12 trận động đất xảy ra liên tiếp trong chưa đầy 2 ngày (từ chiều 23/8 đến sáng 24/8), ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, được các nhà khoa học cho là động đất kích thích, do tích nước hồ chứa thủy điện. Câu hỏi đặt ra là hiện tượng này sẽ xuất hiện trong bao lâu, tần suất có tăng lên khi hồ chứa được đưa vào vận hành lâu dài.
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, chuyên gia địa chấn Viện Vật lý địa cầu lý giải, động đất tại Kon Plông, địa bàn có thủy điện Thượng Kon Tum có điểm chung với hiện tượng ở đập thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) - đều là động đất kích thích, xảy ra ở khu vực hồ chứa.
Thủy điện Thượng Kon Tum phát điện tổ máy số 1 từ 24/3/2021. Bắt đầu từ tháng 4/2021, động đất liên tiếp xuất hiện tại Kon Plông và các huyện lân cận, tần suất các trận cũng tăng lên đột biến sau đó. Từ năm 1903 đến năm 2020, khu vực huyện Kon Plông chỉ ghi nhận khoảng 33 trận động đất có độ lớn từ 2,5 trở lên. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay đã xảy ra khoảng gần 200 trận động đất mới.
Tại thủy điện sông Tranh 2 cũng từng gây rung chấn cùng những tiếng nổ lớn xảy ra trong lòng đất hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) sau khi hồ chứa tích nước. Động đất gia tăng nhanh về cường độ và tần suất, đỉnh điểm là trận động đất mạnh 4.7 độ ngày 16/11/2012. Động đất khu vực này vẫn kéo dài cả 10 năm, gần nhất là trận 2,7 độ ngày 11/3.
Thủy điện Thượng Kon Tum và sông Tranh 2 có điểm chung là cùng nằm trên đường đứt gãy Rào Quán - A Lưới. Song theo PGS Phương, rất khó để nói chính xác việc động đất ở khu vực Kon Plông liệu có kéo dài như ở thủy điện sông Tranh 2 hay không bởi địa chất hai vùng khác nhau. Ngay cả ở địa phương cũng có nhiều công trình thủy điện khác nhau, mỗi công trình lại có những hồ chứa tại địa điểm đập.
Thủy điện Thượng Kon Tum với nhà máy có cả đường ngầm dẫn nước kéo dài khoảng 18 km, ứng suất đè xuống rất lớn, khả năng xảy ra động đất kích thích nhiều hơn. "Điều đó cho thấy động đất kéo dài hay không còn phụ thuộc vào kết cấu của đập, địa chất của địa phương", PGS Phương nói.
Cần xây dựng trạm quan trắc và khuyến cáo cộng đồng
Trung tâm Báo tin động đất, sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) dự báo động đất ở huyện Kon Plông (Kon Tum) có thể mạnh tới 5,5 độ. Liệu đây có phải mức cực đại hay không? Ông Phương cho rằng, cần có đánh giá chi tiết và nghiên cứu, đo đạc số liệu trận động đất tại địa phương để các nhà khoa học tính toán. "Cần mạng lưới trạm quan trắc dày hơn để ghi nhận thông tin, số liệu các trận động đất. Khi đó các nhà khoa học đưa ra dự báo chính xác xu thế hoạt động động đất tại khu vực".
PGS Phương đề xuất tổ chức các lớp tập huấn để các nhà khoa học giải thích cho người dân, hướng dẫn đơn vị địa phương, chuyên gia thủy điện, người phụ trách công tác ứng phó thiên tai, để hiểu biết về hiện tượng, từ đó có những biện pháp phù hợp, không hoang mang.
Ông kiến nghị lắp đặt hệ thống quan trắc động đất, không chỉ ở khu vực Kon Plông, tiến hành phân vùng rủi ro động đất trên phạm vi quốc gia để kịp thời phục vụ công tác ứng phó. "Hiện tại, thiết lập các trạm quan trắc là giải pháp hàng đầu cần làm ngay, phục vụ cung cấp số liệu để các nhà khoa học tính toán, nghiên cứu về động đất", ông nói.
Trên thế giới ở những vùng động đất kích thích kéo dài hàng chục năm. "Có hàng trăm thủy điện trên thế giới ghi nhận hiện tượng động đất kích thích, vấn đề được thế giới nghiên cứu, viết thành sách", ông Phương nói và dẫn ví dụ với đập Koyna ở Ấn Độ, động đất kích thích từng lên 6 Richter. Để ứng phó, họ thiết lập các trạm quan trắc địa phương đặt ngay tại khu vực đập, có những thông tin có thể dự báo được những trận động đất trước một tháng nhờ số liệu quan trắc thu thập được.
"Như vậy rất cần có các trạm quan trắc đủ dày, thiết lập ngay tại địa phương và gần đập, quan trắc số liệu quanh khu vực hồ chứa, đập thủy điện để cung cấp các số liệu cho nhà khoa học", ông nói.
TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, hiện khu vực huyện Kon Plông và phụ cận thiết lập 6 trạm quan trắc, có thể trong vài tuần tới sẽ vận hành.