Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái cho biết, hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) đối với kinh tế tập thể, HTX thúc đẩy sự phát triển thông qua việc triển khai xây dựng nhiều mô hình ứng dụng và chuyển giao KHCN ở các địa phương góp phần giải quyết các vấn đề: nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo và chất lượng gạo xuất khẩu; phát triển sản xuất các loại nông sản nhiệt đới có lợi thế so sánh cao; ứng dụng và phát triển các sản phẩm công nghệ sinh học; phát triển chăn nuôi an toàn; phát triển nuôi thủy sản kết hợp chế biến; cung cấp thông tin KHCN phục vụ phát triển nông thôn;...
Không chỉ vậy, hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, dịch chuyển từ mô hình sản xuất đơn lẻ sang sản xuất tập trung; từ sản xuất phát triển sản phẩm tự do sang sản xuất kinh doanh sản phẩm được bảo hộ quyền SHTT; được kiểm soát về nguồn gốc và chất lượng. Việc bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương và sản phẩm gắn với chương trình OCOP góp phần giữ gìn giá trị văn hóa dân tộc, tri thức truyền thống, phát huy và tôn vinh giá trị sản phẩm được sản xuất tại các địa phương.
Hoạt động kết nối cung cầu công nghệ cũng được các đơn vị của Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức trong các năm gần đây. Các hoạt động kết nối cung cầu công nghệ đã thực hiện việc chuyển giao hàng trăm công nghệ, trong đó trung bình có khoảng 50% thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh trình độ KHCN trong nông nghiệp của nước ta còn thấp và chậm phát triển, có khoảng cách khá xa so với thế giới và khu vực, hiện phần lớn chưa thể tiếp cận được nền nông nghiệp 4.0. Thành tựu mới chỉ đạt được đối với một số sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra, lúa, ngô, tiêu, cà phê, cao su và một số cây trồng khác.Năng lực nghiên cứu khoa học của các hợp tác xã còn hạn chế và chưa đồng đều giữa các vùng miền, đặc biệt công tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tại các tỉnh miền núi còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hiệu quả. Số lượng HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn thấp, hiện chỉ chiếm 9.37% tổng số HTX nông nghiệp. Cơ sở vật chất kỹ thuật ở nhiều HTX về nông nghiệp rất lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu, nhất là nghiên cứu về công nghệ sinh học, công nghệ cao trong nông nghiệp.
Về hoạt động đăng ký sở hữu công nghiệp, mặc dù số đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ cấp cho các tổ hợp tác, HTX có chiều hướng gia tăng nhưng số lượng chưa nhiều, tỷ lệ đơn và bằng của chủ đơn là các tổ hợp tác, HTX còn rất khiêm tốn trong tổng số đơn và bằng của người Việt Nam.