Nông nghiệp sáng tạo cho phát triển xanh và bền vững

Quốc Khánh
Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thay đổi quy trình sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, nâng cao chất lượng, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, thay đổi quản trị sản xuất bằng nông nghiệp số để tiếp cận các tiêu chuẩn của thế giới, đồng thời góp phần gia tăng giá trị sản phẩm là xu hướng mà nền nông nghiệp Việt Nam đang hướng tới. Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia tại Tọa đàm Nông nghiệp sáng tạo cho phát triển xanh và bền vững do Trường Đại học Cần Thơ vừa tổ chức.

Nông nghiệp xanh - xu hướng tất yếu

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Châu Minh Khôi - Phó Hiệu trưởng Trường Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, phát triển nông nghiệp xanh và bền vững đã và đang trở thành xu hướng bắt buộc trong quá trình sản xuất để hướng tới hội nhập. Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 và giảm phát thải khí mê tan toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2020.

Để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh và bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định: Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 về Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 300/QĐ-TTg ngày 28/03/2023 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030. Đặc biệt, ngày 27/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1490/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Đây là những quyết định quan trọng để ngành nông nghiệp đạt mục tiêu hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, xanh và bền vững. Để đạt được mục tiêu trên, việc đổi mới quy trình sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm xây dựng và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm… là xu hướng mà nền nông nghiệp Việt Nam đang hướng tới.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào sản xuất nông nghiệp

GS.TS Bùi Chí Bửu - nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, tăng trưởng xanh là một khái niệm trong lý thuyết kinh tế và hoạch định chính sách được sử dụng để mô tả các con đường tăng trưởng kinh tế bền vững với môi trường. Chuyển đổi nông nghiệp thực chất là chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm trong tình hình mới. Do đó, để phát triển nông nghiệp xanh và bền vững, yếu tố quan trọng nhất cần phải tiến hành là đầu tư ngân sách thỏa đáng cho khoa học và công nghệ nói chung, khoa học nông nghiệp nói riêng chính là xây dựng hình ảnh nông nghiệp trong tương lai.

GS.TS Bùi Chí Bửu - nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ tại Tọa đàm.

Chia sẻ về việc giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực chăn nuôi, GS.TS Nguyễn Trọng Ngữ - Trường Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, để giảm thiểu phát thải khí mê tan ở gia súc nhai lại, một số giải pháp có thể triển khai được trong thời gian tới như:

Một là, điều chỉnh khẩu phần ăn: điều chỉnh thức ăn làm thay đổi hoạt động của vi sinh vật dạ cỏ và giảm sản xuất khí mê tan, bổ sung các chất phụ gia thức ăn hoặc kết hợp các loại thức ăn thô xanh ít tạo ra khí mê tan hơn.

Hai là, về giải pháp công nghệ: phát triển công nghệ thu giữ và sử dụng khí mê tan từ hoạt động chăn nuôi, sử dụng hệ thống biogas để chuyển chất thải động vật thành khí sinh học, có thể được sử dụng để sản xuất năng lượng hoặc làm nguồn nhiên liệu. Đặc biệt, có thể đầu tư xây dựng công trình khí sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi, sử dụng khí mê tan phục vụ cho đun nấu, phát điện.

Ba là, ứng dụng công nghệ để xử lý chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ, đẩy mạnh phát triển mô hình chăn nuôi tiết kiệm nước để tăng thu gom chất thải rắn làm phân bón…

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Tọa đàm.

Nhấn mạnh đến việc ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo vào sản xuất nông nghiệp bền vững, nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển nông nghiệp xanh là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập. Để làm được điều đó, sản xuất nông nghiệp cần phải đẩy mạnh việc ứng dụng thành tựu của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; người dân cần thay đổi quy trình sản xuất; doanh nghiệp cần xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, thay đổi quản trị sản xuất bằng nông nghiệp số, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - người dân gia tăng giá trị sản phẩm. Đặc biệt, để ngành nông nghiệp phát triển xanh và bền vững, cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hàng hóa tập trung, nông nghiệp tuần hoàn gắn với công nghiệp chế biến, tham gia chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, cần lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo trong toàn ngành, hướng tới nền nông nghiệp phát triển xanh và bền vững.

Phong Vũ - Anh Thy

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN