Đây là nội dung được trao đổi tại Diễn đàn Kinh tế mới Việt Nam lần thứ 2 (Vietnam New Economy Forum 2024) với chủ đề: "Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp (DN)" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam chủ trì, phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức chiều ngày 16/10 tại Hà Nội.
Nắm bắt cơ hội chuyển đổi số để vươn mình
TS. Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phân tích: Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình với động lực tăng trưởng mới chủ yếu dựa vào đổi mới sáng tạo công nghệ và nỗ lực thực hiện quá trình chuyển đổi.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp thế giới, tạo sự đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo xu hướng mới, mô hình kinh tế và kinh doanh mới và tạo ra cạnh tranh mới, thách thức mới với mọi quốc gia.
"Đây là xu hướng tất yếu không thể đảo ngược, do đó, mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế, mỗi địa phương, mỗi DN phải hết sức chủ động thích ứng, bắt nhịp để phát huy hiệu quả tính đột phá của cuộc cách mạng này, nhằm giải quyết các bài toán quốc gia về tăng trưởng và phát triển bền vững", ông Lê Quang Huy nói.
Theo ông Lê Quang Huy, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định phát triển nhanh và bền vững chủ yếu dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát kinh tế số, xã hội số và coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng khẳng định, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là những trụ cột để phát triển nhanh, bền vững, đồng thời là một trong những khâu đột phá lớn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh nền kinh tế.
PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Để xây dựng được nền kinh tế mới, chúng ta đang thực hiện hai cuộc chuyển đổi lớn.
Một là, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN gắn với hội nhập quốc tế. Hai là, chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh (hay thường gọi là chuyển đổi kép). Điều đặc biệt là cả hai quá trình chuyển đổi này đều mang tính cách mạng.
Các chuyên gia phân tích: Việt Nam liên tiếp tăng bậc trong xếp loại chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, đáng chú ý trong năm 2024, Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới gồm chỉ số nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa sáng tạo.
Tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam được đánh giá nhanh nhất Đông Nam Á, dự báo đến năm 2025, kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt 20% GDP. Song hành với cuộc cách mạng công nghiệp số, cuộc cách mạng công nghiệp xanh cũng đang tạo những áp lực và động lực cạnh tranh, phát triển giữa các quốc gia, các nền kinh tế và DN.
Theo đó, xu thế chuyển đổi số thúc đẩy chuyển đổi xanh nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững là tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Điều này đặt ra cho mỗi quốc gia, mỗi DN phải hoạch định những bước đi chiến lược nhằm phát huy tính đột phá và tính cơ hội của hai cuộc cách mạng này cho mục tiêu tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững.
Đây là yếu tố sống còn, là năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế và DN. Vận hội và cơ hội mới đang mở ra cho Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới, thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng...
Cần đẩy nhanh hoàn thiện cơ chế khuyến khích hỗ trợ DN
Dưới góc độ DN, ông Đặng Vũ Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Phong Phú (PPJ Group) cho hay: Có một số yếu tố khách quan mở đường cho công cuộc chuyển đổi của DN, như sự tạo điều kiện từ các chủ trương, chính sách của Nhà nước, mức độ phát triển của các thành tựu khoa học – công nghệ trên thế giới.
Đối với các DN Việt Nam thuộc mọi ngành nghề, chuyển đổi kép đều là thử thách, và thử thách này có thể bị khuếch đại nhiều lần đối với các DN vừa và nhỏ với tiềm lực hạn chế. Chi phí đầu tư cho công nghệ, chi phí đầu vào của sản xuất khiến giá thành sản phẩm tăng cao so với truyền thống, và không phải thương hiệu nào cũng sẵn sàng chi trả cho khoản chênh lệch này.
Còn ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH, cho biết: Tại tập đoàn TH, công nghệ số và mô hình kinh tế tuần hoàn– kinh tế xanh được tích hợp vào công nghệ số đã được thực hiện ngay từ khi xây dựng DN với sự kết nối chặt chẽ, song hành giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Công nghệ số và công nghệ cao góp phần làm cho kinh tế xanh- kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững ở TH được thực hiện một cách hiệu quả và mạnh mẽ hơn.
Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng: Việt Nam đã có không ít nỗ lực, đặc biệt là ở góc độ ban hành các chính sách cho chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Tư duy, giải pháp chính sách cho chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đã sớm được xây dựng, cụ thể hóa.
Mặc dù vậy, bà Trần Hồng Minh cho rằng cộng đồng doanh nghiệp chưa hiểu nhiều, chưa đầu tư nhiều, chưa triển khai nhiều và chưa hưởng lợi nhiều từ quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh
Đại diện CIEM cho rằng: Các chính sách cũng chỉ ở mức khuyến khích và thúc đẩy các DN chuyển đổi từ mô hình sản xuất truyền thông sang mô hình ứng dụng công nghệ số và các mô hình xanh, tuần hoàn. Đơn cử như việc triển khai tín dụng xanh vẫn còn nhiều rào cản do khung pháp lý chưa được hoàn thiện và cụ thể hóa, quy trình thẩm định vẫn còn khá phức tạp.
"Nếu không có thông tin, phối hợp từ các DN thì các cán bộ, công chức sẽ khó tự cụ thể hóa được các tiêu chuẩn riêng cho dự án kinh tế tuần hoàn trong một lĩnh vực cụ thể", bà Trần Hồng Minh chia sẻ.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho biết: việc song hành chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cùng lúc, vì hai nhân tố này tương trợ, bổ trợ cho nhau vô cùng chặt chẽ. Chuyển đổi xanh tốt thì phải đưa công nghệ vào và gắn kết với nhau, còn chuyển đổi số tốt cũng phải xanh hoá, tiết kiệm năng lượng.
Về lâu dài, TS Cấn Văn Lực kiến nghị cần sớm thành lập Uỷ ban Năng suất quốc gia, việc cải thiện năng suất lao động có nhiều tiến triển nhưng không như mong muốn. Cần có các cơ chế thử nghiệm sandbox, phát triển fintech, trí tuệ nhân tạo (AI)…
"Bên cạnh đó, Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Khoa học công nghệ cần sớm thông qua để chuyển đổi số tốt hơn. DN muốn chuyển đổi xanh cần nguồn lực hỗ trợ, ngoài cơ chế chính sách", TS Cấn Văn Lực góp ý.
Anh Minh