Tại buổi công bố trực tuyến báo cáo Điểm lại ấn phẩm tháng 8/2021 với tựa đề Việt Nam Số hóa – Con đường tới tương lai, do Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức chiều 24/8, ông Jacques Morisset - Chuyên gia Kinh tế trưởng, Chủ nhiệm Chương trình WB tại Việt Nam cho biết, có 2 lý do để WB chọn chuyên đề chuyển đổi số tại Việt Nam cho báo cáo lần này.
Thứ nhất, về lâu dài nền kinh tế cần được nâng cao hiệu suất bằng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ. Thứ hai, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy người dân, doanh nghiệp (DN) và chính quyền làm việc trực tuyến nhiều hơn, thực hiện các hoạt động không tiếp xúc nhiều hơn. Ngoài ra, Chính phủ đã xác định ưu tiên chuyển đổi số để Việt Nam trở thành công xưởng của thế giới về công nghệ số không chỉ của khu vực mà còn của thế giới.
Việt Nam đi sau nhiều quốc gia về kỹ năng số
Đánh giá về hiện trạng nền kinh tế số Việt Nam, WB đã sử khung đánh giá dựa trên 4 trụ cột: Kết nối, làm chủ, đổi mới sáng tạo và bảo vệ. WB đã so sánh Việt Nam với 12 quốc gia, chọn ra 2 nhóm quốc gia: Nhóm các quốc gia tương đương Việt Nam và nhóm các quốc gia phát triển hơn hay Việt Nam mong muốn hướng tới như Singapore, Hàn Quốc.
Ở trụ cột kết nối, ông Jacques Morisset cho biết, Việt Nam có thứ hạng tương đối tốt. Việt Nam được kết nối tốt vì hầu hết người dân được tiếp cận các công nghệ số và Internet. Tuy nhiên, chất lượng hạ tầng chưa bảo đảm về tốc độ.
Về trụ cột làm chủ, Việt Nam cần hai tài sản lớn: Kỹ năng số và khung pháp lý quy định hoạt động trong nền kinh tế số. Ở trụ cột này, WB đánh giá, Việt Nam chưa có thứ hạng tốt.
Với trụ cột đổi mới sáng tạo, theo WB Việt Nam đã có một số tiến bộ nhất định và hiện đang đứng giữa các quốc gia được so sánh.
Trong khi đó, ở trụ cột bảo vệ, ông Jacques Morisset cho rằng, "Việt Nam có kết quả chưa đồng đều khi ghi nhận thứ hạng tương đối tốt về an ninh nhưng về truy cập dữ liệu, tính liên thông của các đơn vị vận hành thì đáng tiếc Việt Nam có thứ hạng tương đối thấp so với các quốc gia khác".
"Chúng tôi tin rằng Việt Nam đã làm tốt và tiếp tục làm tốt trong thời gian tới vì các đơn vị của Chính phủ, và khu vực tư nhân đã làm rất tốt trong thời gian qua. Nhưng Việt Nam vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa. Theo đó, Việt Nam cần phải nâng cấp về kỹ năng cho mọi người. Vì Việt Nam đang đi sau nhiều quốc gia về khả năng số và kỹ năng số. Việt Nam phải mất khoảng 25 năm mới bằng như Thái Lan hiện nay về kỹ năng số. Đây là lý do khiến Việt Nam phải đi nhanh hơn", ông Jacques Morisset chia sẻ.
3 ưu tiên để có lợi thế trong thế giới số
Ông Jacques Morisset cho rằng, với kinh tế số, Chính phủ Việt Nam cần thực hiện 3 ưu tiên chính.
Theo phân tích của ông Jacques Morisset, khi triển khai nền tảng công cụ số sẽ mất đi việc làm, đa số việc làm mất đi nhiều hơn số mới được tạo ra, đồng thời có thể dẫn đến một số căng thẳng về kinh tế - xã hội. Tất nhiên thị trường sẽ tự điều chỉnh nhưng nếu chuyển đổi số, Việt Nam sẽ có nhu cầu nhiều hơn về kỹ năng số. Người lao động sẽ phải đầu tư vào kỹ năng số. DN sẽ phải đào tạo cho người lao động (NLĐ) thì mới cải thiện được thu nhập.
"Tuy nhiên, kinh nghiệm cũng cho thấy, thị trường nhiều khi điều chỉnh không nhanh như mong muốn để trở nên tối ưu. Rất có thể các DN không muốn bỏ tiền ra để chi trả cho các khóa học của NLĐ, vì lo ngại NLĐ sau khi được đào tạo có thể chuyển đi chỗ khác cạnh tranh hơn. Vì vậy, NLĐ có thể rơi vào tình trạng không ai đầu tư hoặc đầu tư không đầy đủ cho kỹ năng số. Chính phủ Việt Nam cần can thiệp nhiều hơn ở khía cạnh này. Trợ cấp cho đào tạo và cung cấp tài chính cho NLĐ và DN đào tạo là điều rất quan trọng. Đây chính là ưu tiên thứ nhất", ông Jacques Morisset khuyến nghị.
Ưu tiên thứ hai được ông Jacques Morisset đề xuất là Việt Nam cần khuyến khích DN tiếp thu công nghệ mới vì công nghệ số trong thế giới số thay đổi rất nhanh. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần khuyến khích các DN khởi nghiệp và nhân tài tham gia vào thị trường. Đây là lĩnh vực mà Chính phủ cần đầu tư nhiều hơn, cần trợ cấp và tạo động lực cho các ngân hàng và thị trường tài chính đầu tư cho khởi nghiệp và nhân tài công nghệ số.
Ưu tiên thứ 3 là đẩy mạnh khả năng truy cập và chất lượng thông tin.
"Điều quan trọng với Chính phủ và Việt Nam là đẩy mạnh khả năng truy cập và chất lượng thông tin. Chính phủ cần can thiệp nhiều hơn vào việc cho phép tiếp cận thông tin. Ngoài ra, cần phát triển khả năng tương tác liên thông giữa các cơ sở dữ liệu, đồng thời khuyến khích khu vực tư nhân thu thập và chia sẻ dữ liệu khi các nền tảng và công cụ số mới làm giảm độc quyền của Nhà nước", chuyên gia của WB đề xuất.
Ông Jacques Morisset nhìn nhận, điều quan trọng nhất với Việt Nam là phải có kỹ năng số, khả năng điều chỉnh theo thời gian và sử dụng công nghệ mới nhất, cần tiếp cận thông tin tốt. Nếu không có khả năng làm những điều này thì Việt Nam rất khó khai thác nhiều nhất tiến trình chuyển đổi số và có được lợi thế mà quốc gia kỳ vọng trong thập kỷ tới.