Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 27

Bùi Quốc Khánh
Ngày 14/06/2024 tại Bến Tre, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Hội nghị giao ban KH&CN vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ 27. Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) của các tỉnh/thành phố trong vùng ĐBSCL giai đoạn 2022-2024; thảo luận, trao đổi triển khai nhiệm vụ, giải pháp KH,CN&ĐMST phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng trong thời gian tới.

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy; Quyền Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre Trần Thanh Lâm, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cùng 250 đại biểu đến từ các Sở KH&CN trong vùng.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, 13 tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL là khu vực kinh tế năng động, có nhiều tiềm năng phát triển, liền kề với TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với diện tích trên 40 nghìn km2, dân số hơn 18 triệu người (chiếm 19% dân số cả nước). Đây là vùng có lợi thế rất lớn trong phát triển kinh tế nông nghiệp, thủy hải sản. Trong thời gian qua, kinh tế - xã hội của vùng tiếp tục với đà tăng trưởng cao. Năm 2023, đóng góp khoảng 12% vào GDP của cả nước, tốc độ tăng trưởng GDP tăng 6,6%, tổng thu ngân sách nhà nước của cả vùng đạt hơn 121,0 nghìn tỷ đồng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 36 tỷ USD, trong đó lúa gạo đạt hơn 5 tỷ USD, thủy sản đạt hơn 6 tỷ USD, rau quả đạt hơn 2 tỷ USD. Ngoài ra, vùng ĐBSCL còn có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, du lịch văn hóa, sinh thái sông nước, miệt vườn…

Tuy nhiên, hiện nay vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn và đối mặt với nhiều thách thức, quy mô kinh tế còn nhỏ; thu nhập bình quân đầu người mới chỉ bằng 67% so với bình quân chung cả nước; 11/13 địa phương trong vùng chưa tự cân đối được ngân sách (trừ TP Cần Thơ và tỉnh Long An), tốc độ đô thị hoá còn chậm; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế của phần lớn các địa phương chưa đạt như kỳ vọng; liên kết vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, tỷ lệ lao động có trình độ cao còn thấp hơn so với trung bình của cả nước, trình độ phát triển của vùng so với bình quân của cả nước còn có những khoảng cách nhất định…

Nhìn lại chặng đường vừa qua, hoạt động KH,CN&ĐMST của các tỉnh/thành phố trong vùng đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận, đó là: nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ được ban hành, cụ thể hóa; môi trường kinh doanh được cải thiện; thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; đẩy mạnh chuyển đổi số. Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật gắn với thực tiễn sản xuất, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và cả vùng.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam phát biểu tại Hội nghị.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cảm ơn sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ KH&CN đối với hoạt động KH,CN&ĐMST đối với Bến Tre nói riêng, các tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL nói chung. Chủ tịch Trần Ngọc Tam hy vọng sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ KH&CN, các bộ/ngành, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp… trong việc ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cũng như chia sẻ những kinh nghiệm nhằm thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đề xuất các giải pháp góp phần thực thi các chính sách liên quan đến hoạt động KH,CN&ĐMST; các giải pháp thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST thời gian tới. Đồng thời đề xuất, kiến nghị Bộ KH&CN tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai như: liên kết ngành, các nguồn lực trong phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị gia tăng; thống nhất quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN ngày 28/03/2024 của Bộ trưởng Bộ KH&CN quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và các giải pháp vận hành, phát triển nền tảng truy xuất nguồn gốc quốc gia tại địa chỉ https://truyxuatnguongoc.gov.vn, cùng với đó là đẩy nhanh việc tích hợp, đồng bộ với hệ thống dữ liệu dân cư hướng đến sử dụng duy nhất tài khoản VNeID khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến (VNeID là ứng dụng được xây dựng trên nền tảng cơ sở dữ liệu về định danh, dân cư và xác thực điện tử, kết nối với các cơ quan hành chính nhà nước và các tổ chức xã hội); các giải pháp cần tập trung thực hiện để liên kết phát triển và nâng cao năng suất chất lượng các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm OCOP, các sản phẩm quốc gia trong vùng...

Công bố chỉ dẫn địa lý Bến Tre cho 7 sản phẩm chủ lực.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Cục Sở hữu trí tuệ, Sở KH&CN tỉnh Bến Tre đã công bố tạo lập, bảo hộ xác lập quyền chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm chủ lực của tỉnh Bến Tre (sầu riêng, tôm càng xanh, xoài tứ quý, cua biển, chôm chôm, gạo và nghêu).

Quang Thái, Văn Nguyên, Phong Vũ

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN