Chỉ 2% người lao động mất việc tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ

Quản trị Web
Số lao động mất việc do ảnh hưởng bởi COVID-19 tiếp cận được các gói hỗ trợ của Nhà nước là rất nhỏ chỉ đạt 2%. Có đến 39,6% người lao động bị mất việc bởi dịch bệnh vẫn chưa tiếp cận được bất cứ một nguồn hỗ trợ nào từ bên ngoài.

Có tới 50% người lao động đã bị mất việc từ 1-3 tháng do COVID-19

Theo số liệu điều tra lao động - việc làm quý II/2021 của Tổng cục Thống kê, có tới 57,4% lao động có việc làm phi chính thức (20,9 triệu người). Những diễn biến khó lường của đại dịch đã làm mất cơ hội có việc làm của 1,8 triệu lao động và đẩy 1,4 triệu lao động khác rơi vào trạng thái dễ bị tổn thương do không có việc làm chính thức. Đặc biệt, khoảng 25-30% lao động ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương và khoảng 50% lao động ở Đồng Tháp, Bến Tre… là lao động phi chính thức.

Mới đây, Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) phối hợp với Báo điện tử VnExpress cũng đã tiến hành khảo sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Trong đó có mục khảo sát riêng các vấn đề liên quan đến người lao động bị mất việc làm được khảo sát từ ngày 1-8/8/2021 trên phạm vi toàn quốc.

Trong tổng số 42.754 người lao động bị mất việc tham gia khảo sát thì có đến 50% người lao động đã bị mất việc từ 1-3 tháng. Số người mất việc dưới 1 tháng là 19%, số người mất việc trên 6 tháng là 15%.

mat-viec-1-1631065499.jpg
Biểu đồ thời gian mất việc của người lao động tham gia khảo sát.

Khi được hỏi về nguồn tiền tiết kiệm, tích lũy của nhóm đối tượng này, trong tổng số 42.754 câu trả lời, gần 50% số lượng người lao động đã mất việc có nguồn tiền tích lũy chỉ đủ để đảm bảo cho cuộc sống dưới 1 tháng, hơn 37% người lao động đã mất việc chỉ đủ đảm bảo cho cuộc sống dưới 3 tháng, 8,6% người lao động đã mất việc đủ đảm bảo cho cuộc sống dưới 6 tháng và chỉ 4,4% số lượng người lao động đã mất việc có nguồn tiền tích lũy đủ đảm bảo cho cuộc sống trên 6 tháng.

mat-viec-tich-luy-tien-2-1631065499.jpg
Số tháng mà nguồn tiền tích lũy của nhóm người lao động đã mất việc có thể đảm bảo cuộc sống (%).

Từ đó có thể thấy, nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 còn kéo dài, các tỉnh vẫn phải thực hiện giãn cách xã hội như hiện nay thì cuộc sống của những người lao động hiện đang bị mất việc làm sẽ vô cùng khó khăn. Với hoàn cảnh hiện tại, thứ duy nhất mà đối tượng này có thể dựa vào đó là các nguồn hỗ trợ từ bên ngoài cả về tài chính lẫn lương thực thực phẩm.

Mới có 2% lao động mất việc nhận được hỗ trợ từ Chính phủ

Liên quan đến vấn đề nhận hỗ trợ từ các nguồn lực xã hội khác nhau thời gian qua, trong tổng số 42.754 câu trả lời, thì có đến 45% người mất việc phải dựa vào sự trợ giúp tài chính của người thân và gia đình. Tỷ lệ người mất việc nhận được sự trợ giúp từ làng xóm hoặc tổ chức từ thiện là 12%. Tỷ lệ số lao động mất việc nhận được sự trợ giúp tài chính của công ty đạt tỷ lệ thấp chỉ hơn 5%.

892mat-viec-3-ho-tro-1631065499.jpg
Tỷ lệ nguồn hỗ trợ mà người lao động mất việc nhận được.

Bên cạnh đó, số lao động mất việc do ảnh hưởng bởi COVID-19 tiếp cận được các gói hỗ trợ của Nhà nước là nhỏ nhất chỉ đạt 2%. Còn lại 3,5% là tính gộp cả những người nhận được bảo hiểm thất nghiệp khi mất việc. Và có đến 39.6% người lao động bị mất việc lựa chọn câu trả lời trong mục “Khác” chủ yếu tập trung vào câu “Không nhận được sự trợ giúp”.

Liên quan đến cơ hội tìm kiếm việc làm trong thời gian tới, trong tổng số 42.754 câu trả lời khảo sát, có đến 48,2% số người trả lời là không thể kiếm được việc để đảm bảo cuộc sống trong thời gian tới. Còn khoảng 25% số người mất việc cho biết sẽ tìm kiếm cơ hội làm việc ở công ty khác trong thời gian tới.

mat-viec-4-tim-viec-lam-1631065499.jpg
Khả năng tìm kiếm việc làm trong thời gian tới của lao động đã mất việc.

Ngoài ra một cách thức để người lao động thử sức tìm kiếm, tạo việc làm cho mình sau khi mất việc là thực hiện các hoạt động kinh doanh online như bán hàng online, với gần 21% số người mất việc muốn thử sức trong nền tảng online. Khoảng 10% số lao động mất việc sẽ thực hiện việc tham gia vào “chạy xe công nghệ” để đảm bảo cuộc sống. Chỉ có 0,6% số lao động mất việc trả lời chờ đợi công ty cũ mở cửa trở lại để quay trở lại làm việc.

Từ những kết quả trên có thể thấy, tình hình về việc làm của người lao động cũng như những vấn đề về an sinh xã hội dành cho đối tượng này hiện đang rất cấp bách. Hơn lúc nào hết, đây là đối tượng đang gặp khó khăn và cần được sự quan tâm nhiều hơn nữa của chính quyền các cấp. Với tỷ lệ người lao động nhận được sự hỗ trợ từ các gói hỗ trợ nhà nước chỉ đạt 2% và có đến 39,6% hiện vẫn chưa nhận được hỗ trợ như báo cáo thì đây quả là con số đáng báo động.

Trước những vấn đề về an sinh xã hội cho người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, theo PGS.TS Giang Thanh Long - Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, ở thời điểm hiện tại, trong khi nhiều tỉnh đã giãn cách xã hội thời gian quá lâu, thì cần phải đẩy nhanh việc xác định đối tượng và hỗ trợ cho nhóm đối tượng là người lao động bị mất việc, lao động tự do nhanh chóng và kịp thời nhất.

Song song với đó, chính quyền địa phương cũng cần hết sức chủ động, sâu sát tìm kiếm các đối tượng đang gặp khó khăn trên địa bàn, khu phố để cập nhật danh sách và hỗ trợ. "Việc xác định đối tượng ở thời điểm này không còn quan trọng nữa, quan trọng nhất là hỗ trợ kịp thời. Ai ở đâu không cần biết cứ khó khăn là sẽ nhận được hỗ trợ trước đã", ông Long nhấn mạnh.

Nguồn doanhnghiepvn
ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN