Triển khai chuyển đổi số ở Thái Bình chưa đạt yêu cầu đề ra

Bùi Quốc Khánh
Mặc dù tỉnh Thái Bình đã đẩy mạnh các giải pháp thực hiện chuyển đổi số theo kế hoạch một cách bài bản, cụ thể, nhưng cho đến nay kết quả thực hiện còn chậm, một số chỉ tiêu chưa đạt như mong muốn.

1tb-1650797700294-3245-1678208816.jpeg
Gần 1 năm nay, ngành thuế tỉnh Thái Bình triển khai hóa đơn điện tử trên quy mô toàn tỉnh.

Thông tin từ Ban chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh Thái Bình cho biết, năm 2022 tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến của tỉnh kết nối đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia mới đạt 64,3% (mục tiêu đề ra năm 2022 là 100%).

Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ cũng chỉ đạt 61,8% (mục tiêu đề ra năm 2022 là 80%). Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 26,2%, trong khi mục tiêu đề ra năm 2022 là 100%.

Đối với việc phát triển xã hội số, mới có một số ngành giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, thuế của tỉnh Thái Bình thực hiện có hiệu quả. Còn lại nhiều sở, ngành, địa phương chưa quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số; một số cán bộ chưa đổi mới, còn giữ thói quen làm việc cũ…

2e6f5090462f8fc0d38f796e90c0bf25-8818-1678208839.jpg
Công an tỉnh Thái Bình triển khai làm căn cước công dân gắn chíp tại nhà cho người già yếu trên địa bàn.

Tỉnh Thái Bình đã thành lập 1.449 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với gần 12.000 thành viên. Tuy nhiên, việc thành lập còn hình thức, chưa phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho các thành viên tổ công tác, dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Thái Bình cũng chưa khai thác hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác đánh giá tình hình, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương (trong báo cáo hằng tháng chưa có đơn vị cấp huyện nào báo cáo kết quả này).

Theo Ban chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh Thái Bình, đối với thu nhận hồ sơ cấp định danh điện tử, quy trình đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 1 còn phức tạp, khó khăn cho người đăng ký sử dụng. Việc cấp tài khoản mức 2 phải làm trực tiếp tại cơ quan Công an dẫn đến người dân phải đi lại nhiều, chưa kể phải có điện thoại thông minh, cấu hình cao, kết nối internet.

Tỷ lệ kích hoạt định danh điện tử còn thấp do nhiều người dân chưa hiểu và sử dụng. Ngoài ra, còn một số người không có điện thoại thông minh hoặc có nhưng không đáp ứng khi cài ứng dụng, không đủ điều kiện sử dụng.

anh-2-4539-1678208861.jpg
Một lớp học thông minh tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở An Vũ (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình).

Trong năm nay, tỉnh Thái Bình chỉ rõ từ nhiệm vụ chung đến nhiệm vụ cụ thể của mỗi sở, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã về thực hiện hiệu quả, đúng lộ trình chuyển đổi số đã xây dựng.

Theo đó, sẽ cung cấp sim miễn phí cho đối tượng đủ 14 tuổi (sinh năm 2009) phục vụ đăng ký tài khoản Định danh điện tử và tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Phấn đấu trong quý 1/2023, có 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn sử dụng thiết bị đọc căn cước công dân gắn chíp (thiết bị quét mã QrCode hoặc thiết bị đọc chíp trên thẻ căn cước công dân gắn chíp).

Kể từ ngày 1/6 năm nay, tỉnh Thái Bình chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã triển khai các giải pháp phục vụ công tác số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa cấp xã.

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN