Kích hoạt tiềm năng học tập nhờ AI

Quốc Khánh
Theo giới chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ giáo dục, sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang kích hoạt được tiềm năng học tập của hàng triệu học sinh từ khi còn bé và giáo viên cũng nhàn hơn...

Cá nhân hoá học tập bằng AI

Tại toạ đàm "AI và học máy trong giáo dục" trong khuôn khổ Triển lãm Công nghệ giáo dục Việt Nam 2024 ngày 9/8 tại Hà Nội, PGS, TS Nguyễn Chấn Hùng - chuyên gia về AI trong giáo dục cho biết, trước đây, nghề giáo viên rất vất vả vì phải chuẩn bị bài trước khi lên lớp, dạy học xong phải chấm bài. Trong quá trình dạy học khó đánh giá chính xác năng lực của học sinh xem em nào có hứng thú học tập, hay yếu ở đâu.

Theo chuyên gia, hiện nay, ngành giáo dục phần lớn chưa thực hiện được việc cá nhân hoá, mà dạy tất cả các học sinh, sinh viên, học viên với cùng 1 giáo trình, 1 đề thi. Điều này sẽ không hiệu quả vì không phát huy được tài năng thiên bẩm của các em, bởi mỗi em có 1 xu hướng, năng lực khác nhau.


Các chuyên gia tham dự toạ đàm.

Tuy nhiên, hiện nay, với sự xuất hiện AI, bài toán đó đang dần được giải quyết. Sự xuất hiện của AI đã và đang kích hoạt được tiềm năng của hàng triệu học sinh từ khi còn bé. Về mặt chuyên môn, công nghệ AI đã phát triển qua nhiều giai đoạn. Hiện nay, phần lớn mọi người mới biết qua ChatGPT. Trong 2 năm gần đây còn xuất hiện những xu hướng "hot" hơn như Neuroscience, chip cấy vào não. Nhiều thành tựu khác sẽ phổ biến trong vòng 5 - 10 năm tới.

Khi đó, giáo viên sẽ có hệ thống tự động theo dõi học sinh, tự động thông báo học sinh nào yếu về điểm gì. Và cũng hệ thống đó sẽ đóng vai trò trợ giảng, đưa ra những bài tập phù hợp với từng học sinh. Và tất nhiên AI cũng chấm bài tự động cho giáo viên.

"Khi lên lớp, nhiệm vụ của giáo viên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Giáo viên chỉ cần định hướng cho học sinh để thực hiện các dự án, bài tập nhằm phát huy năng lực của học sinh. Còn truyền đạt kiến thức AI sẽ thu lại chỉ còn khoảng 30% thời lượng. Đây là giáo dục thông minh đang hướng đến với việc tích hợp giữa sư phạm với công nghệ", PGS, TS Nguyễn Chấn Hùng cho biết.

Theo Sách trắng EdTech Việt Nam 2024, cá nhân hóa học tập được đánh giá là xu hướng ứng dụng AI lớn trong giáo dục ở Việt Nam.

Đây là một phương pháp giảng dạy và học tập được cá nhân hóa và có thể ứng dụng đại trà với chi phí thấp nhờ công nghệ AI, tập trung vào các yêu cầu học tập riêng biệt của mỗi học sinh. Hiện nay có khoảng hơn 60% các sản phẩm EdTech ở Việt Nam áp dụng công nghệ này.

Theo giới chuyên gia, AI đóng vai trò ngày càng quan trọng, thậm chí được coi là chìa khoá trong việc cá nhân hoá học tập.

TS Tôn Quang Cường - Trưởng khoa Công nghệ giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, trong cuộc sống, gần như mọi thứ đều cá nhân hoá nhưng trong giáo dục hiện nay chưa cá nhân hoá được nhiều.

“Một trong những hướng mà chúng tôi rất suy nghĩ là liệu có thể cá nhân hoá các môn học, có thể làm các AI học phần, AI môn học hẹp để cung cấp cho người học được không? Bằng cách đó chúng ta sẽ hỗ trợ người học toàn diện và hiệu quả. Trong thời gian tới, các khoá học online theo định hướng cá nhân hoá sử dụng AI nên đi theo hướng nào?”, ông Cường nêu.

Đại diện GetCourse cho biết, công ty chưa có ứng dụng AI vào phần mềm. Để bảo đảm khoá học tối ưu nhất cho học viên, Getcourse đưa ra một số giải pháp. Cụ thể, với bài giảng phân loại, sau khi học viên học xong bài giảng phân loại, họ có thể trả lời một số câu hỏi xem mức độ hiểu bài của họ đến đâu. Dựa vào mức độ hiểu bài đó, họ sẽ được tiếp cận bài giảng khác nhau.

"Đương nhiên, với xu hướng AI đang được áp dụng rất nhiều hiện nay, nếu được tích hợp AI, việc phân loại bài giảng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với các nhà đào tạo online. Theo đó, họ có thể đưa học viên đến với những phần kiến thức mà họ thực sự còn nhiều thiếu sót. Còn đối với những học viên nào có lượng kiến thức vừa đủ, cần tăng cường thì có thể gợi ý cho họ những học phần tốt hơn.

Trong tương lai, mục tiêu, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi vẫn là việc tích hợp AI để đem đến cho các nhà đào tạo giáo dục online một khoá học hoàn hảo nhất phục vụ học viên phù hợp nhất", đại diện GetCourse chia sẻ.

Kỳ vọng các sản phẩm giáo dục hiện đại, nhân văn

TS Tô Hồng Nam - Cục phó Cục Công nghệ thông tin phụ trách chuyển đổi số trong giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho rằng, quan điểm của Chính phủ cũng như Bộ GD&ĐT là thúc đẩy ứng dụng AI trong dạy học, kiểm tra, đánh giá; trong quản lý và quản trị nhà trường.


Một gian hàng của doanh nghiệp EdTech tại Triển lãm EdTech Việt Nam 2024.

Câu chuyện đặt ra là cần tận dụng lợi ích mà AI mang lại và hạn chế tối đa mặt tiêu cực có thể xảy ra, chứ không cấm.

Về mặt lợi ích, AI là trợ lý ảo giúp giáo viên dạy nhàn hơn, hiệu quả hơn, đánh giá học sinh chính xác hơn, giúp học sinh được tiếp cận kho kiến thức khổng lồ nhanh nhất, giúp học sinh có thể tự học.

Nhưng ngược lại, việc dùng AI có thể đối diện với những tiêu cực như an toàn thông tin, lệ thuộc vào AI, đạo văn, khó đánh giá xem học sinh có dùng công nghệ để làm bài hay tự làm… Làm sao trong thời gian tới, kể cả cơ quan quản lý Nhà nước, kể cả nhà trường, giáo viên phải xây dựng bộ quy tắc, quy định, hướng dẫn để tận dụng lợi ích của AI và hạn chế tối đa những mặt tiêu cực có thể gây ra cho hoạt động dạy và học bằng AI.

PGS, TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng, việc ứng dụng AI và giáo dục đang đặt ra những thách thức, bao gồm sự lo ngại về việc kìm hãm tư duy sáng tạo hay khả năng cung cấp thông tin sai lệch và chi phí dữ liệu đầu vào cao.

Tuy nhiên, những thách thức này cũng đang mở ra cơ hội để cùng nhau chung tay phát triển các phương pháp tư duy sư phạm, từ tư duy sư phạm dẫn dắt sang tư duy sư phạm tự quyết và đẩy mạnh giáo dục phi truyền thống, tạo ra các hệ thống dạy học thông minh.

Trong môi trường giáo dục, vai trò của AI sẽ không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ giảng dạy mà còn phải mở rộng sang các lĩnh vực quản lý và đào tạo, những ứng dụng của AI trong phân tích học tập, hành vi dạy học, hỗ trợ thiết kế chương trình đào tạo hay quản lý học sinh đang từng bước tạo ra những cải tiến đáng kể.

"Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp EdTech quan tâm nhiều hơn đến lý thuyết nền tảng và ứng dụng nhiều hơn trong các sản phẩm AI của mình. Hy vọng có sự chung tay hợp tác chặt chẽ hơn về chuyên môn giữa các cơ quan nghiên cứu, phát triển về giáo dục và doanh nghiệp EdTech sẽ tạo ra các sản phẩm hiện đại, nhân văn, phục vụ con người nhiều hơn", Phó hiệu trưởng Đại học Giáo dục kỳ vọng.

Nguyệt Minh

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN