Khoa học công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong nông nghiệp

Quốc Khánh
Ứng dụng khoa học công nghệ, Việt Nam chủ động được nhiều giống lúa, năng suất cao nhất trong các nước ASEAN, năng suất hồ tiêu đứng đầu thế giới, cao su đứng thứ 2 thế giới...

Thông tin được ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, chia sẻ tại "Diễn đàn công nghệ ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn" tổ chức hôm 1/10. Diễn đàn thuộc khuôn khổ sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 - Techconnect and Innovation Vietnam 2024.

Gặt lúa ở Đông Anh, Hà Nội tháng 5/2023. Ảnh: Ngọc Thành

Gặt lúa ở Đông Anh, Hà Nội tháng 5/2023. Ảnh: Ngọc Thành

Ông Dương thông tin, 10 năm qua, khoa học và công nghệ đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam, với hơn 30% giá trị gia tăng trong sản xuất và 38% trong lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi. Nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến, năng suất lúa của Việt Nam cao gấp 1,5 lần Thái Lan. Cafe phê Việt Nam đứng thứ hai thế giới về năng suất chỉ sau Brazil. Cá tra đạt năng suất 500 tấn/ha, mức cao nhất thế giới, trong khi công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng giúp nâng cao sản lượng lên hơn 40 tấn/ha, đồng thời giảm 30-35% chi phí sản xuất so với phương pháp cũ.

Minh họa thêm kết quả, ông Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dẫn năm 2023 tỷ lệ đóng góp của nông nghiệp vào GDP quốc gia là 14,6%. "Khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo - chuyển đổi số là yếu tố bao trùm, động lực chính", ông nói.

Ở lĩnh vực sau thu hoạch, ông Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết ứng dụng khoa học giúp công nghệ bảo quản sau thu hoạch dần đạt mức tiên tiến so với các nước khác trong khu vực và thế giới, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp. Sản lượng rau quả của Việt Nam hiện đạt khoảng 30 triệu tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt mức 5,69 tỷ USD trong năm 2023, tăng trưởng 70% so với năm trước.

Các công nghệ hiện đại giúp kéo dài thời gian bảo quản, sản phẩm tạo ra giá trị gia tăng trên 20%, chất lượng có ưu điểm vượt trội so với cách làm truyền thống, đạt chất lượng tương đương với nhập khẩu nhưng vẫn tiết kiệm thời gian và chi phí đầu tư.

"Trình độ công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch của Việt Nam không ngừng tiến bộ, đạt mức trung bình so với thế giới", ông nói. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, ông Tuấn cho rằng Việt Nam cần tập trung đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới, tạo môi trường thuận lợi, cơ chế, chính sách phù hợp để các nhà khoa học phát huy tối đa khả năng, nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng các công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Theo ông Lê Minh Lịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, từ năm 2020 đến 2023, ngành nông nghiệp ứng dụng 233 tiến bộ kỹ thuật mới thông qua các quy trình VietGAP, ATSH, an toàn dịch bệnh... giúp tăng năng suất và hiệu quả sản xuất trung bình từ 15%, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông kiến nghị các đơn vị, tổ chức nghiên cứu, quản lý khoa học quan tâm, bố trí nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ trong nông nghiệp, cập nhật thường xuyên các tiến bộ kỹ thuật. Việc ứng dụng công nghệ cần song hành thúc đẩy mô hình nông nghiệp sinh thái, hiện đại hóa nông thôn và phát triển các kênh phân phối mới nhằm kết nối cung cầu.

Techconnect and Innovation Vietnam 2024 được tổ chức trong 2 ngày 30/9 -1/10. Đây là sự kiện thường niên do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì. Sự kiện trở thành diễn đàn để doanh nghiệp, chuyên gia thảo luận, chia sẻ thông tin tới các nhà hoạch định chính sách, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm.

Quỳnh Chi

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN