Kinh nghiệm của Úc về đổi mới sáng tạo và đề xuất cho Việt Nam

Quốc Khánh
Ngày 27/11/2023, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) đã tổ chức Hội nghị chuyên đề tăng cường hiệu quả của chính sách đổi mới sáng tạo (ĐMST): Kinh nghiệm của Úc và đề xuất cho Việt Nam.

Tham dự Hội nghị có Quyền Tổng Cục trưởng TCĐLCL Hà Minh Hiệp, TS. Phạm Thu Hiền - Chuyên gia Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ “(KH&CN) Úc (CSIRO), cùng đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục TCĐLCL tham gia theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Phát biểu tại Hội nghị, Quyền Tổng Cục trưởng Hà Minh Hiệp cho biết, ĐMST là một vấn đề mới, thực tiễn cho thấy trong công việc hằng ngày của chúng ta mọi hoạt động đều có thể trở thành ĐMST, và nếu biết cách quản lý thì những sản phẩm của ĐMST có thể trở thành giá trị. Theo Tổ chức Tiêu chuẩn hóa thế giới (ISO) hai đặc tính của ĐMST chính là tính mới và tính giá trị. Với định nghĩa như vậy có thể thấy rất nhiều vấn đề được xem là sản phẩm của ĐMST.

Quyền Tổng Cục trưởng Hà Minh Hiệp phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, TS. Phạm Thu Hiền đã có phần trình bày về Chính sách KH,CN&ĐMST hướng đến sự phát triển bền vững - Thách thức trong việc đánh giá. Theo TS. Phạm Thu Hiền, trong năm 2021, Tổ chức nghiên cứu kĩ thuật số hàng đầu Australia (Data61) thuộc CSIRO có xây dựng báo cáo về 6 xu hướng chính của thế giới, trong đó nổi bật không chỉ là vai trò của công nghệ mới mà hàng loạt vấn đề về môi trường, xã hội, chuyển dịch địa chính trị mà thế giới đang phải đối mặt.

Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về tăng trưởng cũng như tác động biến đổi khí hậu tới nền kinh tế các khu vực và khu vực Đông Nam Á cũng như các nước ngoài OECD được cho là chịu tác động lớn nhất về biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó là vấn đề về bất bình đẳng giữa các vùng miền, sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên…

Cần có sự phối kết hợp ở mỗi quốc gia để có thể giải quyết các vấn đề này và chính sách ĐMST là cấu phần quan trọng giúp Chính phủ giải quyết các thách thức.

Ngoài ra, một vấn đề đáng quan tâm hiện nay là cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM) từ phía các thị trường nhập khẩu. Hiện tại Liên minh châu Âu (EU) sẽ chỉ áp dụng CBAM đối với nhập khẩu xi măng, sắt, thép, nhôm, phân bón, điện và hydro. Các nhà nhập khẩu những hàng hóa đó của EU sẽ phải báo cáo về khối lượng nhập khẩu và lượng phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất, nhưng không phải trả bất kỳ khoản phí nào ở giai đoạn này. Các nhà nhập khẩu được yêu cầu thu thập dữ liệu của quý IV-2023 và nộp báo cáo đầu tiên trước ngày 31/1/2024.

EU phân loại hàng hóa thành 2 loại để tính suất phát thải thực tế gồm: Hàng hóa đơn giản và hàng hóa phức tạp. Hàng hóa phức tạp sẽ tính toán cả lượng phát thải của nguyên liệu đầu vào. Như vậy, các doanh nghiệp cần nhận thức rằng, phát thải được tính cho hàng hóa không chỉ đơn giản phát sinh trong quá trình sản xuất, mà còn cả từ nguyên liệu, nghĩa là các doanh nghiệp phải báo cáo chi tiết về hàng hóa đầu vào.

TS. Phạm Thu Hiền - Chuyên gia CSIRO trình bày tại Hội nghị.

Theo các chuyên gia, có thể chia các chính sách ĐMST ra thành 3 cách tiếp cận chính: các chính sách tập trung vào phát triển KH&CN thông qua hoạt động R&D, chính sách phát triển hệ thống ĐMST và chính sách ĐMST chuyển đổi.

Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Theo TS. Phạm Thu Hiền, ở Úc, việc xây dựng các chính sách ĐMST chuyển đổi cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm, tuy nhiên rất nhiều chương trình lớn của Chính phủ cũng bắt đầu đi theo hướng này. Ví dụ như các chương trình hướng tới mục tiêu phát thải bằng 0 đến năm 2050. Bên cạnh đó, Chính phủ Úc luôn tích cực và chủ động trong việc đánh giá các chính sách ĐMST.

Do tính đa dạng của chính sách ĐMST, ngày các nhiều nước quan tâm tới việc kiểm soát đánh giá hiệu quả cũng như thông qua hoạt động đánh giá để đưa ra những giải pháp giải quyết thách thức mà thế giới đang phải đối mặt.

Tại Hội nghị đã diễn ra phần trao đổi, thảo luận, hỏi đáp vấn đề liên quan đến ĐMST trong nước và quốc tế giữa các đơn vị thuộc Tổng cục và các chuyên gia.

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN