Nghị quyết 100/NQ-CP ngày 6/9/2021 được Chính phủ đưa ra trên cơ sở xem xét đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và kết quả biểu quyết của các thành viên Chính phủ.
Cùng với việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ trong quá trình xây dựng Nghị định, bảo đảm theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản pháp luật có liên quan, trình Chính phủ trong quý IV năm 2021.
Fintech là việc áp dụng các công nghệ đổi mới, sáng tạo và hiện đại vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng như dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, cho vay ngang hàng, quản lý tài sản... nhằm mang tới cho khách hàng các dịch vụ tài chính minh bạch, hiệu quả và thuận tiện với chi phí thấp hơn so với các dịch vụ tài chính truyền thống.
Theo Ngân hàng Nhà nước, sự xuất hiện và phát triển với tốc độ nhanh chóng của Fintech đã khiến cơ quan quản lý của các quốc gia đối mặt với nhiều thách thức trong công tác giám sát do những vấn nạn rửa tiền, tài trợ khủng bố, rủi ro liên quan tới an ninh, an toàn, bảo mật thông tin, sử dụng trái phép thông tin cá nhân... Do đó, nhiệm vụ đặt ra với các cơ quan chức năng là đảm bảo đồng thời mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, trong khi vẫn phải duy trì sự ổn định, an toàn của thị trường tài chính và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Thực tế tại Việt Nam cho thấy, công nghệ phát triển từng ngày từng giờ đã làm xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới, chưa có quy định pháp lý để điều chỉnh (ví dụ mô hình P2P lending, chuyển tiền xuyên biên giới, quản lý tài chính cá nhân, chia sẻ dữ liệu người dùng…). Tất cả doanh nghiệp kinh doanh những lĩnh vực này đều hoạt động cầm chừng, khoảng trống pháp lý cũng gây ra nhiều hệ lụy cho thị trường, cho người dùng và cả doanh nghiệp. Trong khi đó, việc ban hành các văn bản pháp lý được đánh giá là quá chậm trễ.
Những ví dụ từ Uber, Grab trong thị trường vận tải là bài học kinh nghiệm cho ngành ngân hàng trong việc ứng phó với sự đổi thay nhanh chóng của công nghệ. Nếu không có hành lang pháp lý kịp thời, chúng ta sẽ gặp lúng túng khi các công ty Fintech mở rộng phạm vi hoạt động.
Xuất phát từ thực tiễn phát triển của Hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam và thông lệ quản lý lĩnh vực Fintech trên thế giới, trước mắt việc thiết lập cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam thông qua ban hành Nghị định là hết sức cấp bách và cần thiết, đặc biệt trước chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển “Chính phủ và nền kinh tế số” trong kỷ nguyên mới của cuộc CMCN lần thứ 4.
Từ tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt triển khai thí điểm tiền di động (Mobile Money), tức dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ. Thời gian thí điểm trong 2 năm, tính từ 9/3. Hiện có 3 doanh nghiệp đang hoàn thiện hồ sơ để chuẩn bị triển khai là Viettel, VNPT và MobiFone.
Ngoài việc thiết lập hành lang pháp lý cho Fintech, Mobile Money, Ngân hàng Nhà nước cũng tập trung hoàn thiện Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt theo ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và dự thảo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025.
Trong Chiến lược phát triển CNTT ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt hồi cuối năm 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định mục tiêu cụ thể của toàn ngành ngân hàng là thực hiện thành công kế hoạch chuyển đối số ngành dựa trên khuôn khổ pháp lý từng bước hoàn chỉnh và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cách mạng công nghiệp 4.0. Đảm bảo an ninh, bảo mật và hoạt động liên tục của các hệ thống thông tin quan trọng trong quản trị, điều hành và cung cấp dịch vụ ngân hàng.
Trên thế giới, trong các lựa chọn chính sách đối với quản lý Fintech, cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát với Fintech (sandbox) đang là lựa chọn ưu tiên của nhiều quốc gia. Hiện nay cơ chế sandbox đã được hơn 60 nước áp dụng. Anh là quốc gia đầu tiên xây dựng cơ chế sandbox vào năm 2015 và nhiều quốc gia khác đã học tập. Tại khu vực Đông Nam Á, có 4 quốc gia xây dựng cơ chế sandbox là Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia.