Toàn cảnh buổi hội thảo. |
Tham dự hội thảo, có Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; lãnh đạo các tỉnh, thành phố thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung. Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thanh Bình; đại diện các sở, ban, ngành; cùng các đơn vị doanh nghiệp.
Thúc đẩy hơn nữa hoạt động đổi mới công nghệ
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh cho biết, thời gian qua Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai một cách hiệu quả và đồng bộ chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ với việc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp nhà nước; xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ. Hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ; kết nối với các nguồn cung công nghệ từ nước ngoài. Hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Đặc biệt là xây dựng và nâng cao chất lượng của hệ thống khoa học và công nghệ. Qua đó, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp - động lực tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh, với vị trí hết sức quan trọng, khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung là một trong những vùng kinh tế được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng.
Chiến lược phát triển vùng được Bộ Chính trị ban hành tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 đã khẳng định, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế biển xanh, kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện thực tế của vùng. Phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phù hợp với điều kiện thực tế của vùng", xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: đầu tư một số trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trung tâm khoa học-công nghệ, đào tạo, chăm sóc sức khỏe... theo quy hoạch; tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh phát biểu tại hội thảo. |
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ mong muốn thông qua hội thảo, các doanh nghiệp tìm ra các giải pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động đổi mới công nghệ, tăng cường phát triển công nghệ công, tăng cường liên kết, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc nắm bắt tiêu chuẩn, kỹ thuật mới, tiếp cận, làm chủ công nghệ mới; nâng cao năng lực tiếp thu và phát triển các thành quả tiến bộ của khoa học và công nghệ toàn cầu.
“Đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận, giảm chi phí, tăng sự hài lòng và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, cũng giúp doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh, tạo ra thị trường mới, thu hút nguồn lực tài trợ của các đối tác, sử dụng hiệu quả nguồn lực, giảm lãng phí, nâng cao uy tín doanh nghiệp”, Thứ trưởng Hoàng Minh nhấn mạnh.
Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các doanh, địa phương
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh đã đề nghị các địa phương trong vùng tăng cường liên kết với các sáng kiến, hoạt động gắn chặt với định hướng phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung; tạo thuận lợi chuyển dịch các nguồn lực, khai thác lợi thế bản địa ở từng địa phương cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo.
Bộ Khoa học và Công nghệ cam kết sẽ luôn đồng hành, ủng hộ Thừa Thiên Huế và các địa phương trong quá trình xây dựng và triển khai các hoạt động để gia tăng hơn nữa đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, của vùng và của đất nước.
Theo Cục Trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ thuộc (Bộ Khoa học và Công nghệ) Phạm Hồng Quất, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung cần liên kết với nhau để xây dựng chiến lược, chương trình hành động, nhằm tối ưu hóa các nguồn lực sẵn có, lựa chọn các hạt nhân để làm đầu mối, hình thành các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo có sự tham gia của khu vực công và tư, khu vực doanh nghiệp, viện, trường.
Đông đảo các đại biểu đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong khu vực cùng các ban, ngành, doanh nghiệp tham dự tại hội thảo. |
“Chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng các tỉnh, thành trong vùng để kết nối vùng. Đặc biệt, kết nối với các tổ chức quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á, Liên hợp quốc, các quỹ đầu tư tài chính xanh, giúp cho vùng có thể kết nối với các chuyên gia về công nghệ, tài chính để phát triển bền vững, phát triển xanh. Đặc biệt là kinh tế tuần hoàn, khai thác lợi thế về du lịch, văn hóa bản địa, công nghệ xanh, kinh tế biển và những lợi thế mà mỗi địa phương trong vùng đang có”, ông Phạm Hồng Quất nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình, khởi nghiệp hay đổi mới sáng tạo là động lực, nguồn lực quan trọng trong phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt trong thế kỷ toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đặc biệt quan tâm, đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
“Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ; cùng với thành phố Đà Nẵng xây dựng mô hình trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia, trở thành trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, là điểm đến thu hút các nguồn lực khởi nghiệp sáng tạo, là nơi để các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước và quốc tế tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư và phát triển theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung thời kỳ 2021-2030”, ông Nguyễn Thanh Bình kỳ vọng.
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe lãnh đạo các đơn vị công nghệ trình bày, trao đổi và chia sẻ một số nội dung về tăng cường hoạt động đổi mới và phát triển công nghệ trong doanh nghiệp Việt Nam; Thừa Thiên Huế đẩy mạnh đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học và công nghệ và thương mại hoá kết quả nghiên cứu để phát triển kinh tế xã hội địa phương; định hướng khai thác các công nghệ thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính phục vụ mục tiêu đạt phát thải ròng về 0 tại Việt Nam (Chương trình Net Zero); tiêu chuẩn hóa, quy chuẩn chất lượng sản phẩm gắn với chuyển đổi số trong doanh nghiệp; một số vấn đề về nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thiên Huế; ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất xe thương mại, du lịch, nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng ô-tô…
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Dương Tuấn Anh cho rằng, thông qua đổi mới công nghệ sản xuất, công nghệ quản lý, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả hơn, tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao chất lượng khâu tiêu thụ sản phẩm và chính sách hậu mãi.
Tuy nhiên, theo ông Dương Tuấn Anh, vẫn có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng đổi mới công nghệ của doanh nghiệp như: loại hình doanh nghiệp; tiềm lực tài chính của doanh nghiệp; tuổi, giới tính của cán bộ nhân viên trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chúng ta cần quan tâm đến các đặc điểm của doanh nghiệp như: Quy mô vốn, quy mô lao động, thời gian hoạt động, mối quan hệ với doanh nghiệp cùng ngành/doanh nghiệp nhà nước, đều có tác động tới quyết định đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Các đại biểu trao đổi, chia sẻ tại hội thảo. |
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiều doanh nghiệp hiện nay đã có những đổi mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận hành để thích ứng với môi trường mới thông qua việc đổi mới công nghệ, tự động hóa hoàn toàn với nội dung cơ bản là tạo ra cấu trúc và sự vận hành mới cho nền sản xuất.
Một thế mạnh hiện nay của tỉnh Thừa Thiên Huế là có chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) của tỉnh xếp thứ 2 vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung và xếp thứ 14 trong toàn quốc. Đây là kết quả đáng mừng, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
CÔNG HẬU - HIẾU MINH