Quản lý dịch hại bằng thiết bị không người lái

Công nghệ 4.0 đang len lỏi đến từng mảnh vườn, thửa ruộng, nhiều cánh đồng được cơ giới hóa từ khâu làm đất đến phun thuốc bảo vệ thực vật, quản lý dịch hại bằng thiết bị máy bay không người lái (drone). Sự hỗ trợ của drone trong canh tác đã giúp nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, bảo vệ sức khỏe con người. Tuy nhiên, để sử dụng thiết bị này một cách hiệu quả cần phải có sự nghiên cứu, hướng dẫn khoa học, áp dụng quy trình bài bản.
Sử dụng thiết bị bay drone phun thuốc trừ sâu trên cánh đồng Vĩnh Xuân, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình (Quảng Nam). Ảnh: THỤY NHI
Sử dụng thiết bị bay drone phun thuốc trừ sâu trên cánh đồng Vĩnh Xuân, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình (Quảng Nam). Ảnh: THỤY NHI

Những năm gần đây, thiết bị drone được ứng dụng vào phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng ở nhiều địa phương. Việc sử dụng drone trong phun thuốc được đánh giá có nhiều ưu điểm nổi trội so với các phương pháp truyền thống.

Hiệu quả bước đầu

Ông Nguyễn Văn Tươi, xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn (An Giang) cho biết: Với phương pháp phun thuốc bảo vệ thực vật truyền thống chúng tôi phải đeo trên lưng những bình thuốc cồng kềnh, trọng lượng từ 30 đến 40 kg, phải lội ruộng bùn lầy, thực hiện liên tục hai thao tác bơm áp lực cho thuốc và di chuyển cần xịt. Làm việc luôn tay nhưng một ngày thợ lành nghề cũng chỉ phun được khoảng 2 ha lúa. Với thiết bị drone thì khác. Chỉ cần một người điều khiển, một người pha thuốc cùng với một chiếc máy bay nhỏ gọn, với tốc độ bay từ 25 đến 30 km/giờ, mất khoảng 10 phút đã có thể phun được 1 ha. Một ngày, mỗi máy có thể phun được 50 ha, tương đương khoảng 30 nhân công. Khi sử dụng thiết bị không người lái chúng tôi không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật. Sự tiếp xúc duy nhất với thuốc là ở khâu đổ thuốc pha vào máy bay. Sau đó, chỉ cần đứng trên bờ, xa vị trí cần phun và bấm nút, máy bay sẽ cất cánh, bay đến điểm phun và xịt thuốc tự động, đồng đều cho cây trồng.

Cục Bảo vệ thực vật cho biết, máy bay không người lái đã được một số địa phương thử nghiệm ứng dụng vào phun thuốc bảo vệ thực vật ở nước ta trong vài năm gần đây. Đây là loại thiết bị dễ sử dụng, tính tự động cao. Ưu điểm của loại thiết bị này là thiết kế nhỏ gọn, dễ dàng vận chuyển, không cần đường băng để cất cánh hay hạ cánh, có thể tận dụng ngay bờ ruộng, rìa đất hay nóc xe ô-tô làm "đường băng".

Thiết bị drone có tính tự động cao, vận hành đơn giản, máy có hệ thống phun tự động chính xác và đồng đều, tự bay theo kế hoạch được thiết lập sẵn, ghi nhớ điểm phun và tự động nhận biết lượng thuốc trong bình khi gần hết. Người điều khiển dễ dàng chuyển hướng khi bay, xoay tròn cũng như thay đổi tốc độ một cách linh hoạt. Dễ dàng ứng dụng cho nhiều loại cây trồng và địa hình.

Thực tế thời gian qua, nhiều mô hình trồng: Lúa, mía, sen, ngô, cà chua, sầu riêng, điều, cao-su, cây có múi (cam, bưởi, quýt)... sử dụng drone để phun thuốc bảo vệ thực vật đã cho kết quả tốt. Một ưu điểm nữa của drone là thiết bị này sử dụng công nghệ phun áp lực, cắt nhỏ hạt thuốc thành kích thước siêu nhỏ dạng sương mù, sau khi kết hợp với các luồng gió đối lưu từ cánh quạt sẽ giúp thuốc tản đều và bám, thấm nhanh vào cây trồng ở cả mặt trên và dưới của lá, cũng như tán, thân cây. Nhờ vậy, tránh được hiện tượng thuốc bị rơi rớt xuống ngấm vào đất và nước. Khi xảy ra dịch bệnh trên diện rộng, việc sử dụng drone để phun thuốc sẽ giúp dập dịch nhanh, tiết kiệm được thời gian quản lý dịch hại, tăng hiệu suất lao động.

Xây dựng quy trình khoa học cho thiết bị drone

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã chủ động nghiên cứu, ứng dụng, thử nghiệm máy bay không người lái vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc ứng dụng phun thuốc bảo vệ thực vật bằng drone hiện nay vẫn còn mang tính tự phát và tồn tại một số hạn chế.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, việc sử dụng máy bay không người lái trên thực địa hiện nay có một số trở ngại về tính ổn định, độ chính xác của thiết bị, sự ảnh hưởng của khí động học đối với các thiết bị đơn hoặc đa cánh quạt, hay sự tương tác với các yếu tố môi trường như: nhiệt độ, ẩm độ, tốc độ gió... cho nên, cần phải được nghiên cứu thêm. Hiệu lực sinh học của thuốc, tính an toàn đối với người khi phun thuốc bảo vệ thực vật bằng drone cũng là một vấn đề quan trọng phải được đánh giá cụ thể hơn nữa. Quá trình sử dụng cho thấy, không phải loại thuốc bảo vệ thực vật nào cũng có thể sử dụng drone để phun do còn liên quan đến dạng thuốc, cơ chế tác động của thuốc, cây trồng, đặc tính của sinh vật gây hại.

Đối với các sinh vật gây hại mặt dưới của tán lá, dưới gốc cây hay sinh vật gây hại trong thân, dưới đất việc phun thuốc bằng drone sẽ rất khó để đưa thuốc tiếp cận vị trí cần phun. Hiện nay, một số dạng thuốc bảo vệ thực vật khó hòa tan trong nước, cho nên dễ xảy ra hiện tượng tắc vòi phun, giảm hiệu quả sử dụng. Ngoài ra, việc pha thuốc để sử dụng drone đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao do lượng nước sử dụng rất ít, đòi hỏi người sử dụng phải am hiểu. Theo phản ánh của nhiều nông dân, drone khá đắt tiền, vì vậy, chỉ áp dụng được đối với các hộ nông dân hoặc các tổ chức sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn chứ không phù hợp với các hộ có quy mô nhỏ lẻ.

Để sử dụng drone một cách hiệu quả, có cơ sở khoa học và đúng quy định của pháp luật cần phải có căn cứ về mặt khoa học cũng như cách hướng dẫn sử dụng đúng. Phó Cục trưởng Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho biết, hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các hiệp hội, các đơn vị cung ứng thiết bị máy bay không người lái, công ty sản xuất thuốc bảo vệ thực vật và các tổ chức đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm đánh giá, khảo nghiệm cụ thể đối với các dạng thuốc, các cây trồng, sinh vật gây hại, hiệu lực sinh học và khả năng an toàn đối với cây trồng, vật nuôi và con người khi sử dụng thiết bị này.

Trên cơ sở đó, Cục Bảo vệ thực vật sẽ báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có những hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng máy bay không người lái phun thuốc phù hợp, hiệu quả, an toàn. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia, các tổ chức quốc tế CropLife, Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất và Kinh doanh thuốc Bảo vệ thực vật Việt Nam xây dựng hoàn thiện quy trình, hướng dẫn sử dụng drone; khảo nghiệm, đánh giá một số loại thuốc bảo vệ thực vật sử dụng cho loại phương tiện này. Cùng với đó, hỗ trợ các địa phương xây dựng các tổ dịch vụ sử dụng máy bay không người lái. Phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Công thương hướng dẫn các doanh nghiệp cung ứng và sử dụng thiết bị bay đúng quy định, bảo đảm an ninh, an toàn và hiệu quả./.

Theo nhandan.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN