Nội dung nêu trong dự thảo Quy định tiêu chí, đối tượng, điều kiện, mức chi về tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và các chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập và thù lao thực hiện nhiệm vụ do Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM đề xuất. Ngoài người đứng đầu, cấp phó của tổ chức khoa học công nghệ công lập được hưởng mức thù lao 50 - 100 triệu đồng, trưởng các phòng ban 40 - 80 triệu đồng, phó phòng ban 30 - 60 triệu đồng mỗi tháng.
Mức thù lao này được xem xét tăng 5% mỗi năm theo kết quả hoạt động tại đơn vị lãnh đạo làm việc nhưng không quá mức trần quy định trên. Ngoài ra, lãnh đạo các tổ chức khoa học công nghệ được thưởng một tháng lương khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cuối năm. Họ cũng được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại, rủi ro gây ra cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Việc miễn trừ này được hiểu do nguyên nhân khách quan, mặc dù đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định về nghiên cứu khoa học.
Với người thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ được chi thù lao đối với chức danh chủ nhiệm đề tài là 60 triệu đồng mỗi người một tháng. Hệ số lao động khoa học của các chức danh gồm: chủ nhiệm nhiệm vụ (1.0), thành viên chính (0,8), thư ký khoa học (0,6), thành viên (0,6), kỹ thuật viên và nhân viên hỗ trợ (0,2). Hệ số lao động khoa học là cơ sở để tính tiền công lao động cho từng vị trí tham gia đề tài, dự án. Lãnh đạo, người nghiên cứu phải nằm trong các lĩnh vực ưu tiên của thành phố như điện tử - công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, vật liệu mới...
Theo dự thảo, các chức danh lãnh đạo được hưởng ưu đãi phải có học vị tiến sĩ hoặc một trong các chức danh giáo sư, phó giáo sư, nghiên cứu viên cao cấp, kỹ sư cao cấp hoặc có chức danh công nghệ tương đương và có 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn. Về năng lực, các chức danh lãnh đạo phải chủ trì ít nhất một nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia hoặc hai nhiệm vụ cấp bộ, cấp tỉnh đã được nghiệm thu. Lãnh đạo phải các kết quả nghiên cứu được cấp bằng độc quyền sở hữu trí tuệ hoặc được công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín và các thành tựu khác có liên quan và có kinh nghiệm thương mại hóa.
Theo Giám đốc một trung tâm nghiên cứu công lập tại TP HCM, hiện tại mức thu nhập ông khoảng 17 - 18 triệu đồng mỗi tháng (bao gồm cả thu nhập tăng thêm). So với đề xuất tối đa 120 triệu đồng tại dự thảo, cao hơn gấp 6 lần hiện tại. "Tôi cho rằng đây là mức thu nhập rất hấp dẫn", ông nói. Tuy nhiên, lãnh đạo này nhìn nhận, thu nhập cao, buộc đơn vị nghiên cứu phải có những sản phẩm công nghệ tương xứng với mức lương họ được hưởng. Nhà khoa học phải có sản phẩm phải đạt yêu cầu, khả năng thương mại hóa cao, tạo ra giá trị thật cho xã hội.
Ngoài ra, ông cho rằng ngoài chế độ tiền lương, việc mua sắm trang thiết bị, hóa chất... cần được tạo điều kiện thông thoáng hơn về mặt thủ tục hành chính, nhưng vẫn đảm bảo quy định. "Đây là điều kiện giúp nhà nghiên cứu có nguyên vật liệu kịp thời phục vụ công việc và giúp sản phẩm ra thị trường nhanh hơn", ông nói.
Tại hội nghị góp ý về dự thảo đề án hôm 11/8, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM Nguyễn Việt Dũng cho biết, dự kiến sau khi lấy ý kiến chuyên gia, các sở ngành, đề án được gửi UBND thành phố xem xét. Nếu được chấp thuận, dự thảo đề án sẽ trình Hội đồng Nhân dân TP HCM trong kỳ họp tháng 9 tới.