữa.

Trong thời đại chuyển đổi số, dữ liệu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi vì đó là yếu tố quyết định hiệu suất của công nghệ AI cũng như tạo ra các công nghệ và dịch vụ số sáng tạo. Dữ liệu tích lũy có thể tạo ra giá trị và là cơ sở để đưa ra các dự đoán và xây dựng kế hoạch trong một môi trường được đặc trưng bởi những điều không chắc chắn", Thứ trưởng nhận định.

Để chủ động ứng phó với những biến động gần đây, Hàn Quốc đã tuyên bố chuyển sang nền kinh tế dữ liệu. Hàn Quốc cũng đã triển khai dự án đập dữ liệu, như là một phần quan trọng của sáng kiến kỹ thuật số mới, đồng thời nỗ lực phát triển các ngành liên quan và đảm bảo khả năng cạnh tranh.

Thứ 3, theo ông Yong Hongtaek, các nhà hoạch định chính sách cần lưu tâm đến vấn đề thương mại hóa công nghệ. Hàn Quốc đã đầu tư khoảng 1 nghìn tỷ won để thương mại hóa công nghệ cùng nhiều chương trình thương mại hóa công nghệ khác nhau đã được thử nghiệm.

"Nền kinh tế có thể được hồi sinh khi kết quả nghiên cứu cơ bản được luân chuyển thông qua quá trình thương mại hóa sau khi thực hiện nghiên cứu ứng dụng và tạo ra sản phẩm và dịch vụ, chứ không phải chỉ dừng ở dưới dạng kết quả nghiên cứu trên giấy tờ, sách vở và bằng sáng chế", ông Yong Hongtaek phân tích.

Để tạo ra một quy trình thương mại hóa công nghệ hiệu quả, ông Yong Hongtaek cho rằng, cần thiết lập một nền tảng củng cố và tăng cường mối quan hệ đối tác trong thương mại hóa công nghệ, kết nối các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà sáng lập công ty khởi nghiệp và các nhà đầu tư phù hợp với các lĩnh vực hoặc chủ đề nghiên cứu. Chính phủ cần đưa ra chính sách để hỗ trợ nền tảng. Khi các công nghệ được ứng dụng và tạo ra các sản phẩm, dịch vụ sáng tạo trên thị trường tư nhân, chúng có thể góp phần vào sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế địa phương.

"Đây là ba chính sách Chính phủ cần thực hiện để hỗ trợ cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế. Tôi muốn nhấn mạnh rằng ba chính sách trên gắn bó hữu cơ và cần được kết nối với nhau trong mối quan hệ tương hỗ. Khi kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới tạo ra sản phẩm và dịch vụ thông qua quá trình thương mại hóa, công nghệ số sẽ đẩy nhanh hơn nữa tốc độ đổi mới trong từng giai đoạn", ông Yong Hongtaek nhấn mạnh.

Về quan hệ song phương Việt Nam - Hàn Quốc, vị Thứ trưởng này bày tỏ mong muốn hai nước tiếp tục tái khẳng định giá trị và tiềm năng hợp tác, trên tư cách là các đối tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và CNTT-TT và tiếp tục củng cố và phát triển mối quan hệ đối tác tốt đẹp giữa hai bên.

Nguyệt Minh - doanhnghiepvn.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN