Trung Quốc từng bị chỉ trích vì quảng cáo thuốc y học cổ truyền giúp điều trị COVID-19

Quản trị Web
Chính phủ Trung Quốc từng quảng cáo rầm rộ các loại thuốc đông y truyền thống có tác dụng điều trị COVID-19.
d41586-020-01284-x-17943404-1627346215.jpg
Chính phủ Trung Quốc từng quảng cáo rầm rộ các loại thuốc đông y truyền thống có tác dụng điều trị COVID-19.

Tại Trung Quốc, trong năm 2020 khi đỉnh dịch COVID-19 lên cao ở quốc gia này, các quan chức chính phủ cấp cao và các phương tiện truyền thông nhà nước đã thúc đẩy một loạt các loại thuốc y học cổ truyền Trung Quốc (TCM) có hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng COVID-19 và giảm tử vong do căn bệnh này. Tuy nhiên, không có dữ liệu thử nghiệm nghiêm ngặt nào để chứng minh rằng các biện pháp đó hiệu quả.

Theo báo The Nature, mặc dù hiệu quả của một số biện pháp điều trị của thuốc y học cổ truyền với COVID-19 đang được thử nghiệm, song một số nhà nghiên cứu cho biết các thử nghiệm này không được tiến hành chặt chẽ và không có khả năng tạo ra kết quả đáng tin cậy. Các quan chức chính phủ và những người hành nghề y học cổ truyền coi các biện pháp này là an toàn vì một số đã được sử dụng hàng nghìn năm, dù vậy vẫn có nhiều tác dụng phụ.

“Chúng ta đang đối phó với một căn bệnh lây nhiễm nghiêm trọng cần các phương pháp điều trị hiệu quả. Đối với các phương thuốc y học cổ truyền, vẫn chưa có bằng chứng xác thực về tính hiệu quả, do đó việc sử dụng chúng không chỉ phi lý mà còn nguy hiểm”, Edzard Ernst, một nhà nghiên cứu ở Anh cho biết.

Trước đó, các nhà lãnh đạo thế giới cũng đã đề cập đến các phương pháp điều trị COVID-19 chưa được chứng minh. Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói đến việc sử dụng hydroxychloroquine, một loại thuốc trị sốt rét có tác dụng phụ tiềm ẩn đáng kể, để chống lại COVID-19. Nhưng những tuyên bố đó của các nhà lãnh đạo đã bị các nhà khoa học chỉ trích.

Theo các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, Cục Quản lý Nhà nước về Y học Cổ truyền Trung Quốc cho biết một nhóm người bị COVID-19 uống Jinhua Qinggan, loại hạt thảo dược được phát triển để chống lại bệnh cúm H1N1 vào năm 2009, đã khỏi bệnh nhanh hơn so với những người không dùng viên nang, các bệnh nhân này âm tính với virus mới sớm hơn hai ngày. Tuy vậy, không có thêm thông tin chi tiết được cung cấp.

Các nhà khoa học khác nói rằng không có bằng chứng thuyết phục rằng những biện pháp khắc phục này có hiệu quả chống lại COVID-19. Dan Larhammar, một nhà sinh học tế bào tại Đại học Uppsala, Thụy Điển, cho biết: “Trừ khi có bằng chứng chứng minh, việc tiếp thị các phương pháp y học cổ truyền điều trị COVID-19 với những tuyên bố tác dụng là phi đạo đức”.

Paul Offit, một nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhi Philadelphia ở Pennsylvania, cho biết niềm tin của mọi người vào các loại thuốc bổ sung là điều dễ hiểu vì chưa có loại thuốc nào có tác dụng chống lại COVID-19. Nhưng đề xuất mọi người thử các loại thuốc chưa được chứng minh kỹ lưỡng, có thể gây hại cho mọi người. Tâm lý số đông ở đây là thà làm điều gì đó sẽ tốt hơn là không làm gì cả. Nhưng lịch sử cho chúng ta biết điều đó không đúng.

Một số thuốc dạng "sắc" được quảng bá hướng dẫn điều trị COVID-19 chính thức của bộ y tế Trung Quốc bao gồm một loại thảo mộc có tên là ma hoàng, có chứa chất kích thích pseudoephedrine. Chiết xuất từ ​​loại thảo mộc có chứa chất này đã bị cấm ở Mỹ và một số nước châu Âu sau một loạt trường hợp tử vong trong những năm 1990 và 2000 ở những người sử dụng nó để ăn kiêng hoặc tăng cường năng lượng.

Các nhà khoa học nói rằng nếu không có bằng chứng rõ ràng rằng những phương pháp điều trị này hiệu quả và an toàn, Trung Quốc không nên đưa chúng sang các nước khác. Mặc dù thuốc y học cổ truyền là một mặt hàng xuất khẩu rất quan trọng đối với Trung Quốc, việc quảng bá nó trong thời kỳ đại dịch “có vẻ liều lĩnh và nguy hiểm”.

Trong khi đó tại Ấn Độ, Bộ Y tế Ấn Độ hồi tháng 10/2020 cũng đã bắt đầu khuyến nghị các phương pháp truyền thống để giải quyết đợt bùng phát COVID-19 của đất nước, khiến nhiều bác sĩ và nhà khoa học Ấn Độ lo ngại. Theo trang Sciencemag đưa tin ngày 6/10/2020, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan đã đưa ra các khuyến nghị về việc ngăn ngừa COVID-19 và điều trị các trường hợp nhẹ dựa trên Ayurveda, hệ thống thuốc thảo dược hàng thiên niên kỷ của Ấn Độ, gây ra sự chỉ trích gay gắt từ Hiệp hội Y khoa Ấn Độ (IMA), một nhóm gồm nhiều nhà y học hiện đại.

Trong một thông cáo báo chí, IMA yêu cầu Vardhan đưa ra bằng chứng về tính hiệu quả của các phương pháp điều trị; và nếu không thể, Vardhan đang “lừa dối cả đất nước và những bệnh nhân nhẹ dạ cả tin”.

Tại Ấn Độ, còn nhiều tư vấn về điều trị COVID-19 như các phương pháp bôi bơ làm sạch bên trong lỗ mũi; sử dụng tính nóng của tiêu, gừng, và các loại thảo mộc khác; hay sử dụng một hỗn hợp của bốn loại thảo mộc, được phát triển vào những năm 1980 để chữa bệnh sốt rét của Hội đồng Nghiên cứu Trung ương về Khoa học Ayurvedic (CCRAS).

Về phía Tổ chức Y tế thế giới, ban đầu WHO không khuyến khích việc sử dụng các biện pháp truyền thống để điều trị COVID-19. Trong những tháng đầu tiên khi bùng phát, những loại thuốc này đã được liệt kê trên trang web của WHO là "không hiệu quả với COVID-2019 và có thể gây hại".

Cho đến nay, hướng dẫn đã được cập nhật và cảnh báo đã bị xóa. Người phát ngôn của WHO, Tarik Jašarević, cho biết tuyên bố ban đầu “quá rộng và không tính đến thực tế là nhiều người chuyển sang dùng thuốc truyền thống để giảm bớt một số triệu chứng của COVID-19”.

Jašarević cho biết hướng dẫn mới nhấn mạnh rằng không có bằng chứng cho thấy bất kỳ loại thuốc hiện tại nào - cổ truyền hay loại thuốc khác - có thể ngăn ngừa hoặc chữa bệnh COVID-19 và WHO không khuyến nghị tự dùng thuốc với bất kỳ chất nào để phòng ngừa hoặc chữa bệnh COVID-19.

Nguồn doanhnghiepvn
ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN