Việt Nam sẽ có Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân

Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân với lò phản ứng mới có công suất 10 MWt, được xây dựng để phát triển ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam,

Thông tin được TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo tại hội nghị Khoa học và công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 14 khai mạc sáng 9/12 tại Đà Lạt.

TS Thành cho biết, kể từ sau hội nghị lần thứ 13 tổ chức năm 2019, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã thực hiện các bước để triển khai Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân (Dự án trung tâm CNST) với thiết bị chính là lò phản ứng nghiên cứu mới công suất 10 MWt. Dự án được thực hiện trên cơ sở Hiệp định Liên Chính phủ giữa Việt Nam và Liên bang Nga về xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam, ký ngày 21/11/2011.

Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân được xây dựng để thay thế lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, thúc đẩy các ứng dụng hạt nhân, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội.

Báo cáo về dự án trung tâm, PGS.TS Nguyễn Nhị Điền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, cho biết để thực hiện nhóm nghiên cứu tiền khả thi: sàng lọc và đánh giá sơ bộ các địa điểm, đề xuất địa điểm phù hợp để thiết kế lò phản ứng nghiên cứu mới.

Ở giai đoạn nghiên cứu khả thi, nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát kỹ thuật và đánh giá địa điểm, thiết kế cơ sở và đánh giá các tác động môi trường, qua đó là bước đệm tiến tới thực hiện xây dựng dự án. Dự kiến các bước này thực hiện trong giai đoạn 2022-2024.

PGS. TS. Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đặt câu hỏi cho đại biểu tham luận tại Hội thảo sáng 9/12. Ảnh chụp màn hình

PGS. TS Nguyễn Nhị Điền tại Hội thảo sáng 9/12. Ảnh chụp màn hình

Theo PGS Điền, nghiên cứu lò phản ứng có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, từ vật lý lò phản ứng, nhiệt phản lực, an toàn bức xạ hạt nhân, hóa phóng xạ, hóa học về nước, hoặc phân tích cơ cấu vật liệu, đặc tính vật liệu, chụp ảnh neutron, ứng dụng dược chất phóng xạ sử dụng trong y học hạt nhân...

Cụ thể, nhóm nghiên cứu sử dụng lò phản ứng cấu hình lõi với 8 kênh chiếu xạ bên ngoài và một kênh chiếu xạ lớn 130mm ở phần trung tâm. Trong thiết kế máy RR sử dụng hai loại nhiên liệu của Nga, gồm IRT-4M (8 ống FA tiêu chuẩn và 6 ống cột kiểm soát) và VVR-KN (8 ống FA tiêu chuẩn và 5 ống cho cột kiểm soát).

"Các thiết kế hướng tới an toàn trong vận hành, sử dụng và có tính tiết kiệm cao, đồng thời có đủ khả năng để mở thêm cơ sở thí nghiệm trong thời gian dài trong vòng đời 60 năm của lò phản ứng", ông Điền nói.

Về lĩnh vực nghiên cứu vật lý lò phản ứng, TS Phạm Ngọc Sơn, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, cho biết nhiều ứng dụng chùm nơtron của lò phản ứng, trong đó có công nghệ sinh học, nghiên cứu vật liệu, thẩm định vật mẫu không phá hủy, tạo sản phẩm công nghệ mới. "Việc nghiên cứu ứng dụng chùm nơtron cũng nhằm giúp chuẩn bị kiến thức, tiếp cận công nghệ để xây dựng lò phản ứng mới của Việt Nam trong tương lai", TS Sơn nhấn mạnh.

Cấu hình lò phản ứng nghiên cứu mới công suất 10 MWt RR. Ảnh:

Cấu hình lò phản ứng nghiên cứu mới công suất 10 MWt RR. Ảnh: Vinatom

PGS. TS Lê Ngọc Hà, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết ứng dụng năng lượng nguyên tử được sử dụng trong lĩnh vực y tế, thể hiện ở các trung tâm cyclotron và PET/CT, SPECT/CT. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng việc sử dụng dược chất phóng xạ trong sử dụng trong y học hạt nhân tại Việt Nam. "Dược chất phóng xạ không chỉ hiệu quả trong chẩn đoán điều trị ung thư, còn giúp ứng dụng chẩn đoán điều trị tim mạch tâm thần kinh, bệnh Alzheimer", PGS Hà chia sẻ. Ông cũng dẫn nghiên cứu thị trường năm 2018 cho biết dự báo đến năm 2026, thị trường dược chất phóng xạ sẽ nhân lên gấp đôi, cho thấy nhu cầu cao trên thế giới cũng như trong nước.

Tại hội nghị, báo cáo của chuyên gia đến từ Mỹ, Nhật Bản cũng chia sẻ nhiều nghiên cứu, công nghệ mới triển vọng ứng dụng trong cuộc sống. GS Đinh Trúc Nam, Đại học Bang Bắc Carolina (NCSU), Mỹ giới thiệu ứng dụng của phương pháp định hướng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo AI, học máy trong kỹ thuật lò phản ứng hạt nhân.

GS Hiroyoshi Sakurai, Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu Hóa Lý - RIKEN, Nhật Bản chia sẻ nghiên cứu với chùm tia đồng vị phóng xạ, các kết quả nghiên cứu, tính toán tương quan nơtron cho lò phản ứng. Theo GS Sakurai các nghiên cứu được ứng dụng phục vụ trong vật lý và kỹ thuật hạt nhân, phát hiện vi khuẩn hữu ích trong lĩnh vực y tế, chế tạo bán dẫn, vệ tinh, vũ trụ...

Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, hội nghị được tổ chức tại thành phố Đà Lạt hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, hội nghị được tổ chức tại thành phố Đà Lạt hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Thảo luận về vấn đề liệu năng lượng hạt nhân có phải là sự lựa chọn tốt cho Việt Nam, chuyên gia GS. Masaki Saito, Nhật Bản cho rằng: "Lựa chọn điện hạt nhân là một trong lựa chọn đúng đắn nhằm phát triển bền vững trong tương lai của Việt Nam". Theo GS. Masaki Saito địa hình Việt Nam phù hợp với thủy điện và có nhiều ưu đãi tự nhiên. Hướng phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió cũng có nhiều tiềm năng, song chịu ảnh hưởng bởi thời tiết và khí hậu nên không ổn định.

Ông cho biết công nghệ điện hạt nhân có ưu điểm là nguồn cung cấp điện không carbon và cung cấp hydro. "Đây là nguồn tiềm năng thực hiện một xã hội bền vững ở Việt Nam", ông nói. Đồng thời chỉ ra ngoài các nhà máy điện hạt nhân lớn được cải tiến cao, còn có lò phản ứng modul nhỏ (SMR) và lò phản ứng vi mô giúp phát triển bền vững quy mô toàn cầu, ổn định và tin cậy.

Còn ông Anthony Wier (Mỹ) cho rằng sau thủy điện, năng lượng hạt nhân sẽ là nguồn năng lượng không phát thải. "Các lò phản ứng đem lại lợi ích đáng kể như chi phí vận hành thấp so với máy điện truyền thống, tính ứng dụng kết hợp năng lượng sạch, có thể kết nối điện quốc gia, ứng dụng nhiều khía cạnh như khử mặn cho nước, thay thế than, phát triển năng lượng thân thiện môi trường, tạo nguồn điện sạch...

TS Trần Chí Thành đánh giá, năng lượng nguyên tử có nhiều tiềm năng so với dạng năng lượng tái tạo, năng lượng gió khi có "độ phát thải bằng 0". "Trong vòng 10 năm tới sẽ có hơn 10 quốc gia tham gia vào sân chơi này", ông nói.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu khai mạc chương trình.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu khai mạc chương trình.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc khẳng định vai trò của năng lượng nguyên tử ứng dụng trong các lĩnh vực. Ông cho biết Việt Nam và thế giới đang đối diện với những thách thức lớn về vấn đề năng lượng, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. Về hướng đi tới, Thứ trưởng Tạc nhận định "ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình vẫn sẽ giúp Việt Nam phát triển kinh tế xã hội và khắc phục các thách thức hiện tại".

Như Quỳnh - vnexpress.net

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN