Nguyễn Thanh Bình
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang
Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương thăm gian trưng bày các sản phẩm được ứng dụng tiến bộ KH&CN tại Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình Nông thôn miền núi giai đoạn 2016-2020.
Trong thời gian qua, các chương trình, đề tài, dự án KH&CN được triển khai tại Bắc Giang đã bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, khai thác lợi thế đặc thù của từng vùng sinh thái.
Các kết quả nghiên cứu khoa học xã hội đã góp phần đưa các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống và tiếp tục làm rõ hơn cơ sở khoa học phục vụ công tác quản lý của các sở, ban, ngành trong tỉnh, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang. Đặc biệt, một số nhiệm vụ điển hình như kết quả của đề tài cấp quốc gia về bảo tồn, phát huy giá trị di sản Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà, đã tạo ra cơ sở khoa học cho việc định hướng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Mộc bản của quốc gia; nghiên cứu bảo tồn bài trí linh vật trên di tích lịch sử văn hóa tỉnh Bắc Giang, góp phần đề xuất các giải pháp bảo tồn, bảo đảm yếu tố văn hóa thuần Việt trên di tích lịch sử văn hóa tỉnh Bắc Giang…
Trong lĩnh vực công nghiệp, tài nguyên và môi trường, tỉnh Bắc Giang đã triển khai các đề tài, dự án KH&CN cấp quốc gia, cấp tỉnh liên quan đến biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường như: sản xuất gạch bê tông xi măng cốt liệu từ nguồn tro, xỉ sẵn có; xây dựng phần mềm trực tuyến quản lý và sử dụng đất nông nghiệp; xây dựng hệ thống thông tin đất đai trực tuyến phục vụ quản lý đất đai; ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS nghiên cứu vật liệu cháy trong các kiểu rừng phục vụ công tác phòng chống cháy rừng; ứng dụng chế phẩm nano thảo mộc (từ củ nghệ) phòng bệnh thán thư trên cây vải... Các đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng KH&CN phục vụ bảo vệ môi trường đã đóng góp quan trọng phục vụ công tác quản lý, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của tỉnh. Một số đề tài trong lĩnh vực này cũng góp phần cung cấp luận cứ khoa học nhằm xây dựng, triển khai các mô hình, giải pháp quản lý và bảo vệ môi trường, bảo tồn nguồn gen và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian qua, Bắc Giang đã hợp tác, liên kết với các trường đại học, các viện và cơ quan nghiên cứu thuộc Trung ương trong lĩnh vực nông nghiệp. Thông qua đó, các nhiệm vụ đã chuyển giao cho tỉnh Bắc Giang nhiều bộ giống và tiến bộ kỹ thuật mới như: giống nhãn chín muộn PHM99-1.1, bưởi đỏ Hòa Bình, ổi OĐL1; kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trong nhà lưới công nghệ cao; sản xuất lúa, gạo chất lượng cao; chăn nuôi gà lai hướng trứng HA theo chuỗi giá trị; chăn nuôi bò thịt lai Blanc-Bleu-Belge thương phẩm; nghiên cứu, chuyển giao các giống lạc đỏ, lạc đen CNC1, lạc đen Đài Loan; cam V2, CS1; sản xuất khoai tây Melanto, Atrice nhập khẩu từ Hà Lan, khoai tây Nicola nhập khẩu từ Pháp; dưa lê Hàn Quốc (giống Super 007 Honey); gà đồi Yên Thế; lợn sạch Tân Yên; miến dong Sơn Động; chè Yên Thế; cây Ba kích, sâm nam núi Dành… Kết quả nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN trong nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang đã góp phần phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao; tăng năng suất, chất lượng, giá trị/đơn vị diện tích; từ đó hình thành mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ. Các đề tài/dự án trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đã lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia về tam nông, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực.
Trong lĩnh vực y, dược, tỉnh Bắc Giang đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh; nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp điều trị bệnh kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền. Nhiều hoạt động đã thu được kết quả tốt như: phát triển danh mục kỹ thuật trong khám, chữa bệnh; thực hiện điều trị dựa vào sự hỗ trợ của các trang thiết bị, máy móc hiện đại (xét nghiệm huyết học, sinh hóa, vi sinh, chẩn đoán hình ảnh...); nghiên cứu đánh giá phòng bệnh viêm não Nhật Bản bằng văc xin; nghiên cứu xác định một số căn nguyên vi rút gây hội chứng sốt phát ban; nghiên cứu về thực trạng sử dụng một số thuốc bảo vệ thực vật thường dùng tác động tới chất lượng môi trường và sức khỏe người dân vùng trồng cây ăn quả huyện Lục Ngạn; xây dựng và phát triển mô hình quản lý sức khỏe ở cộng đồng; trồng, chế biến và nhân rộng mô hình dược liệu có giá trị của tỉnh; sản xuất và thử nghiệm các sản phẩm thuốc y học cổ truyền trong việc hỗ trợ điều trị một số bệnh (đinh lăng, nghệ, sâm nam núi Dành, cát sâm, ba kích, cà gai leo); đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hồ sơ, bệnh án điện tử và công tác chẩn đoán, khám chữa bệnh ở các tuyến y tế cơ sở…, góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, phục vụ các mục tiêu y tế của quốc gia, của tỉnh.
Kiểm tra thực tế mô hình sử dụng chế phẩm nano thảo mộc để phòng bệnh thán thư trên cây vải thiều.
Trong thời gian tới, Bắc Giang phấn đấu nâng cao chất lượng và hiệu quả các nhiệm vụ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tỉnh cũng đặt mục tiêu từ năm 2023, tăng các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh do các sở, ngành, địa phương đặt hàng; 100% nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh được tổ chức tuyển chọn; thực hiện khoán chi từng phần, tiến tới khoán chi đến sản phẩm cuối cùng.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Bắc Giang sẽ chú trọng một số giải pháp cụ thể: tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nâng cao chất lượng đề xuất nhiệm vụ KH&CN, đảm bảo đúng định hướng nghiên cứu, đáp ứng nhu cầu thực tiễn ở cơ sở; tổ chức đối thoại với các cơ quan chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, cá nhân đề xuất, cơ quan nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và hội đồng KH&CN cơ sở trong đề xuất nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, cấp quốc gia nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả, gắn với yêu cầu phát triển của địa phương; triển khai có hiệu quả Kế hoạch Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu - ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh; định kỳ tổ chức Hội thi Tìm kiếm ý tưởng trong nghiên cứu khoa học để thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học, lựa chọn những ý tưởng tốt phát triển thành các nhiệm vụ KH&CN; nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng KH&CN các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở nhằm phát huy vai trò định hướng, tư vấn, là hạt nhân phát triển hoạt động KH&CN từ cơ sở; thành lập các câu lạc bộ KH&CN trong các đơn vị để giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm…