Giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng xanh

Bùi Quốc Khánh
Để góp phần đánh giá hiện trạng, cơ hội, khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh, sáng 8/8, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề “Thúc đẩy phát triển năng lượng xanh: Hiện trạng và giải pháp thực hiện”.
Quang cảnh cuộc hội thảo.
Quang cảnh cuộc hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 (Chiến lược tăng trưởng xanh). Chiến lược tăng trưởng xanh tập trung vào khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Đồng thời Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam. Bên cạnh đó Việt Nam cũng đã tham gia Nhóm các tác đối Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).

Để cụ thể hóa các Chiến lược và cam kết nói trên, ngày 15/5/2023, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg về Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện sẽ đạt tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030, định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%.

Do đó, theo Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Hội thảo là hoạt động khoa học có ý nghĩa quan trọng, nhằm tìm ra các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc đề xuất các giải pháp mang tính then chốt, đột phá của quá trình chuyển dịch năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo và tạo lập hệ sinh thái đầy đủ, đồng bộ cho quá trình chuyển dịch nói trên. Đồng thời, Hội thảo cũng đề cập đến tiềm năng, xu hướng một số và lĩnh vực, ngành xanh, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi xanh ở Việt Nam (Hydrogen, xe điện, thị trường tín chỉ carbon, tài chính xanh...).

Hội thảo cũng xác định những bất cập, hạn chế, điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách và tổ chức quản lý cần phải tháo gỡ và xác định đúng những căn nguyên của vấn đề đang cản trở quá trình chuyển dịch năng lượng xanh và kinh tế xanh hiện nay.

Tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo Hiệp hội, tập trung vào các vấn đề mang tính trọng tâm như: Xu hướng thế giới và Việt Nam về phát triển một số ngành nghề, lĩnh vực xanh then chốt gắn với quá trình chuyển đổi năng lượng; Đánh giá sự sẵn sàng tham gia thị trường tín chỉ carbon của các doanh nghiệp dầu khí Việt Nam nhìn từ kinh nghiệm của các Tập đoàn dầu khí trên thế giới; Chính sách và công nghệ cho quá trình chuyển dịch năng lượng xanh ở Việt Nam; Quá trình thực hiện chuỗi Dự án Điện khí LNG và Điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch năng lượng quốc gia và Quy hoạch Điện VIII của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Phát hiện các rào cản, điểm nghẽn trong quá trình thực hiện chuyển dịch năng lượng xanh (Quy hoạch điện VIII) hiện nay.

Đồng thời, các đại biểu cũng chia sẻ ý kiến, quan điểm về các vấn đề liên quan để hiện thực khát vọng xanh hóa ngành năng lượng của Việt Nam.

Đề xuất triển vọng phát triển các ngành kinh tế xanh tại Việt Nam, Tiến sĩ Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, trước hết xây dựng chiến lược quốc gia và lộ trình rõ ràng cho nhóm, các ngành, lĩnh vực xanh quan trọng và phức tạp, đó là hydro sạch và giao thông, logistics xanh, với một cơ quan liên bộ đóng vai trò dẫn dắt, triển khai các chiến lược ngành này.

Ngoài ra, các dự án tăng tốc chiến lược tăng trưởng xanh cần được triển khai ở cấp tỉnh và thành phố. Các bộ, ngành và cơ quan liên quan cần phối hợp triển khai hoàn thiện một hệ thống phân loại xanh quốc gia toàn diện, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Hệ thống phân loại cần bao gồm danh sách chi tiết các chủ đề, lĩnh vực và dự án phù hợp với định hướng tăng trưởng xanh. Thêm vào đó, hệ thống phân loại cần bao gồm các tiêu chuẩn kỹ thuật theo ngành cụ thể như mức phát thải khí nhà kính và tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng, cùng với quy trình xác minh, chứng nhận và hướng dẫn cho các bên liên quan.

“Các cơ chế chính sách ưu tiên, hỗ trợ các dự án xanh sẽ cần thiết để Việt Nam tăng tốc trong việc thu hút đầu tư cho các dự án xanh, nhất là trong các dự án đòi hỏi mức đầu tư ban đầu cao do quy mô và độ phức tạp của các công nghệ mới”, Tiến sĩ Hà Huy Ngọc nhấn mạnh.

Ninh Cơ

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN