Những nỗ lực để xây dựng năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Trung Quốc

Năm 2021, trong khi nhiều quốc gia đang đối đầu với làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới, thì Trung Quốc dường như đang hướng tới một năm tăng trưởng kinh tế vững chắc với mục tiêu tăng trưởng GDP 6%. Trung Quốc đã dựa vào năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vững chắc ngay cả trong thời kỳ đại dịch.

Trung Quốc trong năm 2021 với nhiều thành tựu và thách thức. Nước này vừa bắt đầu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 14 (2021-2025), với những điều chỉnh đáng kể đối với quỹ đạo phát triển của họ. Trung Quốc cũng đang tăng gấp đôi cam kết đối với nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ như một phương tiện để đương đầu với những thách thức. Họ cũng đã đưa ra một kế hoạch trung và dài hạn mới về phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) nhằm đảm bảo vị thế của Trung Quốc trong các ngành công nghiệp của tương lai và mang đến các giải pháp công nghệ mới cho các vấn đề xã hội lớn. Trung Quốc đang đứng thứ 14 về Chỉ số đôiỉ mới sáng tạo toàn cầu (GII) sau nhiều năm liền liên tục tăng hạng. Nước này cũng đã đạt mức đầu tư 2,4% GDP cho nghiên cứu và phát triển trong năm 2020. Tuy nhiên, để có những kết quả như vậy, Trung Quốc đã có những nỗ lực từ lâu trong quá khứ và cho tới ngày nay họ đang phát triển đất nước dựa vào ĐMST.

Những nỗ lực trong quá khứ

Trung Quốc đã dành vài thập kỷ để xây dựng năng lực về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, và hiện đang có sự hội tụ của tài năng, cơ sở vật chất và nguồn tài trợ hào phóng có thể hướng đến việc thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 và hơn thế nữa.

Trung Quốc đang phát triển đất nước dựa trên ĐMST, được xây dựng dựa trên nhiều thập kỷ nỗ lực nâng cấp công nghệ thông qua chuyển giao công nghệ quốc tế và hiện đại hóa hệ thống phục vụ nghiên cứu và phát triển (R&D) trong nước. Một nỗ lực chính hỗ trợ cho định hướng phát triển này là “Kế hoạch trung và dài hạn cho sự phát triển khoa học và công nghệ 2005-2020” (MLP) vào năm 2006, một nền tảng quan trọng để đưa ra các chính sách “Phát triển dựa trên ĐMST”. MLP đã thúc đẩy ý tưởng “ĐMST bản địa” và cung cấp một loạt các dự án R&D lớn nhằm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài thông qua hỗ trợ mở rộng cho nghiên cứu và ĐMST trong nước. MLP bao gồm một loạt các “siêu dự án” công nghệ: Linh kiện điện tử cốt lõi; Chip gốc cao cấp (High-end generic chips); Phần mềm cơ bản; Công nghệ sản xuất vi mạch; Viễn thông không dây thế hệ tiếp theo; Máy móc và công nghệ sản xuất được điều khiển bằng kỹ thuật số tiên tiến; Thăm dò dầu khí quy mô lớn; Lò phản ứng hạt nhân tiên tiến; Kiểm soát và xử lý ô nhiễm nước; Sinh vật biến đổi gen; Đổi mới sáng tạo và phát triển thuốc; Kiểm soát dịch bệnh chính; Máy bay lớn; Hệ thống quan sát độ nét cao, và Hàng không vũ trụ có người lái và thám hiểm mặt trăng.

Các dự án khoa học lớn (Megaprojects) bao gồm khoa học protein, nghiên cứu lượng tử, công nghệ nano và “sinh học phát triển và sinh sản”. Trong 15 năm, các kế hoạch và dự án quốc gia mới đã được đưa ra bao gồm chương trình “Các ngành công nghiệp mới nổi chiến lược” và “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025” trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội lần thứ 13. Trong khi một số siêu dự án gây thất vọng (đặc biệt là về mạch tích hợp, máy bay lớn), người ta có thể thấy rằng nhiều lĩnh vực mà các thành tựu của Trung Quốc hiện đang thu hút sự chú ý (ví dụ như 5G, nghiên cứu lượng tử) được hỗ trợ từ MLP và các chương trình tiếp theo. Do đó, Trung Quốc bắt đầu giai đoạn Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 khi đã đạt được những thành tựu xuất sắc trong: Điện thoại 5G; Điện toán nâng cao; Trí tuệ nhân tạo; Nghiên cứu não bộ; Chất xúc tác và công nghệ hóa học; Tế bào nhiên liệu; Khoa học sự sống/công nghệ sinh học; Khám phá không gian có người lái; Khoa học vật liệu/công nghệ nano; Toán học; Vật lý; Hóa học đất hiếm, và Internet.

Hệ thống ĐMST hiện tại của Trung Quốc đã có nhiều thập kỷ cải cách. Trung Quốc bước vào những năm 1980 với các hệ thống nghiên cứu và ĐMST rõ ràng không phù hợp để đáp ứng kỳ vọng quốc gia và để bắt kịp các tiến bộ KH&CN trên thế giới. Do đó, họ đã bắt đầu một quá trình liên tục cải cách nghiên cứu, giáo dục đại học và các thể chế kinh tế nói chung vẫn tiếp tục cho đến nay. Mặc dù kinh nghiệm cải cách này đã tạo ra những thay đổi cơ bản trong cách Trung Quốc tiếp cận nghiên cứu và ĐMST, nhưng nước này đã không giải quyết được một số vấn đề lâu dài và trong một số trường hợp đã tạo ra những vấn đề mới - cải cách đã tạo ra những vấn đề đòi hỏi phải cải cách thêm. Do đó, những nỗ lực khai thác KH&CN để giải quyết các vấn đề đã xác định ở trên đòi hỏi một chương trình cải cách mới, đặc biệt là đối với: Việc quản lý các quỹ nghiên cứu; Tìm kiếm sự cân bằng phù hợp giữa các lực lượng thị trường và chính sách của nhà nước trong việc thúc đẩy ĐMST; Làm rõ vai trò của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong hệ thống ĐMST quốc gia; Hội nhập với KH&CN thế giới với khả năng tự lực cao hơn.

Những nỗ lực mới trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 14

Hai chủ đề chính của Kế hoạch là “kích thích và tái cơ cấu nền kinh tế trong nước” và nhấn mạnh hơn sự “phát triển dựa trên ĐMST”. Phát triển dựa trên ĐMST không chỉ nhằm mục đích đưa sản phẩm của Trung Quốc lên mức độ tinh vi và giá trị gia tăng cao hơn (cho cả xuất khẩu và tiêu dùng nội địa), mà còn nhằm tăng cường một hệ sinh thái rộng lớn hơn cho ĐMST để củng cố các mục tiêu “lưu thông kép” (lưu thông trong nước và quốc tế) và cho phép Trung Quốc “đi tắt đón đầu” vào các vị trí lãnh đạo trong các ngành công nghiệp dựa trên ĐMST của tương lai.

Kế hoạch lần thứ 14 nhấn mạnh đến thúc đẩy các lĩnh vực then chốt về KH&CN mang tầm chiến lược quốc gia: Trí tuệ nhân tạo (AI) thế hệ mới; truyền thông lượng tử; mạch tích hợp; khoa học về não bộ và nghiên cứu về não bộ; gen và công nghệ sinh học; y học lâm sàng và sức khỏe; khám phá không gian sâu, lòng đất sâu, biển sâu và vùng cực; an ninh mạng quốc gia; dữ liệu lớn; sản xuất thông minh và người máy.

Khi Trung Quốc cố gắng xây dựng các chính sách KHCN&ĐMST mới cho Kế hoạch 14 và hơn thế nữa, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc được hướng dẫn bởi một số cân nhắc chính:

Đột phá về KH&CN

Đầu tiên trong số đó là thách thức giành được vị trí dẫn đầu trong các lĩnh vực KH&CN tiên tiến, chẳng hạn như những lĩnh vực đã nêu ở trên. Thành công trong các lĩnh vực này đòi hỏi phải tăng chi tiêu cho R&D - có thể lên 3% GDP từ mức khoảng 2,18% vào năm 2018 - và xem lại các phương pháp quản lý đã phục vụ tốt cho Trung Quốc trong việc bắt kịp hoặc tiếp cận trình độ quốc tế. Trọng tâm mới về nghiên cứu cơ bản đòi hỏi chấp nhận rủi ro, chấp nhận thất bại, sẵn sàng chấp nhận thời gian dài để đánh giá sự thành công của một dự án và tính linh hoạt trong việc tiếp cận liên ngành và hợp tác liên cơ quan. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nhận thấy sự cần thiết phải tập trung vào một hệ sinh thái nghiên cứu và ĐMST rộng lớn, kết hợp các cách tiếp cận mới đối với thể chế và chính sách, và những thay đổi trong văn hóa nghiên cứu.

Các vấn đề xã hội gây bức xúc

Vấn đề thứ hai là nhu cầu sử dụng các nguồn lực KH&CN để giải quyết các vấn đề xã hội. Ví dụ, trong các lĩnh vực y học và sức khỏe cộng đồng, các điểm nhấn sẽ được đặt vào khoa học não bộ (bao gồm nghiên cứu về các bệnh thoái hóa thần kinh ảnh hưởng đến người già) và sức khỏe cộng đồng và các ứng dụng y tế của AI, bao gồm cả việc phát triển các loại thuốc mới, và phòng ngừa và điều trị các bệnh nghiêm trọng. Nghiên cứu nông nghiệp sẽ tập trung vào cải tiến cây trồng và ngành tạo giống, một phần do lo ngại rằng nguồn hạt giống của Trung Quốc phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ nước ngoài.

Nhu cầu giải quyết các vấn đề về suy thoái môi trường sẽ được giải quyết bằng các dự án mới tập trung vào ô nhiễm nước, quản lý môi trường và các phương pháp tiếp cận các vấn đề khí hậu toàn cầu. Hồ sơ năng lượng của Trung Quốc là trọng tâm của cả biến đổi khí hậu cũng như đối với nền kinh tế và môi trường trong nước. Việc họ phụ thuộc nhiều vào than dẫn đến kêu gọi R&D liên tục về công nghệ than sạch và sự chú ý ngày càng tăng đối với các nguồn năng lượng sạch, điều này đòi hỏi phải nỗ lực hơn nữa trong việc áp dụng AI và các công nghệ khác để phát triển lưới điện thông minh.

Cải cách

Như đã đề cập ở trên, nhu cầu cải cách thể chế liên tục sẽ tập trung sự chú ý vào cơ sở hạ tầng thể chế cho nghiên cứu và ĐMST. Hệ thống nghiên cứu của Trung Quốc bao gồm một tập hợp rộng lớn các tổ chức liên quan đến KG&CN. Trong bốn thập kỷ qua, chúng đã được cải cách và bổ sung để đáp ứng nhu cầu hiện tại. Tuy nhiên, trong tương lai, nhiều loại tổ chức trong số này có thể không phù hợp với “Phát triển dựa trên ĐMST”. Ví dụ, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần kêu gọi thành lập “các phòng thí nghiệm quốc gia” đa ngành, nhưng tiến độ đã bị chậm lại một phần, vì sự tồn tại của các cơ sở khoa học lớn có thể được coi là phòng thí nghiệm quốc gia, một hệ thống rộng lớn của các viện trong Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS), hàng trăm phòng thí nghiệm trọng điểm của nhà nước và các trung tâm nghiên cứu kỹ thuật, mà một vài trong số đó giống như các phòng thí nghiệm quốc gia. Tuy nhiên, các tổ chức kế thừa này, ngay cả khi chúng đang hoạt động ở tầm cỡ thế giới, hoặc gần tầm cỡ thế giới, có xu hướng tập trung vào chuyên ngành hơn là các trung tâm đa ngành phù hợp để đáp ứng các sứ mệnh quốc gia mới. Ngoài ra, có rất nhiều khu công nghệ cao cấp quốc gia và địa phương, vườn ươm, v.v... thúc đẩy các hoạt động thương mại hóa nhưng không nhất thiết phải liên kết với các trung tâm nghiên cứu tiên tiến. Do đó, Trung Quốc đã phải xem xét lại việc tạo ra các nền tảng hiện đại hóa để ĐMST tập trung vào các nhu cầu quan trọng của quốc gia.

Nghiên cứu theo địa lý

Khi Trung Quốc xem xét lại các tổ chức và nền tảng KHCN&ĐMST của mình, họ ngày càng chú ý đến việc phân bổ không gian của các hoạt động nghiên cứu và ĐMST. Các tỉnh của Trung Quốc, đặc biệt là các tỉnh phía Đông giàu có, đã trở thành những nơi đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của hệ thống ĐMST quốc gia, với chính quyền các tỉnh và thành phố trở thành những nhà cung cấp tài chính quan trọng cho nghiên cứu và cơ sở hạ tầng KH&CN (đất đai, cơ sở vật chất, v.v...). Khi các hoạt động này được mở rộng, thì có gia tăng các lựa chọn về hợp tác tổ chức và hiệp lực vượt qua ranh giới chính trị và hành chính. Do đó, có sự quan tâm ngày cành tăng đến hợp tác khu vực trong việc xây dựng các hệ thống ĐMST địa phương. Sự phối hợp và phát triển khu vực ở Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc, Đồng bằng sông Dương Tử và các khu vực Quảng Đông-Hồng Kông-Ma Cao đã nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Liên kết nghiên cứu - người dùng

Một vấn đề lâu dài của hệ thống ĐMST của Trung Quốc, được cải thiện một phần bởi những cải cách trong quá khứ, là không đảm bảo việc chuyển giao hiệu quả các kết quả nghiên cứu thành các sản phẩm thương mại, hay nói chung là kết nối hiệu quả hơn giữa các nhà nghiên cứu và người sử dụng. Những nỗ lực nhằm tạo ra những kết nối này đã được tiến hành từ những năm 1980 và dần dần đã cho thấy một số kết quả. Tiến bộ có được nhờ thị trường hóa nền kinh tế dần dần và tạo ra động lực thúc đẩy các doanh nghiệp ĐMST, sự gia tăng đáng kể chi tiêu cho R&D của doanh nghiệp và bổ sung nhân lực nghiên cứu cho lực lượng lao động, thành lập các khu công nghệ cao, các cơ sở ươm tạo, v.v... và việc ban hành các luật và chính sách thuận lợi (bao gồm cả việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ), và các chương trình tài trợ mới bao gồm các cơ chế đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ các hoạt động ĐMST trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, các vấn đề vẫn còn, ví dụ, các doanh nghiệp thường thích mua các công nghệ đã được kiểm chứng từ nước ngoài thay vì làm việc với hệ thống R&D trong nước. Văn hóa nghiên cứu của Trung Quốc trong lịch sử có tính chất học thuật hơn là định hướng thương mại và các trường đại học cũng như viện nghiên cứu thường thiếu các cơ chế thể chế để chuyển giao công nghệ hiệu quả.

Các vấn đề hợp tác quốc tế

Mối quan tâm cuối cùng trong việc chuẩn bị cho Kế hoạch 14 và hơn thế nữa là tìm ra chiến lược phù hợp để hợp tác quốc tế và tham gia vào cộng đồng kỹ thuật quốc tế. Trong suốt thời kỳ đổi mới, Trung Quốc đã triển khai các chiến lược khai thác nhiều nguồn lực KH&CN trong môi trường quốc tế, và đã thu được nhiều lợi ích từ việc chuyển giao công nghệ quốc tế bằng cách này hay cách khác, và từ việc tiếp cận đào tạo và hợp tác nghiên cứu với các trường đại học hàng đầu thế giới. Trong quá trình này, Trung Quốc đã có sự lớn mạnh về đội ngũ các nhà khoa học và kỹ sư có khả năng hiểu biết và làm việc tại các cơ sở nghiên cứu hàng đầu thế giới. Trung Quốc cũng đã học được rất nhiều về các thông lệ quốc tế tốt nhất cho các chính sách KHCN&ĐMST, mô hình thể chế và quản lý ĐMST, tất cả đều đã được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của Trung Quốc và góp phần thúc đẩy tiến bộ KH&CN của Trung Quốc.

Sự xấu đi trong mối quan hệ với Hoa Kỳ cũng liên quan đến các vấn đề KH&CN. Mặc dù những lo ngại về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thường được coi là trọng tâm trong các mối quan tâm của Hoa Kỳ, nhưng tiến bộ tổng thể về KH&CN của Trung Quốc được Hoa Kỳ và các nước OECD khác ngày càng coi là mối đe dọa cạnh tranh kinh tế cơ bản hơn và mối quan tâm về an ninh quốc gia. Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tạo ra một quân đội công nghệ cao thông qua các chính sách “hợp nhất quân sự-dân sự” làm tăng thêm những lo ngại này. Do đó, Hoa Kỳ dưới thời chính quyền Trump đã đưa ra những hạn chế nghiêm trọng đối với việc Trung Quốc tiếp cận các công nghệ quan trọng và đưa ra cảnh báo với các trường đại học Hoa Kỳ về sự nguy hiểm của việc chuyển giao kiến ​​thức trong các lĩnh vực nhạy cảm. Các lo ngại của Hoa Kỳ cũng khiến châu Âu, Úc và các khu vực của châu Á cũng lo ngại theo.

Trong khi việc khai thác các lợi ích từ hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN đang ngày càng gặp nhiều thách thức do các lo ngại trên, kết hợp với việc Trung Quốc không muốn lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ, nên họ đã tăng cường khả năng tự lực thông qua các nỗ lực nghiên cứu và ĐMST nội sinh và củng cố lòng tự tin của quốc gia trong việc hướng tới các mục tiêu của “Phát triển dựa trên ĐMST”. Mặc dù Trung Quốc có những tuyên bố chính sách ủng hộ hợp tác quốc tế, nhưng họ cũng đang có những chính sách phản ánh ý thức an ninh quốc gia ngày càng tăng, thậm chí nhiều mặt trái ngược với tinh thần quốc tế.

Thách thức - thực sự là khủng hoảng - từ việc bị từ chối tiếp cận công nghệ của Hoa Kỳ được coi là cơ hội để nước này khắc phục các vấn đề với hệ thống ĐMST quốc gia theo cách mà các cải cách trước đây đã không làm được.

P.A.T (NASATI), theo STI Policy in the Age of COVID: The Chinese Case, ASIAN RESEARCH POLICY ISSUE 11 - vista.gov.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN