Chia sẻ tại tọa đàm “Dịch vụ internet vệ tinh và đề xuất nội dung sửa đổi trong Dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi”, sáng 3/8, ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch VIA cho biết, năm 2023, Việt Nam có 78 triệu người sử dụng internet.
Tỉ lệ người dân sử dụng internet đạt 79,1%. Tỉ lệ ứng dụng IPv6 (hệ thống định vị cho máy tính, đồng thời định tuyến lưu lượng trên internet) đạt 57,3%, đứng thứ 10 thế giới.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 phủ 100% internet cáp quang đến thôn, xóm, cũng như mở rộng băng thông internet di động.
Các đại biểu tham dự tọa đàm “Dịch vụ Internet vệ tinh và đề xuất nội dung sửa đổi trong Dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi”. Ảnh: Hà Anh.
Theo thống kế quốc tế của Speedtest Global Index (Ookla), tốc độ internet cố định tại Việt Nam tăng 6 bậc, đứng thứ 39 toàn cầu. Mạng băng rộng cố định đạt tốc độ tải xuống 91,6 Mbps, tăng gần 9% so với mức 84,18 Mbps của tháng trước đó, thậm chí là tốc độ cao nhất từ trước đến nay.
Trong khi đó, mạng di động giảm từ 46,66 Mbps trong tháng 1 xuống 42,67 trong tháng 2/2023.
Thống kê của i-Speed (VNNIC) cho biết, từ tháng 1 đến tháng 2/2023, tốc độ tải xuống của mạng di động giảm từ 40,82 Mbps xuống 36,45 Mbps; mạng cố định tăng từ 85,8 Mpbs lên 89,73 Mbps.
Hạ tầng internet Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức đứt cáp quang và nhu cầu về dịch vụ vệ tinh. 2 tháng đầu năm 2023 là giai đoạn chứng kiến năm tuyến cáp quang biển kết nối Việt Nam ra thế giới gặp sự cố. Sự cố đứt cáp quang biển ảnh hưởng đến kết nối Việt Nam đi quốc tế.
Đánh giá về thực tế của người dùng internet Việt Nam, ông Liên nhấn mạnh: “95% trong số 15.000 người được hỏi cảm thấy internet chậm hơn, chỉ 1% cho là nhanh hơn”.
Tại Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) là đơn vị duy nhất sở hữu mạng thông tin vệ tinh. Hình thức kết nối này sử dụng các trạm vệ tinh cỡ nhỏ VSAT (Very Small Aperture Terminal) có đường kính ăng-ten từ 1,2 m đến 3 m và hệ thống thông tin vệ tinh băng rộng Vinasat để cung cấp các dịch vụ viễn thông trên nền giao thức IP.
Trên website, VNPT cho biết đang cung cấp dịch vụ VSAT-IP, cho phép truy cập internet qua đường vệ tinh với tốc độ tối thiểu 384 Kbps và giá cước từ 1,6 đến 5,25 triệu đồng mỗi tháng.
Tháng 4/2021, Viettel cũng đề xuất triển khai thí điểm dịch vụ internet vệ tinh bằng chùm vệ tinh quỹ đạo thấp (LEO) để tăng khả năng phủ sóng cho mạng di động.
Ưu điểm của dịch vụ này là chi phí xây dựng và phóng vệ tinh thấp. Do hoạt động ở tầm gần, khoảng cách từ 800 đến 1.600 km, internet được cung cấp sẽ cho tốc độ cao, độ trễ thấp và băng thông lớn hơn.
Nhưng nhược điểm của dịch vụ này là vòng đời ngắn, chỉ từ 5 đến 7 năm, người dùng phải mua bộ thu phát với giá cao.
Trước thực trạng còn bất cập như vậy, Chủ tịch VIA kỳ vọng việc Bộ Thông tin và Truyền thông bổ sung một số quy định với dịch vụ viễn thông sử dụng vệ tinh trong dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi sẽ giúp internet vệ tinh hoạt động an toàn hơn, đồng thời là nền tảng để dịch vụ này phát triển trong tương lai.