Hình thành “bệ phóng” vững chắc cho doanh nghiệp khoa học công nghệ
Năm 2022, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách, hoàn thiện các hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Song hành với đó, nhằm hiện thực hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 của Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đến năm 2030, cụ thể hoá nhiều nội dung về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là những tiền đề quan trọng đối với công tác nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, bảo hộ, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Trong bối cảnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên, đẩy mạnh kết nối chuyển giao công nghệ, giao thương với các đối tác và thị trường tiềm năng.
Hiệp hội đã tham gia sâu vào các hoạt động dành cho doanh nghiệp khoa học – công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đặc biệt trong chuỗi sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Techfest) 2022. Hiệp hội đã hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, kết nối cung cầu nội địa và quốc tế. Đồng thời, Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam là đơn vị chủ trì, tổ chức thành công nhiều tọa đàm và hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp Việt với các đối tác tại thị trường châu Á, châu Âu.
Chương trình Tọa đàm “Cà phê Công nghệ” là hoạt động nổi bật được đông đảo cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài Hiệp hội quan tâm, hưởng ứng trong thời gian qua. Tọa đàm được xây dựng với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và phát triển công nghệ, đã nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Hiệp hội cũng phối hợp tổ chức thành công cuộc thi Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo trong sản xuất kinh doanh 2022.
Liên quan đến vấn đề tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trong năm qua, Hiệp hội đã tổ chức Hội nghị thường niên 2022 của Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam vào tháng 5/2022, tham gia Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia 2022 vào tháng 12/2022… Qua các sự kiện này, Hiệp hội đã đưa ra nhiều kiến nghị, góp phần hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động hiệu quả.
Trong năm 2022, Hiệp hội đã chủ trì và giao cho Trung tâm nghiên cứu phát triển Thương hiệu Việt phụ trách tổ chức biên soạn xuất bản và phát hành tập sách “Thành tựu sáng tạo Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam” nhằm giới thiệu thông tin, sản phẩm, công nghệ của các thành quả nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Tập sách là bộ tài liệu quan trọng, ghi nhận và khẳng định đóng góp to lớn về hoạt động khoa học của doanh nghiệp, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian qua.
Nhiều doanh nghiệp đạt các giải thưởng danh giá
Tại cuộc thi Sáng tạo Sáng chế Quốc tế lần thứ 7- iCAN 2022 diễn ra từ 26/6 đến 28/8/2022, 6 công trình, sản phẩm của Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco) do Quỹ hỗ trợ sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) gửi đi dự thi đều đạt giải cao ở nhiều hạng mục.
Cụ thể, Huy chương Vàng thuộc về các công trình, sản phẩm: Kè bảo vệ bờ sông và bờ biển khu vực cửa sông Ray thuộc xã Phước Thuận huyện Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Kè bảo vệ bờ Hồ Hoàn Kiếm – Hà Nội; Hệ thống hố ga thu nước mưa, ngăn mùi kiểu mới và hố ga ngăn mùi hợp khối; Kênh, mương bê tông cốt thép và bê tông cốt sợi đúc sẵn thành mỏng Busadco.
Huy chương Bạc thuộc về các công trình: Cụm tời máy nạo vét hệ thống cống ngầm thoát nước đô thị; Nhà bê tông cốt phi kim lắp ghép siêu nhẹ Busadco. Giải đặc biệt cho các công trình, sản phẩm: Kè bảo vệ bờ sông và bờ biển khu vực cửa sông Ray thuộc xã Phước Thuận huyện Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được Hiệp hội sáng chế và sở hữu trí tuệ thế giới (WIIPA) trao tặng giải đặc biệt quốc tế.
Tại lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam lần thứ 8 năm 2022 do Hội đồng Thương hiệu Quốc gia (THQG) Việt Nam và Bộ Công Thương tổ chức đã vinh danh các doanh nghiệp Công ty Cổ phần Sao Thái Dương, Công ty TNHH Minh Long I, Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed thuộc Hiệp hội.
Trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest Vietnam) 2022, lễ vinh danh "Ngôi sao sáng chế IPSTAR 2022" đã vinh danh 3 doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trưởng Làng Sáng chế và Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Techfest 2022 đã đạt 2 danh hiệu của Ngôi sao sáng chế IPSTAR 2022. Cụ thể, Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo được vinh danh "Tác giả sáng tạo ra nhiều sáng chế được cấp bằng". Ông cũng đại diện cho Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Việt Nam (Busadco) với hồ sơ tham dự “Kè bảo vệ bờ Hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội công trình bảo tồn di sản, di tích Quốc gia” đạt danh hiệu sản phẩm công nghệ xuất sắc từ sáng chế.
Ngoài ra, Công ty TNHH Minh Long I (Minh Long) nhận danh hiệu IPSTAR Top 5 ở hạng mục “Sản phẩm công nghệ tiêu biểu từ sáng chế”. Sản phẩm của Công ty CP Sao Thái Dương lọt Top 5 “Sản phẩm công nghệ tiêu biểu từ sáng chế”.
Trong năm 2022, Công ty Cổ phần Dược phẩm SaVi (Savipharm) cũng đã đón nhận Huân chương Lao động hạng III.
Ngoài ra, các cá nhân, doanh nghiệp thành viên thuộc Hiệp hội nói trên cũng là những doanh nghiệp có nhiều thành tích xuất sắc, đạt nhiều thành tựu và đóng góp cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia trong năm 2022.
Cần giải pháp đột phá hỗ trợ doanh nghiệp
Tại Techfest Vietnam 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: Trước những khó khăn, thách thức mang tính toàn cầu cũng như hướng tới sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia nói riêng và của toàn thế giới nói chung, Đảng và Nhà nước luôn chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam Hoàng Đức Thảo, trong bối cảnh đó, đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo được xem là động lực dài hạn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Phát huy thế mạnh, khắc phục các hạn chế để vượt qua khó khăn, năm 2023 Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp thành viên đẩy mạnh chuyển đổi số, xúc tiến thương mại toàn cầu nhằm đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, sáng chế. Hiệp hội cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phát triển hội viên, phát triển câu lạc bộ các tỉnh, thành phố, tổ chức hội thảo để hỗ trợ doanh nghiệp.
Về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khoa học – công nghệ phát triển, bà Nguyễn Thị Hương Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam chia sẻ, hiện doanh nghiệp khoa học và công nghệ đang gặp nhiều vướng mắc trong vấn đề định giá và chuyển giao công nghệ. Doanh nghiệp không định giá, chuyển giao được hoặc chậm định giá và không muốn nhận chuyển giao cũng như sợ trách nhiệm. Đồng thời, phần vốn doanh nghiệp đã đầu tư vào dự án trước khi ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ không được ghi nhận là vốn đối ứng của doanh nghiệp.
Nếu giải quyết được các vướng mắc nêu trên, sẽ thu hút doanh nghiệp và nhà khoa học tham gia định giá, chuyển giao công nghệ mà không sợ vi phạm; thị trường có thêm sản phẩm khoa học quốc gia và Nhà nước thu được thuế. Các ngân hàng trong nước và quốc tế khi cho vay tín dụng sẽ xác định khoản tiền chi trước khi ký hợp đồng vay của doanh nghiệp là vốn đối ứng của doanh nghiệp.
Đồng thời, khi có chính sách đặc thù để đáp ứng được các nhu cầu đặc biệt của xã hội, sản phẩm khoa học – công nghệ phục vụ cộng đồng sẽ phát huy tác dụng, thúc đẩy xã hội phát triển.