Về công tác chỉ đạo, điều hành và xây dựng thể chế
Tại Nghị quyết về phiên họp Chính phủ trực tuyến toàn quốc với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2021 (Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 12/8/2021), Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) xây dựng và triển khai các giải pháp công nghệ phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 như: Sổ sức khỏe điện từ, sổ tay điện tử hướng dẫn phòng, chống, điều trị COVID-19.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ TT&TT, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương và một số tỉnh, thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng chính phủ điện tử (CPĐT) theo Quyết định số 701/QĐ-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng để chỉ đạo thêm nội dung về chuyển đổi số, kinh tế số và đô thị thông minh.
Về việc xây dựng Nghị định về định danh và xác thực điện tử, Bộ TT&TT đã tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành, địa phương đối với dự thảo Nghị định và gửi Bộ Tư pháp thẩm định.
Về Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ Công an đã tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành, địa phương đối với dự thảo Nghị định. Ngày 13/8/2021, Bộ Công an đã có Công văn số 726/BCA-A05 đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ Nghị định.
Trong khi đó, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) được xây dựng, từng bước kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương. Đến tháng 12/2020, 22/22 bộ, cơ quan ngang bộ; 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh (LGSP) và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, đạt tỷ lệ 100%. Tổng số hệ thống đã kết nối với NDXP là 220 hệ thống thông tin của 90 cơ quan, đơn vị; trong đó có 85 LGSP của bộ, ngành, địa phương; 5 cơ sở dữ liệu và 9 hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương. Tính đến ngày 20/8/2021, tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP trong tháng 8/2021 là 8.110.019; tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP trong năm 2021 là 37.067.063. Hàng ngày có khoảng 150.000 giao dịch thực hiện thông qua NDXP;
Xây dựng các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng Chính phủ điện tử
CSDL quốc gia về dân cư: Bộ Công an đã phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Tư pháp kết nối thành công CSDL quốc gia về dân cư với hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp qua NDXP để thực hiện cấp và hủy số định danh cá nhân. Bộ Công an cũng phối hợp với Bộ TT&TT thử nghiệm thành công kết nối với 57 tỉnh/thành phố, thực hiện xác thực thông tin công dân theo yêu cầu của BHXH Việt Nam.
CSDL về Bảo hiểm: BHXH Việt Nam tiếp tục đồng bộ dữ liệu, bổ sung thông tin để làm giàu thêm CSDL chuyên ngành BHXH, sẵn sàng cung cấp dữ liệu cho CSDL quốc gia về Bảo hiểm; tiếp tục kết nối, chia sẻ dữ liệu với Bộ Y tế, Tổng cục Thuế, Cục Việc làm (LĐTB-XH), Bộ KH&ĐT, Bộ Tư pháp; kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDL quốc gia về Dân cư qua nền tảng NDXP để thực hiện xác thực đối với thông tin nhân khẩu thuộc CSDL hộ gia đình tham gia BHYT (đã rà soát đối chiếu 8,1 triệu thông tin cá nhân từ CSDL quốc gia về dân cư). Ngày 30/7/2021, BHXH Việt Nam có Công văn số 2286/BHXH-CNTT về việc chia sẻ dữ liệu trong CSDL quốc gia về Bảo hiểm phục vụ chống dịch.
CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc: Từ tháng 10/2020 đến nay, Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố với hơn 20.000 người dùng. Tính đến ngày 20/8/2021, Hệ thống đã có 19.660.819 dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có 6.055.289 trẻ em được cấp Số định danh cá nhân theo quy định; 3.879.843 dữ liệu đăng ký kết hôn; 2.688.269 dữ liệu đăng ký khai tử và 5.277.443 dữ liệu khác.
Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp
Với trục liên thông văn bản quốc gia: Số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trong tháng (từ ngày 19/7 đến 19/8/2021) là 486.881 văn bản. Số lượng văn bản điện tử gửi trong 8 tháng đầu năm 2021 là 2,5 triệu văn bản. Từ khi khai trương (12/3/2019) đến nay có tổng số hơn 6,3 triệu văn bản điện tử được gửi và nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên Trục liên thông văn bản quốc gia.
Trong tháng 8 năm 2021, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) đã phục vụ 2 phiên họp của Chính phủ và xử lý 17 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế hơn 6,1 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy). Từ khi thành lập đến nay, Hệ thống đã phục vụ 38 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và xử lý 797 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, thay thế việc phát hành hơn 300 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy, tích hợp hỗ trợ các Thành viên Chính phủ theo dõi các văn bản chỉ đạo, điều hành và tình hình thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương.
Trong 8 tháng đầu năm, Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia đã kết nối được với hệ thống báo cáo của Bộ Công Thương và 24 hệ thống báo cáo cấp tỉnh nâng tổng số kết nối lên 15/22 bộ, cơ quan và 61/63 tỉnh, thành phố từ lúc khai trương đến nay (còn 2 tỉnh chưa hoàn thành xây dựng Hệ thống báo cáo cấp tỉnh là Đồng Tháp, Tiền Giang).
Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kết nối tương tác trực tuyến với 25 điểm tại Trung tâm phục vụ Hành chính công, Trung tâm điều hành của các bộ, ngành, địa phương nâng tổng số điểm cầu kết nối lên 105 điểm kể từ lúc khai trương; kết nối 55 camera giám sát các hồ đập thủy điện, cửa khẩu biên giới; kết nối 07 thông tin, dữ liệu trực tuyến theo thời gian thực với các bộ, ngành nâng tổng số thông tin dữ liệu trực tuyến được kết nối là 31 hệ thống.
Phối hợp với các bộ, cơ quan cung cấp dữ liệu của 47 chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 293/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nâng tổng số chỉ tiêu được cung cấp dữ liệu lên 152/200 chỉ tiêu; Phối hợp với 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp dữ liệu 08 chỉ tiêu kinh tế - xã hội...
Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/07/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với Bộ LĐTB-XH triển khai chế độ báo cáo về tình hình thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên nền tảng Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Kho bạc Nhà nước. Đến nay đã cấp được 2.868 tài khoản trên Hệ thống cho các cơ quan đơn vị cập nhật báo cáo hàng ngày.
Cũng trong tháng 8 năm 2021, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4. Tính đến ngày 20/8/2021, tỷ lệ DVCTT mức độ 3, 4 cả nước đạt 65,11%; trong đó tỷ lệ DVCTT mức độ 3 là 27,71%, tỷ lệ DVCTT mức độ 4 là 43,40%;
Cổng Dịch vụ công quốc gia từ ngày 9/12/2019 đến ngày 23/8/2021 đã cung cấp 3.026 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; hơn 242 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ; hơn 937 nghìn tài khoản đăng ký; hơn 70 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 1,7 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 244 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến với tổng số tiền trên 232 tỉ đồng.
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/07/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/07/2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với Bộ LĐTB-XH, BHXH Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp 5 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, đến nay đã tiếp nhận được 6.637 hồ sơ nộp qua Cổng; tiếp nhận và chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý 308 phản ánh kiến nghị của người dân về hỗ trợ do đại dịch COVID-19.
Đặc biệt, việc xây dựng Chính phủ điện tử cũng được chú trọng gắn kết với việc đảm bảo an toàn thông tin, an ninh quốc gia và bảo vệ thông tin cá nhân. Trong tháng 8/2021, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Bộ TT&TT đã ghi nhận 1.148 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam; tăng 12,66% so với tháng 7/2021.
Để bảo đảm an toàn thông tin mạng, Bộ TT&TT tiếp tục tăng cường công tác giám sát, chủ động rà quét trên không gian mạng Việt Nam, đánh giá, thống kê và tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dùng biết và phòng tránh.
Những hạn chế và đề xuất nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai Chính phủ điện tử
Bên cạnh những kết quả đạt được, khi thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP (về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025), vẫn tồn tại bất cập như: Chưa ban hành một số nghị định quan trọng tạo hành lang pháp lý cho triển khai Chính phủ điện tử (Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; Nghị định về định danh, xác thực điện tử;…). Việc chia sẻ, mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước còn hạn chế; Tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng chưa cao.
Nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai Chính phủ điện tử, phát triển Chính phủ số theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo một số nội dung trọng tâm như sau: Xem xét kiện toàn và đổi tên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử.
Các bộ, ngành, địa phương cần triển khai ngay các nhiệm vụ được giao tại Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Hoàn thành xây dựng, triển khai ngay các chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số cho giai đoạn mới; thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Tiếp tục duy trì, phát triển hoạt động trực tuyến, ứng dụng công nghệ số trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp; Chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị chức năng xử lý kịp thời kiến nghị về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19…