Thông tin trên được các nhà khoa học châu Âu công bố ngày 9/2, đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực biến phản ứng tổng hợp hạt nhân trở thành một nguồn năng lượng sạch, an toàn và thiết thực.
Theo Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Vương quốc Anh Ian Chapman, đây là một sự kiện mang tính bước ngoặt giúp các nhà nghiên cứu tiến gần hơn đến việc chinh phục một trong những thách thức lớn nhất của giới khoa học.
“Chúng tôi đang thu thập kiến thức và phát triển công nghệ mới cần thiết để tạo ra một nguồn năng lượng phụ tải bền vững, carbon thấp để giúp bảo vệ hành tinh cho các thế hệ tương lai. Thế giới của chúng ta cần năng lượng nhiệt hạch”, ông Chapman nhấn mạnh.
Phản ứng tổng hợp hạt nhân xuất phát từ sự hợp nhất của 2 nguyên tử ở nhiệt độ rất cao, trong quá trình hợp nhất phóng thích ra năng lượng khổng lồ.
Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà khoa học đã nỗ lực nghiên cứu nhằm phát triển năng lượng nhiệt hạch thành một nguồn năng lượng khả thi. Không giống như việc đốt nhiên liệu hóa thạch hoặc quá trình phân hạch của các nhà máy điện hạt nhân hiện có, phản ứng nhiệt hạch mang lại triển vọng về nguồn năng lượng dồi dào mà không gây ô nhiễm và không thải ra chất thải phóng xạ hay khí nhà kính.
Trong thí nghiệm tại một cơ sở ở Culham, gần Oxford, các phản ứng nhiệt hạch của dự án chung châu Âu JET đã đạt được mức năng lượng 59 megajoules (tương đương hơn 11 megawatt điện) duy trì trong khoảng thời gian 5 giây. Kỷ lục trước đó là 22 megajoules (tương đương 4,4 megawatt điện) duy trì trong 5 giây.
Ông Tony Donne, giám đốc chương trình của EUROfusion - nhóm triển khai nghiên cứu, cho biết kết quả này cho thấy các nhà khoa học đang đi đúng hướng.
“Nếu chúng ta có thể duy trì phản ứng tổng hợp hạt nhân trong 5 giây, thì chúng ta cũng có thể làm điều đó trong 5 phút và 5 giờ khi chúng ta mở rộng quy mô hoạt động trong các cỗ máy tương lai”, ông Donne nói.
VĂN TOẢN (Theo Reuters)