Đồng chí Tạ Quang Trường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Nai. |
Chuyển đổi số là mục tiêu, giải pháp và động lực
Phóng viên: Xin được bắt đầu cuộc trao đổi bằng một khái niệm tưởng quen mà vẫn lạ và cá nhân đồng chí thường hay tâm huyết chia sẻ tại một số diễn đàn, đó là chúng ta nên hiểu ngắn gọn thế nào là chuyển đổi số?
Đồng chí Tạ Quang Trường: Chuyển đổi số là một khái niệm được nhắc đến rất nhiều trong những năm gần đây không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu. Mặc dù có những định nghĩa đôi chút khác nhau từ các tổ chức khác nhau, nhưng tựu chung có thể hiểu Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.
Trước đây, chúng ta thường dùng thuật ngữ ứng dụng công nghệ thông tin, hay tin học hoá, đây là việc số hóa thông tin, số hóa quy trình đã có. Thí dụ như việc tạo ra các tài liệu điện tử thay cho các tài liệu giấy, gửi thư điện tử qua internet thay vì gửi thư giấy.
Chuyển đổi số là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, có được nhờ sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ số, giúp số hóa toàn diện hơn dẫn đến sự thay đổi quy trình mới, mô hình tổ chức mới, sản phẩm, dịch vụ, phương thức tương tác mới.
Ngày nay, khi người dân có thể quản lý thông tin cá nhân, giải quyết thủ tục hành chính qua ứng dụng VneID, Cổng dịch vụ công quốc gia, hay mua hàng trực tuyến trên Voso, Sendo…, xem các chương trình truyền hình trên ứng dụng OTT VTVG… thì đây chính là thành tựu điển hình của sự thay đổi mô hình phương thức cung cấp dịch vụ, mô hình kinh doanh nhờ vào công nghệ số.
Như Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhận định, chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế-xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại-“phương thức sản xuất số”, trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời, quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số.
Phóng viên: Với cách hiểu như trên, theo quan điểm của đồng chí, những “giá trị mới” thiết thực có thể được tạo ra thông qua công cuộc chuyển đổi số là gì?
Đồng chí Tạ Quang Trường: Rất nhiều giá trị mới thiết thực hữu hình và vô hình được tạo ra từ chuyển đổi số và trong quá trình chúng ta nỗ lực thực hiện chuyển đổi số.
Dưới góc độ sản xuất, kinh doanh chuyển đổi số là cuộc cách mạng về năng suất, sắp xếp chuỗi giá trị và tạo ra các sản phẩm và mô hình kinh doanh mới. Dưới góc độ một khách hàng không chỉ được thụ hưởng các dịch vụ, sản phẩm mới đa dạng hơn, tiện lợi hơn, chi phí thấp, minh bạch hơn.
Người lao động cũng nhận được những giá trị mới từ chuyển đổi số như mô hình làm việc linh hoạt về thời gian không gian, tự động hóa thay thế những nhiệm vụ nhàm chán, thay vào đó là cơ hội đào tạo kỹ năng số. Dữ liệu số, công nghệ số giúp các cơ quan nhà nước quản lý chính xác, hiệu quả hơn, cung cấp dịch vụ hành chính công, dịch vụ công y tế, giáo dục… chất lượng hơn, thuận tiện hơn, minh bạch hơn cho người dân, cắt giảm quy định, thủ tục, giấy tờ, qua đó tiết kiệm chi phí xã hội đáng kể.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Võ Tấn Đức cùng các đại biểu tham quan gian hàng ứng dụng công nghệ số. |
Chuyển đổi số khiến kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cá nhân, tổ chức trở nên dễ dàng hơn, lối sống/phương thức chia sẻ, cho thuê, tái sử dụng thay thế một phần việc sở hữu, thải bỏ. Điều này tạo ra giá trị tích cực cho mục tiêu phát triển bền vững. Công nghệ số hiện diện xuyên suốt từ khi chúng ta nhận diện những giá trị “tiềm năng” đến quá trình tạo ra giá trị và mang những giá trị mới này đến đối tượng thụ hưởng cuối cùng. Đặc biệt hơn sự “đồng kiến tạo” ra giá trị diễn ra mạnh mẽ hơn trong thời đại chuyển đổi số.
Tuy nhiên, chuyển đổi số là một quá trình dài hạn; để đạt được những mục tiêu giá trị như trên, chúng ta sẽ gặp không ít rào cản, mà trước tiên đến từ tư duy và văn hóa.
Chuyển đổi số thành công đòi hỏi bước ra khỏi những lối mòn trong tư duy, thói quen cũ trong làm việc, lối sống. Hay nói như Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: “Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thay đổi hơn là cuộc cách mạng về công nghệ. Chuyển đổi số 70% là thay đổi, 30% là công nghệ”.
Do đó, trong quá trình nỗ lực thực hiện chuyển đổi số, tôi tin rằng chúng ta cũng cùng nhau tạo ra giá trị vô cùng thiết thực và quan trọng đó là một tinh thần khám phá, cải tiến, phát triển liên tục, một văn hóa đổi mới và tiến bộ không ngừng.
Phóng viên: Soi rọi lại quá trình thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 (Kế hoạch số 53) của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Nai đã tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng nào và kết quả đạt được đến thời điểm này như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Tạ Quang Trường: Trong năm 9 tháng đầu năm, Sở Thông tin và Truyền thông tập trung triển khai những hoạt động hướng đến hoàn thiện hạ tầng số, ứng dụng số trong xây dựng chính quyền số; lan toả văn hóa số; xuyên suốt quá trình đó là liên tục nâng cao nhận thức, kỹ năng số và bảo đảm sự thống nhất trong mục tiêu, cách thức thực hiện chương trình chuyển đổi số ở các cấp chính quyền để nguồn lực được sử dụng hiệu quả nhất và đúng quy định pháp luật.
Có thể kể đến việc triển khai hướng dẫn sâu sát Nghị quyết 05-NQ/TU về chương trình chuyển đổi số của tỉnh, Nghị định số 82/2024/NĐ-CP để các đơn vị, địa phương được nắm rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, tiếp cận thông tin, chuẩn bị các dự án hoặc điều chỉnh các nội dung chưa phù hợp trong quá trình lập, quản lý dự án, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định mới; tổ chức diễn tập thực chiến An toàn thông tin với sự tham gia của các tỉnh cụm 7 ứng cứu sự cố (các tỉnh thuộc Quân khu 7) và lần đầu tiên tổ chức diễn tập trên hệ thống thực, nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức về an toàn thông tin, tăng cường kiểm tra an toàn hệ thống, rèn luyện kỹ năng và chuẩn hoá quy trình bảo đảm an toàn thông tin.
Tổ chức 3 không gian triển lãm về chuyển đổi số (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số); Book Tour - chuyển đổi số từ văn hóa đọc; và chuỗi 6 cuộc thi chuyển đổi số.
Đã có 1 trong chuỗi 6 cuộc thi được diễn ra thành công vào ngày 7/9, đây là cuộc thi Robo G hay còn gọi là “Đấu trường AI”, cuộc thi được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh về giáo dục STEAM, tạo tiền đề để lan tỏa phương pháp dạy và học STEAM trong học sinh, sinh viên.
Các thí sinh tham gia cuộc thi Robo G. |
Bảo đảm ứng dụng quan trọng của chính quyền số Đồng Nai như một cửa điện tử, quản lý điều hành công việc vận hành hiệu quả, thông suốt; trong quá trình đầu tư nâng cấp trung tâm dữ liệu của tỉnh đáp ứng nhu cầu lớn hơn trong thời gian tới.
Đặc biệt, Sở Thông tin và Truyền thông đã tích cực tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế số của tỉnh Đồng Nai thông qua việc nghiên cứu, đề xuất hình thành Khu công nghệ thông tin tập trung với diện tích khoảng 100 ha tại huyện Long Thành, đây là một trong những dự án quan trọng trong quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn 2050 nhằm thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ số, thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Đồng Nai.
Vừa cấp bách, vừa lâu dài
Phóng viên: Tuy nhiên, chuyển đổi số là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, cho nên bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, cũng cần nhìn thẳng vào những khó khăn, thách thức đang nổi lên trong công cuộc chuyển đổi số toàn tỉnh, phải vậy không thưa đồng chí? Và theo đồng chí, thực trạng hiện nay yêu cầu cần phải có giải pháp gì để khẩn trương khắc phục, hướng đến hiệu quả cuối cùng là phục vụ nhân dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn?
Đồng chí Tạ Quang Trường: Chuyển đổi số có thể vẫn là câu chuyện mới và khác lạ; vì vậy, nhận thức đúng về tầm quan trọng, vai trò, trách nhiệm và cách thức thực hiện sẽ còn khó khăn.
Chuyển đổi số gắn với bối cảnh cụ thể của một tổ chức, do đó tỉnh Đồng Nai cũng không ngoại lệ, nhưng theo tôi, vấn đề cấp bách và cả lâu dài hiện nay là vấn đề con người, nhân lực; nhân lực cho cả sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, đến xã hội từ doanh nghiệp, đến các cơ quan nhà nước.
Ngoài ra, cũng cần thiết đề cập đến những vấn đề quan ngại trong quá trình chuyển đổi số như bảo vệ dữ liệu, vấn đề giảm thiểu tác động môi trường từ sử dụng công nghệ số…
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai tham quan gian hàng tại Tuần lễ Chuyển đổi số năm 2023. |
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, chuyển đổi số là quá trình đa dạng, phức tạp, không có con đường duy nhất hay hình mẫu chung áp dụng cho tất cả. Vậy xin đồng chí cho biết, quan điểm và mục tiêu địa phương đặt ra trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, nhằm từng bước hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định việc xây dựng khu trung tâm đổi mới sáng tạo, khu công nghệ thông tin tập trung, các dự án chuyển đổi số nằm trong nhóm mũi nhọn đột phá phát triển?
Đồng chí Tạ Quang Trường: Chuyển đổi số là một yếu tố nền tảng để phát triển nhanh và bền vững; quan điểm này đã được thể hiện rõ tại Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội quốc gia giai đoạn 2021-2030. Tuy nhiên, chuyển đổi số không chỉ phục vụ chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của địa phương mà bản thân chuyển đổi số cũng cần một chiến lược phù hợp địa phương để thực hiện.
Thứ nhất, Đồng Nai sẽ tập trung thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung để thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ số, nhất là các dự án dịch vụ công nghệ số để phát triển kinh tế số của tỉnh, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế; đồng thời cũng sẽ thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp ICT; bước đầu tham gia vào hệ sinh thái nghiên cứu, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ số và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Đồng Nai. Điều này không chỉ hiện thực hóa quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 mà còn thực hiện được vai trò của Đồng Nai trong vùng động lực phát triển công nghiệp ICT của Đông Nam Bộ.
Thứ hai, Đồng Nai sẽ thực hiện mục tiêu kép và chuyển đổi kép: chuyển đổi số và chuyển đổi xanh; thông qua việc thúc đẩy phát triển và ứng dụng giải pháp công nghệ số vào triển khai, thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh và đồng thời xanh hóa ngành công nghiệp ICT tại Đồng Nai.
Thứ ba, Đồng Nai xác định con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực và mục tiêu quan trọng nhất của phát triển và cũng là chìa khóa của chuyển đổi số; do đó cần tiếp tục quan tâm, đầu tư bài bản, dài hạn cho phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số; bao gồm nhân lực cho khối tư nhân và cả nhân lực phụ trách công tác chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước, để cán bộ, công chức tham mưu chính sách, triển khai thực hiện các chương trình chuyển đổi số có tư duy, năng lực chuyên môn bắt kịp yêu cầu phát triển ngày một cao.
Xuyên suốt quá trình thực hiện, Đồng Nai sẽ chủ động có những đề xuất, kiến nghị với bộ, ngành Trung ương để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc và có các cơ chế, chính sách đặc thù tạo điều kiện cho Đồng Nai phát triển kinh tế số, xây dựng chính quyền số, xã hội số.
Người dân đến trải nghiệm một gian hàng ứng dụng số tại huyện Nhơn Trạch. |
Phóng viên: Để công cuộc chuyển đổi số thực sự đi vào chiều sâu, tạo ra bước chuyển mới trên tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội, cần những yếu tố nào làm tiền đề, thưa đồng chí?
Đồng chí Tạ Quang Trường: Chúng ta đã có được một số yếu tố tiền đề rất quan trọng, đó là mục tiêu rõ ràng và quyết tâm chính trị rất cao từ Trung ương đến địa phương cho công cuộc chuyển đổi số, bên cạnh đó, thể chế cũng luôn được quan tâm hoàn thiện.
Để công cuộc chuyển đổi số đi vào chiều sâu, tôi cho rằng cần tiếp tục củng cố 2 yếu tố; thứ nhất là nguồn nhân lực, thứ hai là công nghệ. Nguồn nhân lực đóng vai trò quyết định sự thành công của chuyển đổi số trên phương diện dẫn dắt, thực hiện, hình thành văn hóa số.
Thứ hai, công nghệ cốt lõi của chuyển đổi số như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây ngày càng chiếm vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng sản xuất và quản lý nhà nước. Tuy nhiên việc sử dụng công nghệ không thể “rập khuôn” sẵn có mà cần được nghiên cứu, phát triển ứng dụng phù hợp nhu cầu địa phương; cần chuyển từ bắt chước công nghệ sang đổi mới sáng tạo công nghệ, phát triển hơn nữa các doanh nghiệp công nghệ số make in Việt Nam, phục vụ mục tiêu chuyển đổi số của Việt Nam.
Phóng viên: Cố gắng đưa Đồng Nai vươn mình về chuyển đổi số không phải tlà trách nhiệm của riêng ngành thông tin và truyền thông, mà phải thực sự là một cuộc cách mạng đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân. Hẳn là đồng chí muốn lan tỏa thông điệp truyền cảm hứng sao cho ai cũng biết, hiểu, đồng thuận và tự nguyện thực hiện công việc cấp bách này?
Đồng chí Tạ Quang Trường: Tôi sẽ dùng 2 từ khóa để truyền tải thông điệp này, đó là “tích hợp” và “lan tỏa”. Cả 2 điều này đều cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân.
Đầu tiên, chuyển đổi số không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành thông tin và truyền thông, nó đòi hỏi việc khơi thông, huy động nguồn lực và tích hợp những nguồn lực cần thiết, sử dụng hiệu quả, tiếp tục phát triển các nguồn lực cần thiết đó từ con người, tài chính, công nghệ, tài nguyên… cho con đường chuyển đổi số dài hạn phía trước.
Thứ hai là “lan tỏa” công nghệ số, văn hóa số, hình mẫu chuyển đổi số thành công vào trong các ngành, lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội để tạo ra giá trị mới thiết thực đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh Đồng Nai.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này.
THIÊN VƯƠNG