Mỗi người dân đang “gánh” gần chục app chống dịch
Trong giai đoạn dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, quá nhiều ứng dụng để khai báo y tế, tiêm chủng hay phòng dịch, kêu gọi trợ giúp… được các đơn vị triển khai khiến người dân khó nhận diện và sử dụng.
Để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch cũng như truy vết, các bộ ngành đã phát triển hàng loạt ứng dụng, trang web như: Bluezone, VHD, NCOVI, Sổ sức khỏe điện tử; tokhaiyte.vn; suckhoe.dancuquocgia.gov.vn...
Bluezone ra mắt vào tháng 4/2020, là ứng dụng cảnh báo nếu tiếp xúc gần người nhiễm COVID-19, hiện có lượt tải lớn nhất trong các ứng dụng, với trên 40 triệu lượt.
Ra mắt tháng 3/2020, NCOVI (tờ khai y tế dành cho công dân Việt Nam) là ứng dụng chính thức và duy nhất của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 giúp cơ quan quản lý phát hiện kịp thời các trường hợp nguy cơ nhiễm bệnh, quản lý việc di chuyển, có thông tin toàn cảnh về dịch bệnh để đưa ra quyết định.
Vietnam Health Declaration (VHD) là ứng dụng khai báo y tế dành cho người nhập cảnh vào Việt Nam. Hệ thống này có trên app và trên website (tokhaiyte.vn), gồm cả khai báo y tế nhập cảnh và khai báo y tế nội địa, khai báo toàn dân, bản đồ khuyến cáo, khai báo cách ly.
Cả 3 phần mềm Bluezone, NCOVI, VHD đều do Bộ TT&TT và Bộ Y tế phối hợp triển khai, ngoài tính năng chính có thể được sử dụng để quét mã QR Code ghi nhận khi ra vào các địa điểm công cộng.
Cùng với đó, Bộ TT&TT đã triển khai 6 nền tảng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 gồm: Nền tảng khai báo y tế và quản lý vào ra các địa điểm cộng cộng bằng QR Code; Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19; Nền tảng quản lý lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm; Nền tảng hỗ trợ truy vết; Nền tảng giám sát cách ly; Nền tảng phân tích số liệu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo.
Mới đây nhất, ngày 8/9, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) đã xây dựng ứng dụng khai báo y tế điện tử VNEID giúp công dân rút ngắn thời gian khai báo y tế trong quá trình tham gia giao thông.
Trong số các ứng dụng nói trên, có 3 nền tảng công nghệ phòng chống dịch COVID-19 bắt buộc dùng chung trên toàn quốc là: Nền tảng khai báo y tế và quản lý ra vào địa điểm công cộng bằng mã QR Code; Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm và Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19.
Bên cạnh các ứng dụng đang được triển khai sử dụng trên phạm vi toàn quốc, nhiều địa phương còn có các hệ thống, ứng dụng riêng. Ví dụ như Đà Nẵng, Quảng Nam có hệ thống khai báo y tế, kiểm soát ra/vào qua website tích hợp trên Cổng thông tin chính quyền; Vĩnh Phúc, Hải Dương dùng ứng dụng Zalo để trả mã QR cho người dân sau khi khai báo y tế.
Một số doanh nghiệp, bệnh viện lại yêu cầu người dân phải khai báo trên hệ thống tờ khai riêng. Phiếu khai báo ngoài thông tin cá nhân, mục đích đến bệnh viện, cũng có thông tin liên quan đến yếu tố dịch tễ.
Chưa kể tới một loạt app hỗ trợ người dân trong công tác phòng chống dịch như An Sinh, Giúp Tôi, Zalo Connect, Bản đồ COVID…
Hệ quả là nhiều người dân tỏ ra lúng túng khi phải sử dụng rất nhiều ứng dụng và nền tảng như vậy. Chẳng hạn, riêng việc khai báo y tế có nơi yêu cầu dùng ứng dụng VHD và cập nhật thông tin tại Sổ sức khoẻ điện tử. Nhưng nơi khác lại bắt khai báo qua Bluezone, khi tải ứng dụng về và khai báo thì toàn bộ lịch sử khai báo y tế trước đó trên ứng dụng VHD không được cập nhật vào Bluezone. Điều này khiến người dân băn khoăn không biết đâu là ứng dụng chính thống, họ phải tải về điện thoại rất nhiều loại app để đáp ứng đòi hỏi yêu cầu của các cơ quan quản lý khác nhau. Tại một số điểm chưa có check QR Code, người dân vẫn phải thực hiện khai báo y tế thủ công bằng giấy.
Ngoài ra, còn tình trạng khá phổ biến là một số người đã tiêm chủng và qua xét nghiệm COVID-19, tuy nhiên trên các ứng dụng mà họ đã khai báo (Bluezone, Sổ sức khỏe điện tử...) vẫn hiển thị là chưa tiêm, chưa có lịch sử xét nghiệm...
Có nên làm một “siêu app” chống dịch?
Một câu hỏi đặt ra là: Tại sao không gộp tất cả vào làm một để giúp người dân tiện theo dõi và khai báo tình hình sức khỏe, hạn chế đăng ký nhiều tài khoản, tiết kiệm tài nguyên trên điện thoại cũng như dễ sử dụng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mỗi ứng dụng giúp giải quyết một bài toán khác nhau, gộp tất cả vào một “super app” sẽ mâu thuẫn về nguyên tắc thiết kế. Ví dụ, người nước ngoài nhập cảnh và người Việt Nam sẽ có nhu cầu khai báo dữ liệu khác nhau, ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần phải đảm bảo quyền riêng tư của người dùng. Việc tích hợp ở đây nên là dữ liệu chứ không phải ứng dụng, người dùng vẫn cần cài 2-3 ứng dụng để phục vụ các nhu cầu.
Đại diện Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho rằng, người dân chỉ cần cài một ứng dụng bất kỳ trong số những ứng dụng được khuyến nghị và chúng sẽ sinh ra một mã QR, mã này có thể liên thông với các ứng dụng còn lại về dữ liệu.
Theo Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT, nhằm đối phó khẩn trương với dịch bệnh, đơn vị này là đầu mối tập hợp nguồn lực của doanh nghiệp công nghệ thông tin. Ban đầu, mỗi đơn vị đảm nhận phát triển các ứng dụng khác nhau cho mỗi một nhiệm vụ đặc thù nên sau một thời gian sẽ sinh ra nhiều app.
Các chuyên gia nhận định khả năng gộp những ứng dụng phòng chống dịch thành một “siêu app” là khó khả thi vì mỗi ứng dụng có chức năng khác nhau, phạm vi sử dụng với những đối tượng khác nhau, đồng bộ công nghệ lõi cũng rất khó khăn. Vì thế, lời giải cho bài toán này là liên thông dữ liệu.
Thực tế, việc liên thông dữ liệu giữa các ứng dụng bắt đầu được triển khai từ cuối tháng 5/2021, hiện vẫn trong quá trình phát triển để phục vụ các phát sinh trong công tác phòng chống dịch tại Việt Nam. Nhờ sự liên thông người dùng chỉ cần một mã QR. Mã này sẽ liên thông với toàn bộ dữ liệu của các ứng dụng phòng chống dịch, từ check-in, khai báo y tế, xét nghiệm, tiêm chủng và tiến tới là công tác khám chữa bệnh.
Nhưng thời điểm hoàn tất sự liên thông này đang bỏ ngỏ và người dân vẫn loay hoay với đống ứng dụng chật kín màn hình điện thoại…
Yêu cầu chỉ có duy nhất một ứng dụng phòng chống dịch
Chiều 10/9, tại cuộc làm việc với lãnh đạo các Bộ: Công an, TT&TT, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải và một số doanh nghiệp về ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu, thời gian tới chỉ có một ứng dụng công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch, đảm bảo thuận tiện cho người dân sử dụng, đáp ứng yêu cầu thông tin và dữ liệu.
Phó Thủ tướng giao Bộ TT&TT làm đầu mối, chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ quan liên quan khẩn trương phát triển ứng dụng mới; đồng thời hướng dẫn chi tiết, triển khai đồng bộ. Thông tin người dân đã khai báo trên các ứng dụng trước đây được tự động cập nhật, chuyển sang ứng dụng mới, không phải khai báo lại từ đầu.
Bộ TT&TT nhận nhiệm vụ tích hợp tất cả dữ liệu được hình thành từ các ứng dụng, công cụ có sẵn trước đây thành cơ sở dữ liệu thống nhất, tiếp tục được cập nhật thường xuyên khi người dân dùng ứng dụng mới. Các thông tin về sức khỏe đi lại, tiếp xúc... của người dân được quản lý tập trung, thống nhất và chỉ phục vụ cho mục đích phòng chống dịch; đảm bảo an toàn thông tin, không sử dụng vào bất kỳ mục đích khác.
Bộ Công an phát huy thế mạnh của cơ quan quản lý dữ liệu của người dân, tham mưu cho chính quyền các cấp tổ chức triển khai và giám sát việc thực hiện ứng dụng mới trong phòng chống dịch.
Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo việc cập nhật hồ sơ sức khỏe của người dân, kết quả xét nghiệm và tiêm vaccine, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19…; tích hợp các dữ liệu trên về Bộ TT&TT để phục vụ cho việc triển khai ứng dụng mới.