Tiềm năng xuất khẩu
Tại Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm gia vị và hương liệu Việt Nam 2021 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tổ chức chiều 8/9, ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định, sản xuất và xuất khẩu gia vị, hương liệu có ý nghĩa lớn với nền kinh tế và xu hướng xuất khẩu của Việt Nam. Ngành nông nghiệp, công nghiệp sản xuất gia vị và hương liệu của Việt Nam đang trải qua giai đoạn chuyển đổi ấn tượng, đưa Việt Nam trở thành nguồn cung gia vị và hương liệu quan trọng cho thị trường thế giới.
"Các doanh nghiệp xuất khẩu gia vị và hương liệu của Việt Nam đang ngày càng đáp ứng tốt hơn các yêu cầu, đòi hỏi khắt khe của các đối tác nước ngoài, có khả năng cung ứng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chất lượng tốt và an toàn cho nhiều nhà nhập khẩu hàng đầu và các kênh phân phối cao cấp tại nhiều khu vực trên thế giới", ông Lê Hoàng Tài khẳng định.
Đánh giá tiềm năng và năng lực xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam, ông Lê Đức Huy- Ủy viên BCH Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2 tháng 9 cho biết, trước kia, Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu không nhiều nhưng đến nay Việt Nam đã vươn lên trở thành nước sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới, đóng góp 40% sản lượng hồ tiêu toàn cầu.
Sau khi giá hồ tiêu chạm đáy vào năm ngoái, nhu cầu về hồ tiêu vẫn đang tiếp tục tăng đều 2 - 3%. Lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam hiện chiếm 96% tổng lượng hồ tiêu xuất khẩu trên thế giới.
"So với 10 năm trước, chất lượng hồ tiêu Việt Nam hiện đã cải tiến rất nhiều. Không dừng lại ở chế biến hạt tiêu đen nguyên hạt, Việt Nam đã có những sản phẩm tiêu trắng, tiêu xay, tiêu bột, tiêu ngâm giấm, tiêu xanh, tiêu đỏ... Do đó, đã chinh phục được rất nhiều thị trường và hồ tiêu đã được xuất khẩu cho 110 quốc gia", ông Huy thông tin.
Áp dụng khoa học công nghệ để tăng giá trị sản phẩm
Ông Bùi Trung Thướng – Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ chia sẻ, gia vị là một trong những mặt hàng xuất khẩu "tỷ đô" của Ấn Độ. Năm 2020, Ấn Độ xuất khẩu gia vị đạt 3,7 tỷ USD - chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu gia vị của thế giới. Tuy nhiên, Ấn Độ cũng là nước nhập khẩu gia vị, trong đó có nhập khẩu hồ tiêu của Việt Nam. Năm 2020, Ấn Độ nhập khẩu khoảng 1,4 tỷ USD nguyên liệu gia vị về để chế biến và xuất khẩu sang các nước khác, trong đó nhập khẩu hạt tiêu và quế chiếm thị phần nhiều nhất.
Theo ông Bùi Trung Thướng, hồ tiêu, quế, hồi Việt Nam có lợi thế lớn ở thị trường Ấn Độ. Tuy nhiên, thời gian qua, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu hầu hết các sản phẩm thô.
"Do đó, các doanh nghiệp cần phải xem xét xuất khẩu các sản phẩm đã chế biến và tinh chế. Với các sản phẩm quế, hồi, hồ tiêu, Ấn Độ nhập sản phẩm thô, sau đó tinh chế lấy dầu. Hạn chế về việc tinh chế dầu là thiệt thòi đáng kể với Việt Nam, không tận dụng được giá trị gia tăng của sản phẩm. Các doanh nghiệp cần áp dụng khoa học công nghệ để chế biến sản phẩm. Vấn đề mấu chốt là tập trung vào nghiên cứu phát triển sản phẩm. Nghiên cứu áp dụng công nghệ để trực tiếp sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu ra nước ngoài", ông Thướng đề xuất.
Ông Thướng cho biết thêm, với việc phát triển chuỗi giá trị, doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác chứ không nhất thiết phải tham gia quy trình hoàn hảo từ sản xuất đến tiêu dùng. Doanh nghiệp nên chọn lĩnh vực lợi thế để phát triển. Những lĩnh vực còn yếu thì hợp tác quốc tế, sau đó làm chủ công nghệ.
Chú trọng xây dựng thương hiệu riêng
Đề cập về triển vọng xuất khẩu gia vị sang thị trường Ả Rập Xê Út, ông Trần Trọng Kim – Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ả Rập Xê Út cho biết, Ả Rập Xê Út tiêu thụ rất nhiều loại gia vị khác nhau, hầu hết là nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
Thời gian gần đây, thuốc trừ sâu, phân bón, chất phụ gia và các chất khác có trong thực phẩm thông thường gây nguy hại cho sức khỏe sau khi tiêu thụ. Do đó, nhu cầu về thực phẩm hữu cơ và gia vị hữu cơ ở Ả Rập Xê Út là rất lớn.
Một số ít gia vị hữu cơ là ớt, gừng và nghệ … đang được các nhà sản xuất kết hợp các công nghệ mới nhất như xử lý hơi nước để duy trì chất lượng, an toàn thực phẩm và các tiêu chuẩn hữu cơ cho các loại thảo mộc, gia vị. Xu hướng này giúp các nhà sản xuất duy trì môi trường cạnh tranh trên thị trường.
"Theo quan sát của chúng tôi, lĩnh vực thảo mộc hữu cơ, gia vị, nước sốt và gia vị ở Ả Rập tăng trưởng nhanh do dân số tăng, sức mua và tiêu dùng nhiều hơn cùng với xu hướng mới trong việc sử dụng vật liệu đóng gói, phân phối và xây dựng thương hiệu", ông Kim chia sẻ.
Lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang Ả Rập Xê Út, ông Kim cho rằng, các sản phẩm thực phẩm, đồ ăn, thức uống phải có chứng nhận của Tổng cục Dược phẩm và Thực phẩm SFDA.
"Người Trung Đông có thói quen mắt thấy tay sờ, nhìn hàng tận mắt nên doanh nghiệp cần gửi mẫu cho khách trước. Đồng thời gửi cho Thương vụ để trưng bày tại phòng giới thiệu hàng xuất khẩu của Việt Nam, và tại các sự kiện Ngoại giao kinh tế phối hợp giữa Thương vụ với các Phòng thương mại và Công nghiệp địa phương", ông Kim khuyến nghị.
Cũng theo ông Kim, hàng Việt Nam chưa có thương hiệu riêng, khi xuất khẩu đều đóng gói theo tên nhà nhập khẩu, thương hiệu của nhà phân phối. Do vậy, doanh nghiệp cần chú trọng việc xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình để tăng vị thế, uy tín của doanh nghiệp.
Đưa ra lời khuyên cho các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu, ông Lê Hoàng Tài cho biết, để có ưu thế cạnh tranh trên thị trường gia vị và hương liệu trên thế giới, sau khi Việt Nam kiểm soát ổn thỏa tình hình dịch bệnh COVID-19, các địa phương và doanh nghiệp cần có kế hoạch khôi phục sản xuất, ứng dụng các công nghệ tiên tiến phục vụ chế biến, phát triển đa dạng loại hình sản phẩm, tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới Việt Nam đã tham gia gần đây để thúc đẩy xuất khẩu.