ĐỀ XUẤT RÀ SOÁT, ĐÁNH GIÁ LẠI CHỈ TIÊU VỀ NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG, HIỆU QUẢ ĐẦU TƯ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ ĐỐI VỚI CÁC LĨNH VỰC

Quốc Khánh
Đóng góp vào việc thực hiện chính sách, biện pháp để phát triển khoa học và công nghệ, nhiều ĐBQH đề xuất rà soát, đánh giá lại nguyên nhân chỉ tiêu về năng suất lao động không đạt, cần có sự phân tích về tác động của hiệu quả đầu tư, phát triển khoa học công nghệ đối với các lĩnh vực hiện nay như thế nào.

Chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu đề ra, việc đầu tư cho khoa học công nghệ chưa đạt hiệu quả như mong muốn và lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển khoa học công nghệ là những vấn đề không mới nhưng cho đến nay vẫn cần có những giải pháp hiệu quả hơn để khắc phục.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần thứ 27, thay mặt cơ quan thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, ước cả năm 2023 có 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra (năm 2022 có 2/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra), trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu đề ra năm thứ 3 liên tiếp.

Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện tình hình và đề xuất giải pháp cụ thể để cải thiện, nâng cao cao năng suất lao động xã hội. Có ý kiến cho rằng, sự giảm tốc này cùng với kết quả tăng năng suất lao động thấp trong những năm qua có nguyên nhân là do công tác điều hành thiên về các chính sách quản trị tổng cầu mà thiếu những chiến lược thúc đẩy tăng trưởng năng suất trong dài hạn, nhất là các chiến lược thúc đẩy động lực nội sinh của nền kinh tế.

Ngoài ra, tại Phiên Thẩm tra tình hình thực hiện chính sách, sử dụng ngân sách Nhà nước đầu tư cho khoa học và công nghệ năm 2023, dự kiến hoạt động năm 2024 do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức mới đây, đề cập về sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn đề nghị Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cần làm rõ hơn nguyên nhân, lý do kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ trung ương giảm so với năm 2022 và tăng ở phần kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ địa phương.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn.

Về sử dụng ngân sách Nhà nước chi đầu tư phát triển cho khoa học và công nghệ, Thường trực Ủy ban tán thành với việc phân bổ ngân sách Nhà nước đầu tư cho khoa học và công nghệ nhằm tập trung ưu tiên mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển khoa học và công nghệ trong năm 2023. Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ chưa thể hiện rõ một số nội dung như: Nguyên tắc phân bổ ngân sách Nhà nước triển khai hoạt động khoa học và công nghệ hằng năm cho các Bộ, ngành, địa phương; chưa đề cập đến kinh phí dự phòng cho các nhiệm vụ đột xuất tại các Bộ, ngành; chưa phân tích rõ hiệu quả của các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển khoa học công nghệ tại các địa phương.

Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học không được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống là sự lãng phí

Với những bất cập trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho biết, trong những đánh giá các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2022, chúng ta có chỉ tiêu về năng suất lao động không đạt. Một trong những nguyên nhân dẫn đến chỉ tiêu không đạt là trình độ khoa học công nghệ chưa đạt được yêu cầu đề ra.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi.

Để khắc phục tình trạng trên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi, Bộ Khoa học và Công nghệ cần có làm rõ thêm, rà soát những bất cập, hạn chế của thực trạng trên như thế nào và đề ra phương hướng giải quyết trong thời gian tới ra sao.

Liên quan đến nội dung trên, đại biểu Nguyễn Thị Lan - Đoàn ĐBQH Tp Hà Nội cho rằng, cần có sự phân tích về tác động của hiệu quả đầu tư, phát triển khoa học công nghệ đối với các lĩnh vực hiện nay như thế nào. Việc có nhiều đề tài nghiên cứu thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thương mại hóa và chuyển giao công nghệ nhưng không được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống thì là sự lãng phí. Số lượng đề tài khoa học có thể ít nhưng phải mang được những giá trị lớn cho phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ phân tích rõ hơn, có hướng dẫn cụ thể để địa phương triển khai thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan - Đoàn ĐBQH Tp Hà Nội.

Ngoài ra, để khoa học và công nghệ phát triển, đại biểu Nguyễn Thị Lan nêu quan điểm: Chính phủ và các Bộ ngành liên quan cần quan tâm hơn đến chế độ chính sách, tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi hơn để đội ngũ các nhà khoa học phát huy trí tuệ, đưa các đề tài nghiên cứu, sáng chế của mình được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.

Với những ý kiến, đề xuất của các đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đánh giá cao những ý kiến của các đại biểu, đại diện các Bộ ngành, đơn vị hữu quan đối với việc thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách cho khoa học công nghệ năm 2023 và dự kiến nhiệm vụ, ngân sách cho cho khoa học công nghệ năm 2024.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị các cơ quan, Bộ ngành tiếp thu tối đa những ý kiến đóng góp, kiến nghị, đề xuất của các ĐBQH, thành viên Ủy ban để hoàn thiện báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét./.

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN