Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KHCN đồng bộ, hiện đại

Quốc Khánh
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học công nghệ (KHCN) đồng bộ, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu về kết nối và chia sẻ dữ liệu, đặc biệt là kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là vấn đề hết sức quan trọng, cấp thiết hiện nay.

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KHCN đồng bộ, hiện đại- Ảnh 1.

TS. Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin KHCN quốc gia phát biểu tại hội thảo - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Ngày 22/11, Cục Thông tin KHCN quốc gia (Bộ KH&CN Việt Nam) phối hợp với Viện Thông tin KHCN Hàn Quốc (KISTI, trực thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ Thông tin và truyền thông Hàn Quốc) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế "Phát triển Cơ sở dữ liệu quốc gia về KHCN và Dịch vụ thông tin thông minh hỗ trợ đổi mới sáng tạo".

Hội thảo là sự tiếp nối thành công của khóa họp lần thứ 9 Ủy ban hỗn hợp hợp tác KHCN Việt Nam-Hàn Quốc (JCM9) vào tháng 10 vừa qua. Trong đó, hai bên thống nhất tiếp tục đẩy mạnh hợp tác về thông tin KHCN, chuyển giao các hệ thống phân tích thông tin tiên tiến của Hàn Quốc cho Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin KHCN quốc gia nhấn mạnh, cơ sở dữ liệu quốc gia về KHCN được xem là hạ tầng dữ liệu quan trọng trong lĩnh vực KHCN, là nền tảng để kết nối, tích hợp, chia sẻ các dữ liệu của ngành KHCN, hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, giúp cho các tổ chức, doanh nghiệp, người dân tiếp cận được thông tin, dữ liệu về KHCN, góp phần minh bạch hóa hoạt động KHCN.

Trong gần 10 năm qua, Cục Thông tin KHCN quốc gia đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KHCN. Năm 2014, Cục đã trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng, phát triển, duy trì cơ sở dữ liệu quốc gia về KHCN. Đến nay, việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về KHCN bước đầu có kết quả tích cực, đóng góp cho công tác quản lý và nghiên cứu khoa học trong nước.

"Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KHCN được thực hiện theo phương thức cũ, chủ yếu do Cục Thông tin KHCN tạo lập, mà chưa huy động sự đóng góp của đông đảo tổ chức KHCN, các nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan", ông Trần Đắc Hiến nêu thực trạng.

Bên cạnh đó, dữ liệu chưa đáp ứng được yêu cầu về kết nối, chia sẻ, lưu thông dữ liệu như quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước. Tính thông minh, linh hoạt và yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu chưa được thực hiện một cách bài bản.

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KHCN đồng bộ, hiện đại- Ảnh 2.

TS. Hyuck Jai Lee, Giám đốc Dự án V-COMPAS trao đổi về Hệ thống phân tích thông tin công nghệ V-COMPAS và các định hướng hợp tác trong tương lai - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Thay đổi cách tiếp cận, phương pháp xây dựng cơ sở dữ liệu

Theo ông Trần Đắc Hiến, việc xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia về KHCN đồng bộ, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu mới về kết nối và chia sẻ dữ liệu, đặc biệt là kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06 là vấn đề hết sức quan trọng, cấp thiết hiện nay.

Để xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về KHCN thống nhất, toàn diện và đầy đủ đòi hỏi phải có sự thay đổi về cách tiếp cận, phương pháp xây dựng cơ sở dữ liệu và sự phối hợp của các cơ quan quản lý, cơ quan thông tin và cán bộ nghiên cứu trên cả nước.

Bên cạnh cơ sở dữ liệu quốc gia về KHCN, thì việc phát triển và cung cấp các dịch vụ thông tin hỗ trợ đổi mới sáng tạo cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thông tin KHCN. Trong bối cảnh chuyển đổi số bùng nổ, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận ra giá trị to lớn của dữ liệu, hầu hết các tổ chức thường gặp khó khăn trong việc sử dụng dữ liệu do thiếu chuyên gia phân tích, cơ sở hạ tầng không đầy đủ hoặc không có các công cụ phân tích dữ liệu lớn phù hợp.

Thời gian qua, các chuyên gia của KISTI đã hỗ trợ Cục Thông tin KHCN quốc gia xây dựng Hệ thống phân tích thông tin công nghệ V-COMPAS, dựa trên kinh nghiệm của Hàn Quốc và ứng dụng những công nghệ mới nhất về AI, BigData, Trung tâm siêu máy tính.

Theo bà Kim Eun Sun, Giám đốc Phân tích Dữ liệu (KISTI), trước những thách thức đang thay đổi nhanh chóng với ngành KHCN toàn cầu, việc theo dõi các xu hướng KHCN cũng như xây dựng các chiến lược nghiên cứu và phát triển phù hợp là cực kỳ khó khăn nhưng hết sức cần thiết.

V-COMPAS có ý nghĩa rất đặc biệt không chỉ trong hợp tác giữa hai cơ quan mà còn cả 2 quốc gia. V-COMPAS đã được chứng minh có tính ưu việt mà bất cứ ai cũng có thể đăng nhập miễn phí và sử dụng thông tin. Kể từ khi được triển khai vào năm 2022, V-Compas được ứng dụng thành công trong hoạt động phân tích thông tin KHCN với số lượng người dùng đăng ký ngày càng tăng.

Bà Kim Eun Sun hy vọng, trong tương lai V-COMPA sẽ tiếp đóng góp, hỗ trợ tích cực cho quá trình hoạch định chiến lược và xây dựng chính sách phát triển KHCN phù hợp cho Việt Nam dựa trên hệ thống phân tích thông tin, dữ liệu lớn; qua đó thúc đẩy chính sách KHCN của Chính phủ Việt Nam và thực hiện chuyển đổi số bền vững.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã tập trung chia sẻ những kinh nghiệm của Hàn Quốc và Việt Nam trong việc phát triển dịch vụ tư vấn và phân tích thông tin nhằm hỗ trợ cho các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp đánh giá hiện trạng và xu hướng phát triển phát triển công nghệ trong các ngành, lĩnh vực, hỗ trợ hoạch định chính sách, định hướng nghiên cứu và quyết định đầu tư công nghệ...

Nêu những định hướng phát triển Cơ sở dữ liệu quốc gia về KHCN, ông Đào Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin KHCN quốc gia cho biết, hiện nay cơ sở dữ liệu về nhiệm vụ KHCN có trên 50.000 thông tin về các nhiệm vụ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh. Trong khi đó, cơ sở dữ liệu về tổ chức KHCN có thông tin của trên 2.700 tổ chức. Còn cơ sở dữ liệu về cán bộ nghiên cứu chưa được xây dựng.

Mục tiêu tới đây sẽ là tích hợp các cơ sở dữ liệu này với nhau thành một platform giúp trả lời câu hỏi: Ai? - Ở đâu? - Làm gì? - Kết quả đạt được; sử dụng làm dữ liệu gốc (Master data) kết nối với tất cả các hệ thống quản lý nhiệm vụ KHCN các cấp; đồng thời kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp định danh, xác thực cán bộ nghiên cứu.

Vì vậy, giải pháp đưa ra, đó là cần xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về KHCN kết nối liên thông và chia sẻ dữ liệu với các hệ thống quản lý nhiệm vụ KHCN của bộ, ngành, địa phương.

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN