Tại hội nghị giao ban khoa học công nghệ vùng Đông Nam Bộ do Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND tỉnh Bình Dương tổ chức sáng 17/11, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã địa phương chia sẻ nhiều ứng dụng tiến bộ công nghệ phục vụ cho nông nghiệp. Theo báo cáo của Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ, giai đoạn 2019 - 2023 các tỉnh Đông Nam Bộ có nhiều ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp.
Ông Đặng Dương Minh Hoàng, chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp số Bình Phước minh hoaj đơn vị đã phối hợp nhà khoa học các trường đại học phát triển một số ứng dụng số phục vụ phát triển nông nghiệp. Nhóm chuyên gia xây dựng phần mềm số hóa vườn cây, hỗ trợ 5 ngôn ngữ khác nhau. Mỗi cây được định danh, cập nhật thông tin hoạt động chăm sóc, bón phân, tưới nước, vận chuyển... giúp truy xuất nguồn gốc.
Ngoài ra, theo ông Hoàng, đơn vị xây dựng hệ thống tưới tự động sử dụng các cảm biến, phân tích đưa ra tín hiệu chuyển đến bộ điều khiển tính toán lượng nước, phân bón phù hợp cho cây. Hợp tác xã phối hợp với nhà nghiên cứu phát triển công nghệ nano-silica, sử dụng tro, trấu giúp tăng cường sự phát triển của cây. Công nghệ máy bay không người lái và mô hình trí tuệ nhân tạo được ứng dụng giúp phát hiện, đánh giá về xuất hướng chữa trị bệnh cho cây.
Ông Đỗ Văn Long, Giám đốc Vietnam Blockchain, cho biết sau 7 năm hoạt động, đơn vị kết hợp với 30 đại học triển khai công nghệ blockchain tới các địa phương thông qua các dự án xây dựng giấy chứng nhận, hồ sơ, bệnh án điện tử, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, hàng hóa... Đã có hơn 800 sản phẩm truy xuất, với 10 triệu tem blockchain được kích hoạt. Mỗi công đoạn đều có chữ ký điện tử để sản phẩm minh bạch hóa, giúp người dân có thông tin sản phẩm mình mua với độ xác thực cao. "Nhờ ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cao hơn khi mua sản phẩm", ông Long nói.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hình thành các vùng chuyên canh, triển khai các mô hình nông nghiệp đạt chuẩn VietGAP... Địa phương, quy hoạch trồng tập trung 4.500 ha, gồm 5 loại cây ăn quả chủ lực: nhãn xuồng cơm vàng, bưởi, chôm chôm, mãng cầu và quýt. Đến nay, nhãn xuồng cơm vàng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý.
Tỉnh Bình Thuận xây dựng ba mô hình sản xuất thanh long đạt tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu với tổng diện tích đạt 80 ha và xây dựng thành công 15 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ thanh long hữu cơ. Thông qua nhiệm vụ đã góp phần tạo ra sản phẩm quả thanh long có giá trị kinh tế cao. Điều này giúp tỉnh xây dựng được các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ tạo tiền đề phát triển ngành hàng thanh long Bình Thuận.
Tỉnh Bình Phước xây dựng dự án ứng dụng mô hình cải tạo đàn dê nhằm nâng cao sức sản xuất, thực hiện chuỗi liên kết tại thị xã Bình Long. Dự án triển khai với 10 hộ được thụ hưởng với mô hình cải tạo đàn dê cho năng suất, chất lượng cao hơn bằng phương pháp dùng dê đực Boer lai với cái Bách Thảo, dê đực Boer lai với dê cái địa phương. Đã có 407 con dê con được sinh ra có năng suất cao hơn 15-20% so với dê ngoài dự án, thu nhập của người nông dân tăng 20%.
Trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao đang dần phát triển với các doanh nghiệp tập trung nhiều ở TP HCM với hạt nhân là Khu công nghệ cao, tạo ra giá trị sản xuất lũy kế 120 tỷ USD tính đến cuối năm 2022. Vùng Đông Nam Bộ đã hình hành một số doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tại hội nghị giao ban, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định đánh giá cao các địa phương khu vực Đông Nam Bộ trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư đổi mới công nghệ, nhóm ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao và trung bình tăng bình quân khoảng 10% mỗi năm. Ông đánh giá sự tăng trưởng này phản ánh quá trình cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng phát triển các ngành công nghệ cao, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, ông Định đánh giá trình độ công nghệ các địa phương trong vùng còn thấp, hoạt động đổi mới công nghệ chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, chưa tương xứng với tiềm năng của vùng. Ông mong muốn thời gian tới các địa phương tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học công nghệ, gắn kết doanh nghiệp với khối viện trường chuyển hóa các nghiên cứu thành sản phẩm hàng hóa. Ngành khoa học công nghệ cần thu hút đội ngũ nhà nghiên cứu tài năng trong và ngoài nước hợp tác, hỗ trợ giải các bài toán thách thức của vùng.
Đông Nam Bộ là khu vực kinh tế lớn nhất cả nước với diện tích 23 nghìn km2, dân số khoảng 18 triệu người, GRDP chiếm khoảng 31%, xuất khẩu đóng góp 35%, thu ngân sách 38% cả nước. Thu nhập bình quân đầu người cao gấp 1,64 lần cả nước, tỷ lệ đô thị hóa hơn 66%, bằng một 1,8 lần trung bình cả nước.