'Nhiều trí thức khoa học công nghệ rời khu vực công'

Quốc Khánh
Làm việc với các tổ chức khoa học công nghệ công lập, Bộ Khoa học và Công nghệ ghi nhận một lượng lớn trí thức rời khu vực công sang làm việc tại doanh nghiệp.

Thông tin được Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nói tại hội thảo "Chính sách thu hút trí thức khoa học công nghệ trong bối cảnh mới" do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Thành ủy, Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức sáng 24/2. "Thực tế, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã thu hút và đãi ngộ nhà khoa học tốt hơn nhiều so với khu vực nhà nước. Điều này gây khó khăn cho các đơn vị nghiên cứu khu vực công", Bộ trưởng nói.

anh-hoi-thao-1-jpg-9717-167722-8012-5706-1677224811-1677256606.jpg
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị tổ chức tại Thành ủy TP HCM sáng 24/2. Ảnh: Hà An

Nhìn nhận tổng thể, ông cho rằng doanh nghiệp có chính sách đãi ngộ, thu hút trí thức phục vụ sản xuất là tốt. Tuy nhiên, khu vực công nếu không có kế hoạch, chế độ thu nhập phù hợp để giữ chân nhà khoa học, sẽ dẫn đến nguy cơ mất cân đối chung cho việc phát triển các công nghệ ưu tiên, làm nền tảng cho khoa học công nghệ quốc gia.

Thực tế, nhà khoa học khối tư nhân khi vào làm việc ở cơ quan nhà nước phải bắt đầu ở mức khởi điểm và không được kế thừa các điều kiện đãi ngộ như khi họ ở doanh nghiệp. Người đứng đầu ngành khoa học công nghệ nhìn nhận, việc xây dựng chính sách cho trí thức nói chung và trí thức khoa học công nghệ nói riêng rất khó, do sự không đồng bộ về hệ thống luật pháp, mức đãi ngộ theo các quy định hiện hành chưa thật hấp dẫn, không theo kịp tốc độ phát triển kinh tế, xã hội.

"Chúng tôi đang hoàn thiện hai đề án về thu hút trí thức và quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học công nghệ, cùng với cơ chế thử nghiệm chính sách theo mô hình sandbox, tiếp thu ý kiến các cơ quan, chuyên gia nhà khoa học để trình Chính phủ trong thời gian tới", ông Đạt nói.

Đề xuất cơ chế thu hút nhân tài, GS Võ Văn Tới (chuyên gia y sinh Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM) cho rằng, cơ quan nhà nước cần tạo ra một mô hình "ốc đảo" thử nghiệm các chính sách mới nhưng không bị gò bó bởi hệ thống luật pháp. Khi thực hiện hiệu quả, có thể đánh giá và nhân rộng, còn thất bại tính hậu quả sẽ không lớn. Ông cho rằng, để làm được mô hình này, cần người lãnh đạo có tâm, tức luôn đặt lợi ích chung lên trên, giúp đỡ cấp dưới và không sợ người khác hơn mình. Lãnh đạo cũng cần người có tầm, mạnh dạn áp dụng chính sách chưa ai làm, trên cơ sở nghiên cứu kỹ hệ thống luật pháp hiện tại để thực hiện.

"Tôi cho rằng khi thực hiện chính sách thử nghiệm cần tư duy theo hướng làm những điều pháp luật không cấm, còn nếu nghĩ làm những gì pháp luật cho phép và ở trong vùng an toàn thì rất khó thực hiện mô hình này", GS Tới nói.

anh-hoi-thao-2-jpg-2779-167722-8908-2292-1677224052-1677256622.jpg
GS Võ Văn Tới nêu kiến nghị chính sách thu hút trí thức khoa học công nghệ tại hội nghị. Ảnh: Hà An

Theo PGS.TS Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội, một khảo sát cho thấy yếu tố đầu tiên để trí thức gắn bó với cơ quan nhà nước là môi trường làm việc, cơ chế quản lý, sự dân chủ trong cơ quan, cơ sở vật chất. Tiếp đến là khả năng phát triển bản thân theo chuyên môn của họ. Sau đó mới là chế độ chính sách xứng đáng và cuối cùng là tương lai phát triển gia đình họ. "So sánh những điều điều kiện này với thực tế triển khai vẫn có khoảng cách lớn, nên cần có chính sách sát với thực tế", ông Bình đề xuất.

Theo một khảo sát trên 20.000 sinh viên Đại học Quốc gia TP HCM, chỉ có 10,2% sinh viên xuất sắc, 5,7% sinh viên khá, 7,7% sinh viên trung bình muốn làm việc tại cơ quan nhà nước. Khảo sát cũng nghi nhận có khoảng 15,6% sinh viên muốn được làm việc cho các cơ quan trung ương tại Hà Nội trong khi tỷ lệ muốn ở lại TP HCM là 44,8%.

Báo cáo của Sở Nội vụ TP HCM mới đây cho thấy, thành phố không thu hút được sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ nào về làm việc từ năm 2018 đến nay theo Nghị định 140 năm 2017 của Chính phủ. Lý do, ngoài việc sinh viên muốn ưu tiên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, chưa quan tâm đến làm việc cho cơ quan nhà nước, thành phố còn khó cạnh tranh với các tổ chức tư nhân về về thu nhập, cơ hội thăng tiến.

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN