Ông đánh giá thế nào về hoạt động của ngành Công Thương trong công tác bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại các tỉnh phía Nam thời gian qua, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh?
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc cung ứng hàng hóa cho người dân gặp một số khó khăn do vướng mắc trong khâu lưu thông phân phối hàng hóa, theo đó đã xảy ra hiện tượng thiếu hàng cục bộ tại một số điểm bán hàng, tại một vài địa phương nhất là tại 19 tỉnh thành phía Nam. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương, chúng ta đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho lưu thông vận chuyển hàng hóa, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Cụ thể, ngành Công Thương đã phối hợp cùng doanh nghiệp phân phối của đơn vị có liên quan, nhà sản xuất đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho bà con.
Đáng chú ý, hàng loạt mô hình tổ chức các hệ thống phân phối theo hình thức "dã chiến" được Sở Công Thương, các doanh nghiệp, hiệp hội khẩn trương triển khai như: Điểm bán hàng/xe bán hàng lưu động, “mang chợ ra phố”, bán hàng online, bán theo combo, đi chợ hộ…
Theo tôi đây là một nỗ lực rất lớn rất đối với đội ngũ cán bộ công chức viên chức của ngành Công Thương.
Tuy nhiên, cũng có thời điểm chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, các chợ "tự sản tự tiêu", chợ truyền thống ngừng hoạt động... Mặc dù có sự nỗ lực của ngành Công Thương, nhưng các sản phẩm hàng hoá thiết yếu đến tận tay người dùng vẫn còn một số khó khăn. Nhiều bà con phản ánh phải đến 2- 3 ngày hàng hóa không đến nơi. Tôi nghĩ, đây là nguyên nhân khách quan, nhưng về tổng thể, phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa tại các địa phương của Bộ Công Thương luôn sẵn sàng kịp thời khi cần thiết.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) trao đổi với phóng viên Báo Công Thương
Đặc biệt, có một điểm đang ghi nhận của Bộ Công Thương, khi 19 tỉnh thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, ngay lúc đó Bộ Công Thương đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, trong đó có đề cập tới nội dung khuyến khích đặt hàng thiết yếu trên các trang thương mại điện tử uy tín. Đồng thời đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phối hợp với các Sở ngành địa phương như Sở Giao thông Vận tải, Sở Y tế… xây dựng phương án cụ thể duy trì hệ thống giao nhận thương mại điện tử ở các tỉnh, thành phố.
Tôi đánh giá cao việc thực hiện triển khai thương mại điện tử trong mùa dịch, khuyến khích đặt hàng thiết yếu trên các trang thương mại điện tử. Đây là bước đi kịp thời của Bộ Công Thương hỗ trợ bà con trong mùa dịch và cần tiếp tục triển khai tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Ngoài ra, Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” do Bộ Công Thương triển khai đã hỗ trợ việc tiêu thụ hàng nông sản, nhất là các địa phương bị tồn đọng nông sản trong mùa dịch. Thực tế, chuyện giải cứu nông sản trên sàn thương mại điện tử không mới, nhưng là giải pháp tiêu thụ hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh là điều hết sức ý nghĩa.
Thưa ông, sau khi các tỉnh thành công bố nới lỏng giãn cách, nhiều doanh nghiệp quay lại sản xuất sau những tháng bị đình trệ bởi dịch Covid-19. Ông nhìn nhận như thế nào về vai trò của ngành Công Thương khi đưa ra các quyết định và giải pháp kịp thời để giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh?
Thời gian qua, do tác động bởi Covid-19, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang vô cùng khốn đốn, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ nghiêm trọng. Vấn đề lớn hiện nay đó là doanh nghiệp đang thiếu hụt nặng nề về lao động, điều này sẽ là thách thức không hề nhỏ đối với doanh nghiệp quay trở lại hoạt động phục hồi sản xuất. Tôi đã chứng kiến, nhiều tỉnh phía Nam bùng phát làn sóng công nhân từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương hồi hương rất lớn. Ngay như Đồng Tháp, Đồng Nai… đã đón hàng nghìn lao động lao động trở về và hoàn cảnh của họ đều hết sức khó khăn, không thể bám trụ tại thành phố để tiếp tục làm việc.
Do đó, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các hoạt động kinh tế mở cửa, cần phải có các giải pháp, tạo điều kiện để cho lao động trở lại nhà máy, khu công nghiệp và như vậy các doanh nghiệp mới sớm phục hồi, chuỗi cung ứng cũng tránh sự đứt gãy. Hiện, nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng công nhân nhưng tâm lý của công nhân còn nhiều e ngại đối với dịch bệnh. Đây cũng chính là một trong những trở ngại rất lớn đối với các nhà máy, khu công nghiệp, doanh nghiệp phía Nam hiện nay.
Vai trò của Bộ Công Thương trong việc gỡ khó cho các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp là hết sức quan trọng, nhằm thúc đẩy và duy trì đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt gãy |
Trước thực trạng trên, ngay khi trở về trạng thái bình thường mới, Bộ Công Thương đã kịp thời chỉ đạo kịp thời Sở Công Thương các địa phương đề nghị các doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất trở lại xây dựng phương án trong tình hình mới, gửi các cấp, ngành, địa phương và triển khai ngay việc mở cửa khi bảo đảm các điều kiện theo quy định.
Cụ thể như Sở Công Thương tỉnh Bình Dương đã có văn bản hướng dẫn chấp thuận về việc trao quyền chủ động cho doanh nghiệp tái hoạt động, cơ quan quản lý nhà nước sẽ hậu kiểm nhằm đẩy nhanh hoạt động tái sản xuất. Hiện tại, tỉnh Bình Dương đã cho phép các doanh nghiệp tự xét nghiệm và tự cấp giấy xác nhận để người lao động đi lại.
Theo tôi, vai trò của Bộ Công Thương trong việc gỡ khó cho các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp là hết sức quan trọng, nhằm thúc đẩy và duy trì đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt gãy. Đồng thời có thể thấy, sự chủ động của Bộ Công Thương khi đưa ra các quyết định và giải pháp kịp thời giúp doanh nghiệp ổn định, duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh
Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước, còn trực tiếp sản xuất là doanh nghiệp, tôi cũng có ý kiến Bộ Công Thương cần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất; đồng thời tham gia tích cực kiến nghị với Chính phủ, ngành thuế, ngân hàng trước các đề xuất khó khăn, vướng mắc từ phía doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương nên kiến nghị chính quyền, địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân được tiêm vắc xin đầy đủ để trở lại hoạt động tại các nhà máy, khu công nghiệp, doanh nghiệp. Bởi muốn đảm bảo chuỗi cung ứng không đứt gãy thì điều tiên quyết là phải có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho lao động, công nhân trở lại làm việc tại các khu công nghiệp, thành phố lớn để khôi phục năng lực sản xuất.
Liên quan đến công tác quản lý thị trường, sau 3 năm chuyển đổi mô hình hoạt động theo ngành dọc, theo ông đã có chuyển biến gì, nhất là công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại?
Tôi nhận thấy, sau 3 năm chuyển đổi mô hình sang ngành dọc, lực lượng Quản lý thị trường đã có sự chuyển mình tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý. Đánh giá một cách khách quan, ngành quản lý thị trường đã có sự đột phá, đáng ghi nhận. Đồng thời, từng bước đáp ứng được niềm tin và kỳ vọng của của người dân và Chính phủ đối với lực lượng quản lý thị trường.
Về mô hình hoạt động, theo tôi, ngành quản lý thị trường đã đạt thành tựu cao trong mô hình quản lý từ Trung ương đến cấp cở sở. Thực tế, dù còn nhiều khó khăn, có những phát sinh, tiêu cực, con sâu làm rầu nồi canh làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của ngành, song phải nhận thấy rằng công tác quản lý của quản lý thị trường vẫn đạt được những kết quả khả quan. Đặc biệt, chúng tôi đánh giá cao sự phối hợp liên ngành của quản lý thị trường, công an, quân đội trong kiểm soát buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng nhất là tại các khu vực biên giới.
Đơn cử như Đồng Tháp địa phương của tôi, trước đây thực trạng buôn lậu thuốc lá qua biên giới từ Campuchia về đất liền nội địa rất tinh vi, táo tợn. Tuy nhiên, thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã tổ chức các cuộc đấu tranh chống buôn lậu có trọng tâm trọng điểm trên địa bàn Đồng Tháp, giúp giảm phần nào thực trạng buôn lậu. Điều này minh chứng cho tính hiệu quả của công tác quản lý thị trường tại địa phương thực hiện rất tốt từ khâu quản lý, kiểm soát chặt chẽ lưu thông hàng hóa qua biên giới cũng như hàng hóa sản xuất trong nước.
Nguồn:Báo Công Thương