Hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại

Phấn đấu trở thành nước công nghiệp hiện đại hay công nghiêp theo hướng hiện đại là mục tiêu kiên định được xác định và lựa chọn qua nhiều kỳ Đại hội Đảng. Tuy nhiên, đến nay, chưa có một văn bản chính thống nào về một bộ tiêu chí để đánh giá và làm thước đo mục tiêu “nước công nghiệp”, “cơ bản trở thành nước công nghiệp” và đặc biệt là “nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Trên thế giới, các nhà khoa học đã đưa ra một số bộ tiêu chí để phản ánh thành quả của một quốc gia khi trở thành nước công nghiệp nhưng những bộ tiêu chí này còn chưa thực sự đầy đủ và chưa phù hợp với các thước đo thành quả phát triển xã hội hiện nay, yêu cầu về giá trị nhận được của từng tiêu chí so với hiện nay cũng trở nên bị lạc hậu.

Ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu về công nghiệp hoá đã đề xuất một số bộ tiêu chí phản ánh thành quả phát triển để trở thành nước đã hoàn thành công nghiệp hóa. Tuy nhiên, nước đã hoàn thành công nghiệp hóa và nước công nghiệp là hai phạm trù không đồng nhất do đó các bộ tiêu chí đề xuất còn có những hạn chế nhất định về phạm vi phản ánh thành quả phát triển, giá trị cần đạt được của các tiêu chí, khả năng tính toán các tiêu chí do sự hạn chế của số liệu thống kê; các yêu cầu mới của thời đại.

Những lý do trên cho thấy xây dựng hệ tiêu chí “nước công nghiệp theo hướng hiện đại” là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng để xác định mức độ hoàn thành mục tiêu phát triển đất nước qua các thời kỳ, phát hiện những bất cập, hạn chế, từ đó định hướng và đề ra các giải pháp cho giai đoạn kế tiếp, đặc biệt trong bối cảnh thời đại đã xuất hiện những yếu tố mới đã và đang tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho sự phát triển đất nước như bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng khoa học công nghệ 4.0. Đó là lý do nhóm nghiên cứu của GS. TS. Trần Thị Vân Hoa tại Trường Đại học kinh tế Quốc dân thực hiện đề tài: “Hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại” từ năm 2016 đến năm 2019.

Đề tài đã đề xuất hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại gồm cả các giá trị định lượng, dự báo năm 2035 là thời điểm Việt Nam sẽ đạt ngưỡng thấp nhất của các nước phát triển với thu nhập cao (theo phân loại của WB). Hệ tiêu chí là căn cứ quan trọng đánh giá và xác định lộ trình phát triển qua từng thời kỳ với 5 nhóm tiêu chí thể hiện sự thịnh 25 vượng của nền kinh tế, mức độ phát triển của công nghiệp hóa, trình độ phát triển con người, chất lượng môi trường và năng lực đổi mới sáng tạo của nền kinh tế. Các giá trị định lượng cụ thể cho từng tiêu chí là GNI/người đạt trên 12.000 USD; HDI > 8,0 điểm; tỷ trọng lao động nông nghiệp 55 và GII càng cao càng tốt với mức tối thiểu 55 điểm vào năm 2035. Những tiêu chí này có mối quan hệ thống nhất trong một tổng thể, trong đó quan trọng nhất là tiêu chí GNI/người. Tiêu chí GII sẽ là tiêu chí công cụ thể hiện hướng hiện đại trong quá trình phát triển đất nước của Việt Nam.

Để đạt được các tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đề tài đã đề xuất các nhóm giải pháp cho từng nhóm tiêu chí, bao gồm: (1) các giải pháp tăng trưởng GNI/người cao và bền vững; (2) các giải pháp cải thiện và đẩy nhanh tốc độ tăng HDI; (3) các giải pháp giảm tỷ trọng lao động trong nông nghiệp; (4) các giải pháp cải thiện và tăng chỉ số EPI để đảm bảo bền vững về môi trường; và (5) các giải pháp cải tiến và tăng nhanh chỉ số GII để tạo ra sự phát triển đột phá trong toàn nền kinh tế. Một số giải pháp quan trọng được đưa ra trong tất cả các nhóm đó là đổi mới GD&ĐT để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao chất lượng thu hút FDI…

Đề tài cũng khẳng định thực hiện các giải pháp trên là thách thức to lớn trong bối cảnh mới của toàn cầu hóa và nguy cơ tụt hậu hiện nay. Do đó, cùng với các giải pháp cho từng tiêu chí, đề tài đã kiến nghị 5 điều kiện quan trọng đó là đổi mới tư duy về mục tiêu và tiêu chí phát triển đất nước thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; hoàn thiện thể chế thị trường định hướng XHCN; xây dựng nhà nước kiến tạo liêm chính và trách nhiệm giải trình; coi trọng nguồn lực coi người và đổi mới giáo dục đào tạo; và nâng cao tính minh bạch, chính xác của hệ thống thông tin quốc gia. Kết quả nghiên cứu của đề tài cung cấp căn cứ quan trọng trong xây dựng các chính sách và đề ra mục tiêu phát triển đất nước trong Đại hội XIII.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17071/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

N.P.D (NASATI)

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN