Nghiên cứu thực trạng và giải pháp can thiệp phòng chống bệnh sốt rét cho vùng sốt rét lưu hành nặng có dân di biến động tại Bình Phước và Gia Lai, năm 2016 - 2018

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới bệnh sốt rét (BSR) vẫn còn là vấn đề sức khỏe lớn trên Thế giới cũng như tại Việt Nam. Năm 2017 có 91 Quốc gia và vùng lãnh thổ có sốt rét lưu hành, ước tính khoảng 3 tỷ người có nguy cơ mắc sốt rét. Thống kê cho thấy có 216 triệu trường hợp mắc sốt rét tăng 5 triệu trường hợp so với năm 2015. Xu hướng toàn cầu hóa dẫn đến tình trạng dân di cư từ khu vực này qua khu vực khác cũng gia tăng. Mỗi năm trên Thế giới có khoảng 214 triệu người di cư Quốc tế và khoảng 740 triệu người di cư tại các Quốc gia. Sự phát triển đa dạng của nền kinh tế cũng như phát triển mạnh mẽ của thông tin dẫn đến giao lưu và di chuyển dân cư giữa các khu vực ngày càng gia tăng. Việc giao lưu dân cư giữa các khu vực sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng trong quá trình di dân. Ngày nay, khi xã hội trở thành đa văn hóa, đa sắc tộc, nhóm dân di cư và di biến động đối mặt với việc khó khăn trong quá trình tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tại Việt Nam năm 1991, bệnh sốt rét lan rộng và trở nên trầm trọng trên cả nước với hơn một triệu bệnh nhân sốt rét, 4.646 trường hợp tử vong và 144 vụ dịch sốt rét. Chương trình Quốc gia phòng chống sốt rét được triển khai nhằm mục tiêu giảm mắc, giảm tử vong và giảm dịch sốt rét, qua hơn 20 năm thực hiện thành công, đến năm 2017 cả nước có 8.411 bệnh nhân sốt rét, 6 trường hợp tử vong và không có dịch sốt rét. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn thách thức trong công tác phòng chống sốt rét đó là di biến động dân, sốt rét biên giới và sốt rét kháng thuốc lan rộng. Tại một số vùng, dân di cư thường có tính chất theo mùa, theo thời vụ, di chuyển từ nơi có lưu hành sốt rét nhẹ đến khu vực có lưu hành sốt rét nặng và thường nhạy cảm với bệnh sốt rét. Việc mang mầm bệnh từ vùng sốt rét lưu hành sang các vùng khác, đặc biệt là có thể mang theo ký sinh trùng sốt rét có gen kháng thuốc sẽ gây khó khăn cho công tác phòng chống và loại trừ sốt rét. Bệnh sốt rét vẫn còn diễn biến phức tạp với hơn 12 triệu người sống trong vùng sốt rét lưu hành tập trung chủ yếu ở Miền Trung - Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Trong đó tại 2 tỉnh Gia Lai và Bình Phước sốt rét vẫn lưu hành dai dẳng ảnh hưởng tới sức khỏe của cộng đồng dân cư tại đây, đồng thời có nguy cơ bùng phát dịch và lan truyền mầm bệnh tới các khu vực khác do sự di biến động dân.

Nhằm có thể mô tả thực trạng bệnh sốt rét và yếu tố liên quan ở vùng sốt rét lưu hành có dân di biến động tại Bình Phước và Gia Lai, năm 2017; Xác định một số đặc điểm sinh học phân tử: Loài ký sinh trùng sốt rét, đột biến gen K13 kháng artemisinin trên bệnh nhân nhiễm P. falciparum; Đánh giá kết quả một số biện pháp can thiệp tăng cường phòng chống sốt rét tại vùng dân di biến động và đề xuất mô hình phòng chống dựa vào cộng đồng, nhóm đề tài do TS. Ngô Đức Thắng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương làm chủ nhiệm đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thực trạng và giải pháp can thiệp phòng chống bệnh sốt rét cho vùng sốt rét lưu hành nặng có dân di biến động tại Bình Phước và Gia Lai, năm 2016 - 2018”.

Nghiên cứu được tiến hành tại 2 tỉnh Gia Lai và Bình Phước thuộc vùng SRLH nặng trong giai đoạn 2016-2018, kết quả nghiên cứu cho thấy:

1. Thực trạng bệnh sốt rét và yếu tố liên quan ở vùng sốt rét lưu hành có dân di biến động tại Bình Phước và Gia Lai, năm 2017

- Tỷ lệ hiện mắc ký sinh trùng sốt rét (KSTSR) là 2,04% (41/2008), Đắk Ơ có tỷ lệ nhiễm KSTSR là 5,09% (26/511).

- Tỷ lệ nhiễm KSTSR ở nhóm qua lại biên giới cao gấp 6,54 lần so với nhóm không qua biên giới (11,11% so với 1,88%).

- Tỷ lệ mắc sốt rét ở nhóm dân tộc S tiêng là 3,5% cao hơn so với nhóm dân tộc khác (3,5%/1,11%).

- Có 2,55% người nhiễm KSTSR thuộc nhóm làm việc ở rừng, rẫy, những người làm việc ở trang trại, lâm nghiệp có nguy cơ mắc sốt rét thấp hơn 0,32 lần so với những người làm việc ở rừng, rẫy (0,84%/2,55%).

- Nguy cơ mắc sốt rét ở những người sống trong nhà vách tre nứa cao gấp 4,02 lần so với nhà tường xây.

- Kiến thức phòng chống sốt rét của người dân tại khu vực nghiên cứu còn hạn chế: chỉ có 66,67% người dân biết bệnh sốt rét là do muỗi truyền.

- Tại các điểm nghiên cứu có mặt của 08 loài Anopheles, véc tơ chính truyền bệnh sốt rét tại đây là Anopheles dirus và Anopheles minimus.

2. Đặc điểm sinh học phân tử: Loài ký sinh trùng sốt rét, đột biến gen K13 kháng artemisinin trên bệnh nhân nhiễm P. falciparum

- Đặc điểm thành phần, cơ cấu loài KSTSR:

+ Tại huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước có tỷ lệ nhiễm KSTSR qua điều tra cắt ngang năm 2017 và 2018 là 2,15%, có sự lưu hành 2 loài ký sinh trùng sốt rét là P. falciparum với tỷ lệ là 67,86%, P. vivax với tỷ lệ là 31,14%. 150

+ Tại huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai có tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng sốt rét qua điều tra cắt ngang năm 2017 và 2018 là 1,11%, xác định có sự lưu hành 3 loài ký sinh trùng sốt rét là P. falciparum với tỷ lệ 70%, P. vivax với tỷ lệ 20%, P. malariae với tỷ lệ 10%.

- Quần thể ký sinh trùng sốt rét P. falciparum tại huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước mang kiểu gen đột biến với tỷ lệ rất cao chiếm 97% tại vị trí 580 trên gen K13 xác định kháng artemisinin, kết quả khảo sát 18 vị trí đột biến khác đều mang kiểu gen dại với tỷ lệ 100%.

3. Đánh giá kết quả một số biện pháp can thiệp đề xuất mô hình phòng chống sốt rét

- Tỷ lệ KSTSR sau can thiệp tại 4 xã ở 2 tỉnh giảm 94,60% (0,11%/2,04%).

- Tỷ lệ người trong điều tra biết biết biện pháp kem xua phòng chống sốt rét cao gấp 26,10 lần sau can thiệp (72,88%/2,69%) và tỷ lệ người dân biết muỗi là nguyên nhân gây sốt rét tăng lên 44,26% sau can thiệp (97,35%/67,48%).

Nhóm đề tài kiến nghị, cần có phương pháp truyền thông hiệu quả cho vùng sốt rét lưu hành chủ yếu là người dân tộc sinh sống. Cấp kem xua côn trùng cho những người thường xuyên đi rừng rẫy và ngủ đêm tại rừng rẫy. Quản lý tốt dân di biến động, phòng chống sốt rét cho người dân có nguy cơ cao mắc sốt rét, người đi rừng, ngủ rẫy, người đi làm có tính chất mùa vụ, người giao lưu, qua lại biên giới. Tăng cường giám sát phát hiện sớm, điều trị kịp thời, quản lý bệnh nhân sốt rét, theo dõi chặt chẽ tình hình kháng thuốc và sử dụng phác đồ điều trị chống kháng thuốc. Tập trung giám sát trường hợp bệnh sốt rét và cần thiết thử nghiệm triển khai, đánh giá và thực hiện các mô hình phòng chống sốt rét dựa vào cộng đồng.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 16660/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

P.T.T (NASATI)

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN