Bất cập trong quản lý, người lao động gặp rủi ro
Hiện, TP Hồ Chí Minh có khoảng 200 nghìn người lao động (NLĐ) tham gia thị trường xe công nghệ. Tuy nhiên, loại hình dịch vụ sử dụng nền tảng công nghệ này về cơ bản cũng đã làm nảy sinh khá nhiều vấn đề phức tạp trong công tác quản lý liên quan đến vấn đề tranh chấp trong kinh doanh, giữa mô hình kinh tế truyền thống và mô hình kinh tế chia sẻ.
Vấn đề này đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan quản lý xã hội, đồng thời cũng là khoảng trống trong các nghiên cứu về kinh tế - xã hội. Trước thực tế đó, Ban Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã chủ trì triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ “Đánh giá thực trạng công tác quản lý và các phương thức tập hợp NLĐ tham gia cung ứng dịch vụ xe sử dụng nền tảng ứng dụng công nghệ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh”, và được hội đồng tư vấn nghiệm thu Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Hồ Chí Minh tổ chức hồi tháng 12/2021 đánh giá là đã cung cấp những số liệu, nhận định và đề xuất hết sức khách quan, sát với thực tiễn của loại hình dịch vụ này.
Theo nhận định của Sở Tư Pháp TP Hồ Chí Minh, một thách thức mà các cơ quan Nhà nước đang phải đối mặt là việc không giới hạn số lượng tài xế tham gia vào sử dụng ứng dụng công nghệ cung cấp dịch vụ vận tải như hiện nay dẫn đến tình trạng gia tăng sử dụng phương tiện cá nhân. Điều đó gây nên sự mất cân bằng quy luật cung cầu, gián tiếp cạnh tranh với phương tiện vận tải công cộng như xe buýt vì tính tiện lợi, nhanh chóng vốn có của nó. Ngoài ra, còn tạo nên sự bất bình đẳng trong giao kết giữa chủ sở hữu nền tảng ứng dụng và các tài xế tham gia chạy dịch vụ với tư cách là đối tác như các hợp đồng giao kết hiện hành.
Nhận định những nguy cơ của hoạt động xe công nghệ.
Bên cạnh đó, các vấn đề an ninh xã hội nảy sinh từ khi các mô hình hoạt động dịch vụ xe công nghệ xuất hiện tại Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng. Loại hình lao động này gây sức ép lên hệ thống pháp luật nước ta bởi vì các khuôn khổ pháp lý hiện nay dường như không có thay đổi linh hoạt để quản lý những thách thức nảy sinh từ các mô hình hoạt động xe công nghệ.
ThS Trương Quốc Lâm, chủ nhiệm đề tài cho biết: sau khi khảo sát nhóm người lao động (tham gia dịch vụ xe công nghệ phân theo hai loại phương tiện tham gia chính gồm xe bốn bánh và xe hai bánh) cho thấy, thành phần tham gia vào hoạt động dịch vụ chạy xe công nghệ khá đa dạng và đang có chiều hướng biến thành một nghề chính thức với mong muốn gắn bó lâu dài với công việc này. Người lao động có thể tự do lựa chọn thời gian làm việc mà không chịu sự quản lý hoặc kiểm soát của doanh nghiệp.
Đa số tài xế cho rằng công việc lái xe công nghệ của họ là “nghề nghiệp chính thức, ổn định” hoặc “công việc làm thêm để có thu nhập” (90%). Chỉ có một số ít tài xế chưa có việc làm mới xem đây là một “công việc tạm thời trước khi tìm việc mới” (10%).
Khó khăn của tài xế khi tham gia xe công nghệ.
Tuy nhiên, việc định danh mối quan hệ giữa người lao động và doanh nghiệp chưa rõ ràng, việc gọi tên mối quan hệ “đối tác” nhưng quyền lợi và trách nhiệm không cân bằng, dẫn đến nhiều thiệt thòi cho người lao động. Người lao động là tài xế luôn ở thế yếu, phải chịu sự quản lý một chiều từ phía đơn vị vận hành ứng dụng công nghệ (app) như những người lệ thuộc. Bên cạnh đó, tình trạng, mức sống lực lượng lao động hoạt động trong lĩnh vực chạy xe công nghệ khá bấp bênh. Công việc mưu sinh của họ nảy sinh các hệ luỵ khác đối với người lao động như thời gian làm việc quá mức, không có chế độ an sinh xã hội (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, …) và tình trạng nợ tài chính cá nhân tăng cao.
"Khó khăn lớn nhất của họ là không có phúc lợi xã hội và các chế độ đãi ngộ như những người lao động làm công hưởng lương. Các chế độ an sinh xã hội căn bản thực sự rất cần thiết đối với bất kể một ngành nghề nào, đặc biệt là đối với nhóm người lao động chạy xe công nghệ chuyên nghiệp"- Báo cáo của Ban Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh nêu và cho rằng: "Để tham gia vào công việc chạy xe công nghệ, người lao động đã phải sử dụng các nguồn vốn kinh tế để đầu tư trang bị phương tiện và phần lớn thời gian để chạy xe kiếm tiền".
Ngoài ra, khi chạy xe công nghệ, người tài xế gặp 5 vấn đề rủi ro chính. Rủi ro lớn nhất là họ luôn phải đối mặt thường ngày là rủi ro về sức khỏe, thân thể và tính mạng. Ngoài ra, họ còn bị mức chiết khấu quá cao so với sức lao động của họ và họ không có các khoản trợ cấp, phụ cấp cần thiết. Tài xế không được đàm phán về các điều khoản trong hợp đồng hay không được bảo vệ quyền lợi trước khách hàng .
Cần sớm có các chính sách bảo đảm an sinh xã hội
Qua khảo sát, nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất, kiến nghị Chính phủ cần sớm đưa ra các nhiệm vụ hoạch định chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho những người lao động tự do. Trong đó, các chính sách ban hành thời gian tới cần tính toán các giải pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo mức sống của người lao động luôn ở ngưỡng đảm bảo sinh tồn với 3 chỉ báo quan trọng. Đó là: Đảm bảo sự bình ổn mức thu nhập trong ngưỡng sinh tồn; Trong lĩnh vực xe công nghệ, cơ quan quản lý nhà nước phải giám sát việc các doanh nghiệp thu phí, cước phải dựa vào mức sống cơ bản của người lao động. Tránh để tình trạng để doanh nghiệp độc quyền ban hành giá cước có lợi cho doanh nghiệp; Quản lý, giám sát việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động.
Đánh giá mức thu nhập của tài xế so với công việc trước đây theo từng nhóm nghề.
Từ kết quả nghiên cứu nói trên, đại diện Ban Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng đã có báo cáo tham vấn chính sách gửi lãnh đạo Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Theo đó, đối với giải pháp trước mắt, nhóm tác giả đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh chỉ đạo UBND Thành phố giao Sở Lao động Thương binh và Xã hội sớm xây dựng Bộ tiêu chuẩn đánh giá trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và công bố thường niên. Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu, tham mưu giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động dịch vụ vận tải hành khách ở đô thị. Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu căn cứ pháp lý để quản lý và phương thức chế tài các ứng dụng trong trường hợp vi phạm pháp luật trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, nhất là các trường hợp tác động hay đe dọa tác động đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Ngoài ra, Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cần tăng cường chỉ đạo thành lập các nghiệp đoàn xe công nghệ và đánh giá hiệu quả nghiệp đoàn của người lao động trên địa bàn TP Hồ Chí Minh khuyến kích thành lập các tổ chức phi lợi nhuận (NPOs) theo các dạng thức Doanh nghiệp xã hội hay Quỹ phúc lợi xã hội tập hợp người lao động tự do; hay hành lập Trung tâm Thông tin và hỗ trợ người lao động tự do;…
Bên cạnh đó, theo đề xuất của nhóm nghiên cứu, các tổ chức chính trị - xã hội của TP Hồ Chí Minh cũng có thể tham gia hình thành Mạng lưới các tổ chức hỗ trợ phúc lợi cho người lao động (có thể tích hợp với ứng dụng hỗ trợ người lao động- app, thông của Trung tâm thông tin và hỗ trợ người lao động). Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp cũng cần chủ động tăng cường phát huy các mô hình đội nhóm tự lập, tự quản trong lực lượng lao động khá phong phú. Song song đó, cần sớm có chiến lược tập các nhóm xã hội này theo quan điểm hiệp lực thay vì tiếp cận theo hướng cạnh tranh tập hợp từng cá nhân đơn lẻ như hiện nay.
Thiên An