Bất thường ở chứng phình động mạch não cổ rộng là kích thước của nó đôi khi cực kỳ lớn và gặp nhiều khó khăn trong việc điều trị. Loại phình động mạch này rất phức tạp và phát triển không ổn định nên việc điều trị rất nan giải, thậm chí là không thể điều trị bằng các phương pháp hiện có ở một số bệnh nhân.
Mới đây, nhóm phẫu thuật thần kinh ở Long Island, New York đã thực hiện một thủ thuật làm giảm chứng phình động mạch hiếm gặp này bằng cách sử dụng một thiết bị điều tra có kích thước rất nhỏ và có thể đặt vĩnh viễn trong cơ thể bằng kỹ thuật xâm lấn tối thiểu. Nghiên cứu liên quan đến thiết bị này là một phần của nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng hiện đang được tiến hành tại Mỹ. Cho đến nay, mới chỉ có 12 thiết bị được cấy ghép cho các bệnh nhân Mỹ.
Tiến sỹ, Bác sỹ David Fiorella, giám đốc của Trung tâm Tai biến và Đột quỵ tại Stony Brook Medicine, bộ phận y tế của Trường Đại học Stony Brook, New York, cho biết: “Thiết bị được thiết kế để điều trị chứng phình động mạch não phức tạp, cụ thể hơn là chứng phình động mạch não cổ rộng, chứng bệnh phổ biến khó điều trị nhất bằng các kỹ thuật khác”.
Các bác sĩ phẫu thuật thần kinh tại Stony Brook rất hy vọng kỹ thuật cấy ghép này được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ chấp thuận bởi họ nhận thấy trước được tiềm năng của thiết bị sẽ trở thành tiêu chuẩn chăm sóc cho chứng phình động mạch hiếm gặp, có khả năng gây tử vong cho người bệnh này.
Bất kỳ chứng phình động mạch não nào về cơ bản đều được định nghĩa là một khuyết điểm trong mạch máu. Phình mạch cổ và vòm. Mạch máu có một khối phồng ra hoặc căng tròn bất thường như một quả bóng bay. Nguy hiểm ngày càng gia tăng đối với những người bị chứng phình động mạch bởi vì mạch bị ảnh hưởng chứa đầy máu và ngày càng tăng kích thước lên. Chứng phình động mạch chia nhánh gây nguy cơ đặc biệt vì cách chúng điều khiển các đường đi của hệ mạch máu não.
“Sự chia đôi nhánh giống như là khi một con đường bị phân chia thành hai con đường, hoặc trong trường hợp này là một mạch máu phân tách thành hai hoặc nhiều mạch máu”, Fiorella, bác sĩ về phẫu thuật thần kinh nói.
Các biến chứng sẽ không dừng lại ở đó. Chứng phình động mạch khó điều trị này không chỉ bị chia đôi, một số còn bị phân tách thành ba nhánh mạch máu. Tại vị trí túi phình, các lực huyết động - lưu lượng và áp lực của máu vào mạch máu - làm cho nó căng phồng gây tăng nguy cơ vỡ, Fiorella cho biết thêm.
Catherine Sears, 60 tuổi, ở Northport, New York là người đầu tiên được Fiorella đưa vào thử nghiệm lâm sàng. Bệnh nhân không có triệu chứng và hoàn toàn không biết rằng mình đang có một quả bom hẹn giờ tích tắc trong đầu. Sears có tiền sử tăng huyết áp và đây là một yếu tố nguy cơ của chứng phình động mạch não. Bà được yêu cầu thực hiện chụp cắt lớp vi tính động mạch CTA. Tương tự như kỹ thuật chụp hình ảnh CT, kỹ thuật này cũng bao gồm việc tiêm một loại thuốc nhuộm đặc biệt để tăng cường hình ảnh của các mạch máu. Kết quả chụp cắt lớp vi tính não cho thấy, Sears bị chứng phình động mạch.
Nhiều chứng phình động mạch não cổ rộng rất phức tạp nên rất khó điều trị bằng các thiết bị hiện có. Giải pháp thay thế cho những bệnh nhân này là phẫu thuật mở não, kéo dài thời gian hồi phục. Nhưng sự phức tạp của chứng phình động mạch có thể làm cho nhiều bệnh nhân khác không được điều trị vì sẽ rất rủi ro nếu cố tiếp cận đến các điểm bất thường nằm ở vị trí nguy hiểm trong não.
Thẩm định về phương pháp giải phẫu mạch máu trong não cho Sears của Fiorella, cùng với nghiên cứu về mô hình lưu lượng máu, đã giúp cô đủ điều kiện tham gia nghiên cứu lâm sàng với mô cấy mới, được chính thức gọi là Cerus Contour do Cerus Endocular, một công ty thiết bị y tế tại vương quốc Anh phát triển.
Thiết bị trông giống như một bông hoa lưới trên một thân dây mỏng, một bông hoa công nghệ cao nhỏ. Nó được đặt một ống thông dẫn từ động mạch đùi đến vị trí tắc nghẽn trong não. Quy trình này được thực hiện trong phòng thí nghiệm đặt ống thông.
Sears đã bình phục sau thủ thuật được thực hiện vào cuối tháng 11 năm ngoái. Chứng phình động mạch phức tạp không còn là mối đe dọa đến tính mạng của bà nữa. Phần "hoa" của thiết bị được đặt trong vòm của túi phình giúp chặn dòng chảy của máu, khiến nó co lại.
Bà cũng tham gia cùng với cả những người tham gia thử nghiệm lâm sàng khác của Mỹ. Hầu hết trong số này là phụ nữ. Những người tham gia không những trải qua quy trình này để giảm bớt mối đe dọa của chứng phình động mạch não mà họ còn không gặp phải tác dụng phụ nào do nó gây ra.
Lý do cho đến nay, số phụ nữ tham gia nghiên cứu nhiều hơn nam giới là do có sự phân chia giới tính rõ ràng liên quan đến chứng phình động mạch não. “Phụ nữ bị ảnh hưởng chứng phình động mạch não nhiều hơn nam giới. Tuy nhiên, hiện các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ lý do tại sao”, Fiorella nói.
Bộ phận cấy ghép được phát minh bởi Stephen Griffin, chủ tịch của Cerus Endocular có trụ sở tại Oxford. Ông có bằng tiến sĩ về khoa học vật liệu và đặt rất nhiều hy vọng vào nghiên cứu lâm sàng của Mỹ. Một loạt các thử nghiệm lâm sàng đã được hoàn thành ở Châu Âu, nơi thiết bị này được chấp thuận áp dụng cho những bệnh nhân phình động mạch não cổ rộng.
“Với những kết quả trong thế giới thực mà chúng tôi đã trải qua ở châu Âu, chúng tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ thấy những kết quả tương tự, mạnh mẽ từ thử nghiệm tại Mỹ”, Griffin nói trong một tuyên bố đề cập đến nghiên cứu của Mỹ.
Hiện vẫn còn một chặng đường dài phía trước để các bác sĩ phẫu thuật thần kinh đánh giá bệnh nhân và tuyển dụng những người đủ tiêu chuẩn vào cuộc thử nghiệm. Có thể sẽ mất ít nhất một đến hai năm để thử nghiệm hoàn tất.
P.T.T (NASATI), theo https://medicalxpress.com/news/2021-12-tiny-device-titanic-impact-neurosurgeons.html, 28/12/2021