Các đại biểu chia sẻ tiềm năng, thách thức thu hút đầu tư nước ngoài công nghiệp bán dẫn tại Hà Nội. |
Tham dự tọa đàm có ông Nguyễn Trần Quang, Phó Giám đốc HPA; ông Lâm Quang Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA); GS, TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE); PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; ông Lê Hoàng Phúc, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) thuộc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng…
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, ngành công nghiệp bán dẫn đã trở thành trụ cột quan trọng trong nền kinh tế kỹ thuật số. Với vị trí chiến lược và tiềm năng phát triển vượt trội, Hà Nội đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội to lớn, Hà Nội cũng đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ.
Các ý kiến phát biểu đã cùng nhau làm rõ những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của Hà Nội đối với các nhà đầu tư quốc tế, đồng thời phân tích các khó khăn cần vượt qua để tối ưu hóa cơ hội và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp bán dẫn tại thành phố.
Chia sẻ tại hội nghị, PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, bán dẫn là cuộc đua toàn cầu rất khốc liệt, do vậy các chính sách thu hút đầu tư đưa ra phải vượt trội so với các quốc gia trên thế giới.
PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm. |
“Cách tiếp cận vấn đề này cần mãnh liệt hơn bởi đây là vấn đề mang tính sống còn, phải được tiếp cận theo một hướng khác biệt so với từ xưa tới nay trong một cuộc chơi thay đổi thời đại”, PGS, TS Trần Đình Thiên nêu quan điểm.
Theo ông, cuộc đua tranh toàn cầu yêu cầu phải có công nghệ, vốn và nhân lực. Để thút đầu tư, còn cần phải có môi trường cạnh tranh, sự công khai, minh bạch, cũng như thể chế vượt trội và quản trị hiện đại.
Dẫn ví dụ một số quốc gia, PGS, TS Trần Đình Thiên cho biết, 3 năm qua, Hoa Kỳ thu hút 395 tỷ USD đầu tư nước ngoài vào sản xuất chất bán dẫn. Bộ Thương mại Hoa Kỳ thông báo giải ngân 50 tỷ USD cho các công ty và tổ chức nước này để nghiên cứu, phát triển và sản xuất chip, củng cố cung ứng chip quốc gia.
Tháng 5/2024, Hàn Quốc công bố gói khuyến khích lĩnh vực chip 19 tỷ USD, bao gồm 12,4 tỷ USD hỗ trợ đầu tư và ưu đãi thuế. Trong khi đó, Malaysia đang tạo hình mẫu phát triển mới, đó là phát triển hệ sinh thái bán dẫn xuyên quốc gia…
“Các quốc gia đi sau trong lĩnh vực này như Indonesia, Malaysia, Singapore, Ấn Độ… đều đang muốn vượt lên trước. Việt Nam muốn cạnh tranh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp bán dẫn thì phải tạo được sự hấp dẫn, khác thường”, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói.
Ông cho biết, Việt Nam đang tham gia vào chuỗi bán dẫn toàn cầu với tư cách nhà sản xuất lắp ráp và kiểm thử mới nổi (OSAT - chiếm 6% giá trị sản phẩm bán dẫn). Trung hạn, Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm OSAT khu vực.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện còn thiếu các khâu cơ bản của hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn như công nghệ, chuỗi, nhân lực, vốn, dữ liệu và năng lượng. “Đặc biệt là năng lượng, nếu chúng ta không chuẩn bị kỹ lưỡng về vấn đề này thì rất khó thu hút các nhà đầu tư”, PGS, TS Trần Đình Thiên cho hay.
Đưa ra một số khuyến nghị, ông cho rằng Việt Nam cần đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu & phát triển (R&D), chú trọng đào tạo về công nghệ thông tin để giải quyết tình trạng thiếu nhân tài về bán dẫn trong nước, giúp cải thiện năng lực lao động, hỗ trợ Việt Nam tham gia thiết kế chip.
Nói về triển vọng thu hút đầu tư công nghiệp bán dẫn tại Hà Nội, GS, TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, Hà Nội có nhiều lợi thế, là trung tâm kinh tế, giáo dục, khoa học, công nghệ; là trung tâm chính trị, hành chính của Việt Nam; đồng thời, có nhiều trường đại học với đội ngũ giáo sư, chuyên gia hàng đầu về khoa học, công nghệ, số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng.
GS, TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phát biểu tại tọa đàm. |
Tuy nhiên, theo ông, Hà Nội chưa khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của Thủ đô, cụ thể, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 của thành phố chỉ đạt 6%, thấp hơn trung bình cả nước và sau một số địa phương như Bắc Giang, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Hà Nam, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh. Thu hút FDI lũy kế đến cuối năm 2023 là 41,17 tỷ USD, chiếm 8,8%.
Nguyên nhân là do chậm tiếp cận tư duy, hành động đổi mới sáng tạo; chậm đổi mới mô hình tăng trưởng; chậm cải tiến sự phối hợp giữa chính quyền Thủ đô với các bộ, ngành trung ương, các viện khoa học, trường đại học.
Về một số kiến nghị, GS, TS Nguyễn Mại cho rằng Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cần chủ động xây dựng danh mục các dự án khuyến khích đầu tư, trong đó không chỉ khuyến khích đầu tư vào công nghiệp bán dẫn mà còn cần khuyến khích đầu tư vào công nghệ tương lai như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), Blockchain…
Cùng với đó, cải tiến mạnh mẽ hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng có địa chỉ, nghĩa là khi có tập đoàn nào có ý định đầu tư vào Hà Nội, phù hợp với định hướng của thành phố thì làm việc trực tiếp với cán bộ cấp cao của tập đoàn đó qua internet cho đến khi hai bên đạt được thỏa thuận về các nội dung, sau đó tiến hành đàm phán đề nhanh chóng thẩm định cấp giấy phép đầu tư và hướng dẫn họ thực thi.
Ngoài ra, GS, TS Nguyễn Mại cũng khuyến nghị Hà Nội phải khắc phục các điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cần hiện đại hóa cơ sở hạ tầng theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế số; đồng thời, lượng hóa được hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính…
Trong phiên tọa đàm bàn tròn, các diễn giả tập trung phân tích tiềm năng, lợi thế và thách thức của Thủ đô Hà Nội trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp bán dẫn, cũng như đề xuất các giải pháp để thành phố có thể tận dụng tối đa những tiềm năng, lợi thế đó để tạo ra bứt phá trong cuộc đua bán dẫn ngày càng nóng hiện nay.
VĂN TOẢN - MINH PHƯƠNG