Trí tuệ nhân tạo, Blockchain đã trở thành công cụ thiết yếu của kế toán quản trị

Theo nhóm chuyên gia thuộc Đại học Công Nghiệp TP Hồ Chí Minh, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Big data và Blockchain đã trở thành công cụ thiết yếu cho kế toán quản trị để giải quyết với những thay đổi nhanh chóng trong môi trường cạnh tranh toàn cầu và sự không chắc chắn.

Nghiên cứu của nhóm chuyên gia thuộc Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh (TS Hồ Thị Vân Anh và ThS Phạm Tú Anh) cho thấy, việc sử dụng AI, Big data và Blockchain đã giúp các công ty tổ chức và phân tích dữ liệu kế toán, hỗ trợ hoạt động kế toán, tăng cường bảo mật thông tin và cải thiện tính minh bạch trong kế toán.

Trong khi kế toán tài chính và kiểm toán đi phân tích các dữ liệu đã có thì kế toán quản trị có đặc điểm là định hướng tương lai. Do đó, phân tích dự báo sử dụng AI, Big data và Blockchain đã trở thành công cụ thiết yếu cho kế toán quản trị để giải quyết với những thay đổi nhanh chóng trong môi trường cạnh tranh toàn cầu và sự không chắc chắn.

Cụ thể, đối với kế toán dựa trên AI, AI giúp việc phân tích và sử dụng dữ liệu kế toán được hiệu quả, cho phép phân tích nâng cao với tốc độ nhanh hơn và kết quả chính xác hơn, đồng thời có thể liên kết AI với các chiến lược quản lý hoặc nhiều sáng kiến khác.

AI giúp việc phân tích và sử dụng dữ liệu kế toán được hiệu quả

AI giúp phát hiện sớm các giao dịch gian lận, nghi ngờ các bất thường hoặc sai sót, từ đó nhận biết và xử lý chúng trước khi vấn đề có thể xảy ra. Đồng thời, cung cấp các định hướng cho một mô hình ước tính chi phí mới. Những tiến bộ gần đây trong thuật toán và lập trình đã góp phần làm giảm bớt những thiếu sót của các phương pháp tham số truyền thống, cũng như cải thiện hiệu quả và ứng dụng.

Thuế là lĩnh vực được coi là lợi thế của AI thông qua việc áp dụng công nghệ nhận thức (cognitive technology) để tự động phân loại thành các khoản mục kế toán phù hợp với nội dung tương ứng, làm tăng xác suất khớp.

Việc sử dụng công nghệ nhận thức có thể mang lại lợi ích như dự đoán chính xác hơn, cải thiện phân bổ tài nguyên, phát hiện bất thường và theo dõi thời gian thực mà không cần nhận dạng thủ công các mẫu cũng như bỏ sót các mẫu quan trọng, do đó giúp đưa ra quyết định tốt hơn và tăng hiệu quả

Đối với việc sử dụng Big data, theo nhóm chuyên gia Trường Đại học Công Nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, các tổ chức kinh tế cũng như chính phủ các nước cũng đang tích cực áp dụng công nghệ này.

Đó là sử dụng Big data vào quản lý thuế như các khoản thu nhập thường xuyên và không thường xuyên, nộp thuế trong quá khứ, chi tiêu bằng thẻ tín dụng, hồ sơ thẻ tín dụng, tình trạng bất động sản, lịch sử mua sắm, tiếp cận thị trường trực tuyến, giao dịch trực tuyến, phương tiện truyền thông xã hội (Twitter, Facebook, Instagram...), tìm kiếm trên web, email…

Phân tích và so sánh với các khoản thanh toán thuế trước đó, thực hiện các chính sách thông qua phân tích dữ liệu tập trung vào kinh tế, giao thông, văn hóa, truyền thông và an toàn.

Ngoài ra, đối với lĩnh vực tài chính quốc gia, Big data giúp các chính phủ có thể quản lý một cách hiệu quả việc thực hiện các quỹ bất hợp pháp như tham ô, hối lộ và các tài liệu gian lận.

Về việc kế toán dựa trên Blockchain, hơn 10 năm trước, công nghệ Blockchain được sử dụng như một hệ thống thanh toán cho các loại tiền kỹ thuật số được mã hóa, và được sử dụng như một công nghệ bảo mật cho các giao dịch của tiền điện tử. Chính điều này, làm cho công nghệ Blockchain bị hiểu sai là một loại tiền điện tử và nhìn nhận nó một cách tiêu cực (bản chất đầu cơ).

Tuy nhiên, Blockchain hiện là một công nghệ ghi nhận thông tin bằng cách sử dụng mã hóa để ngăn chặn việc giả mạo hoặc thao túng thông tin.

Blockchain hiện là một công nghệ ghi nhận thông tin bằng cách sử dụng mã hóa để ngăn chặn việc giả mạo hoặc thao túng thông tin

Do tính chất phân tán và cơ chế đồng bộ của nó, công nghệ Blockchain cung cấp một giải pháp để kiểm soát các giao dịch được ghi nhận vào sổ cái. Mọi giao dịch mới được thêm vào các khối hiện có và các khối này được liên kết bằng mật mã. Liên kết dạng chuỗi này giúp Blockchain có thể vượt qua các giới hạn của việc ghi sổ kế toán kép.

Dự báo, Blockchain sẽ tác động không nhỏ đến các dịch vụ tài chính và được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực y tế và công cộng. Công nghệ Blockchain sẽ tác động rất mạnh đến hệ thống thông tin kế toán.

Hệ thống Blockchain có thể thực hiện quản lý hệ thống thông tin kế toán dưới các tác vụ ghi lại các giao dịch tuân thủ các chuẩn mực kế toán bằng cách ghi lại doanh thu sau khi vận chuyển hàng hóa.

Quản lý các hợp đồng trái phiếu và khoản vay bằng cách theo dõi số dư trong tài khoản công ty và đưa ra cảnh báo khi số dư không đạt ngưỡng quy định; tạo điều kiện tự động xác nhận hàng tồn kho được mua bằng tín dụng; xác định nghĩa vụ, quyền sở hữu, số tiền, ngày đến hạn và số tiền được thanh toán bằng cách khớp số dư tài khoản phải thu của nhà cung cấp với số dư tài khoản phải trả của khách hàng.

Cùng đó là thực hiện thanh toán, giảm giá cho khách hàng khi khách hàng có các khoản thanh toán sớm.

Nhóm chuyên gia thuộc Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh nhận định quá trình chuyển đổi từ kế toán truyền thống sang các công nghệ kế toán mới sẽ được đẩy nhanh, đặc biệt là trong và sau giai đoạn COVID-19 hiện nay.

“Nếu không hiểu và không áp dụng AI, Big data và Blockchain thì các doanh nghiệp khó có thể tồn tại trong một môi trường kinh doanh thay đổi nhanh. Tuy nhiên, khi sử dụng công nghệ AI, Big data và Blockchain, doanh nghiệp cũng cần xem xét và đánh giá một số rủi ro và mối đe dọa liên quan phát sinh (lỗi, máy chủ ngừng hoạt động, sao lưu dữ liệu...) do các công nghệ này tác động”, nhóm chuyên gia thuộc Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh khuyến nghị.

Hà Anh

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN