Đến dự lễ ra mắt có ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN); ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam; ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; ông Nguyễn Văn Túy, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thanh Hóa; đại diện các cơ quan, tổ chức, các địa phương và các doanh nghiệp KH&CN tỉnh Thanh Hóa.
Thanh Hóa là địa phương có số lượng các doanh nghiệp KH&CN xếp thứ ba cả nước (với 27 doanh nghiệp). Đây là kết quả sự nỗ lực của ngành KH&CN tỉnh Thanh Hóa nhằm tạo động lực tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, phát triển kinh tế - xã hội. Các doanh nghiệp đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, y tế, dịch vụ, công nghệ thông tin.
Trong số các doanh nghiệp KH&CN Thanh Hóa, nhiều doanh nghiệp đã thành lập tổ chức nghiên cứu và phát triển; tập trung đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực KH&CN, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN phục vụ sản xuất và đời sống.
Điển hình là Công ty cổ phần công - nông nghiệp Tiến Nông (doanh nghiệp KH&CN đầu tiên của Thanh Hóa), Công ty TNHH Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn. Các doanh nghiệp đã không ngừng đưa các sản phẩm mới từ kết quả nghiên cứu KH&CN ra thị trường như: Công ty cổ phần Giống cây trồng Thanh Hóa với giống lúa lai 3 dòng Thanh Hoa 1 và giống lúa Thuần Việt 1; Công ty cổ phần công - nông nghiệp Tiến Nông với sản phẩm phân bón N-P-K-Si có hàm lượng si dễ tiêu; Công ty quảng cáo Ánh Dương với hệ thống máy chế bản chân không AD-BBB mạ vàng, bạc, đồng; Công ty TNHH Minh Lộ với các phần mềm ứng dụng sử dụng trong các bệnh viện (phần mềm quản lý bệnh viện MinhLoBVST, phần mềm điều hành hỗ trợ xếp hàng tự động và phân luồng bệnh nhân Minh Lộ QMS, phần mềm kết nối xét nghiệm BVSTLIS...).
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hồng Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp KH&CN Việt Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nghiệp KH&CN Thanh Hóa đánh giá hoạt động và đóng góp của cộng đồng các doanh nghiệp KH&CN tỉnh Thanh Hóa; yêu cầu cần thiết phải có một tổ chúc của các doanh nghiệp ngành KH&CN.
Đây sẽ là đầu mối tư vấn chính sách, ưu đãi đối với các doanh nghiệp KH&CN; thông tin để các doanh nghiệp tiếp cận thị trường, công nghệ và nguồn vốn… Ông Phong nhấn mạnh, doanh nghiệp Tiến Nông chúng tôi ra đời từ năm 1995, khởi đầu chỉ là doanh nghiệp sản xuất phân bón, mục đích hướng đến phục vụ nền nông nghiệp xóa đói, giảm nghèo, giờ đây, sản phẩm của Tiến Nông đã có hàm lượng KH&CN cao đó là “dinh dưỡng cây trồng”. Vì vậy, việc đổi mới, nâng cao năng lực KH&CN là yếu tố tất yếu của mỗi doanh nghiệp. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp KH&CN Thanh Hóa nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm của các cấp chính quyền để Câu lạc bộ ngày càng phát triển.
Dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam đánh giá những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp KH&CN với sự nghiệp phát triển KH&CN, sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa. Mong muốn Câu lạc bộ doanh nghiệp KH&CN Thanh Hóa sẽ là cầu nối tư vấn chính sách, pháp luật cho các doanh nghiệp hội viên và các cơ quan quản lý nhà nước, tăng cường trao đổi thông tin, công nghệ; xây dựng cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa ngày càng phát triển.
Cũng tại buổi lễ, UBND tỉnh Thanh Hóa đã trao ba quyết định công nhận Doanh nghiệp KH&CN của tỉnh Thanh Hóa, nâng số thành viên của Câu lạc bộ doanh nghiệp KH&CN Thanh Hóa thành 30 hội viên.