Thúc đẩy hợp tác giữa Văn phòng Các chương trình trọng điểm cấp nhà nước với các cơ quan tài trợ cho KH,CN&ĐMST của Nhật Bản

Quốc Khánh
Nhằm mục đích trao đổi về cơ chế quản lý các chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN), phương thức hình thành nhiệm vụ đặt hàng của Nhà nước, xác định các hướng nghiên cứu ưu tiên, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trong các ngày từ 30/9 đến 04/10/2024, đoàn công tác của Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước (VPCTTĐ) đã đến thăm và làm việc với các cơ quan tài trợ cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) của Nhật Bản.

Tại buổi làm việc với Cơ quan KH&CN Nhật Bản (JST), ông Osamu KOBAYASHI, Giám đốc quan hệ quốc tế đã giới thiệu khái quát về JST. Theo đó, với vai trò là cơ quan thực thi chính sách thuộc Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, KH&CN (MEXT), JST có chức năng quan trọng trong việc triển khai Kế hoạch cơ bản về KH,CN&ĐMST của Nhật Bản. Cụ thể là, dựa trên Kế hoạch 05 năm về KH,CN&ĐMST của Nhật Bản, với sự tham vấn từ các hội đồng chuyên môn, JST phê duyệt và tổ chức thực hiện các chương trình KH&CN cấp quốc gia theo 03 loại hình: Nghiên cứu cơ bản chiến lược; Hợp tác hàn lâm - công nghiệp và Chuyển giao công nghệ; Hợp tác quốc tế. Đặc biệt, trao đổi về Chương trình NEXUS (Chương trình hợp tác nghiên cứu, trao đổi du học sinh dựa trên kết quả Tuyên bố chung Hội nghị cấp cao đặc biệt Asean - Nhật Bản năm 2023), ông KOBAYASHI cho biết Chương trình được khởi động tập trung vào hai mục tiêu chính là thúc đẩy nghiên cứu chung và phát triển nguồn nhân lực. Với Việt Nam, JST mong muốn tập trung vào các chương trình nghiên cứu chung, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Đoàn công tác làm việc tại Cơ quan KH&CN Nhật Bản (JST).

Trao đổi với JST, ông Đào Ngọc Chiến, Giám đốc VPCTTĐ đã giới thiệu khái quát về vị trí, chức năng của VPCTTĐ trong hệ thống các cơ quan có chức năng tài trợ của Bộ KH&CN; các chương trình KH&CN cấp quốc gia hiện đang triển khai và phương thức hình thành các nhiệm vụ đặt hàng để triển khai trong các chương trình. Theo ông Đào Ngọc Chiến, về mặt vị trí chức năng hai cơ quan JST và VPCTTĐ có một số điểm tương đồng, cùng là cơ quan thực thi chính sách trong tài trợ cho các nhiệm vụ KH&CN, do đó hai bên cần có cơ chế trao đổi thông tin nhằm mục tiêu hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu chung một cách hiệu quả, đồng bộ, đúng tiến độ.

Tại Tổ chức Phát triển Công nghệ công nghiệp và Năng lương mới (NEDO), đoàn công tác đã được nghe ông Takatoshi Miki, Giám đốc cấp cao, Phòng dự án quốc tế giới thiệu một số nét chính về hoạt động của NEDO. Kể từ khi thành lập vào tháng 10/1993, với sứ mệnh thúc đẩy phát triển công nghệ công nghiệp và giải quyết các vấn đề phát sinh về năng lượng và môi trường toàn cầu, NEDO đã triển khai nhiều dự án khác nhau tại các nước ASEAN. Tại Việt Nam, NEDO đã tài trợ cho Công ty TNHH Yuko-Keiso thực hiện Dự án “Trình diễn hệ thống nuôi tôm tiết kiệm năng lượng sử dụng khí sinh học tại tỉnh Tiền Giang” với đối tác là Công ty TNHH Nuôi trồng Thủy sản Tuấn Hiền. Ngoài ra, ông Takatoshi Miki cũng đã giới thiệu với đoàn công tác về mô hình quản lý, phương thức lựa chọn doanh nghiệp tham gia chương trình của NEDO.

Đoàn công tác làm việc tại NEDO.

Trao đổi với NEDO, ông Đào Ngọc Chiến đã bày tỏ ấn tượng với chương trình của NEDO với mục tiêu chính là hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới, chuyển giao công nghệ vào thực tế cuộc sống; đồng thời cũng cho biết VPCTTĐ hiện đang được Bộ KH&CN giao quản lý nhiều chương trình KH&CN cấp quốc gia với đối tượng ưu tiên là doanh nghiệp, đặc biệt là chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 “Nghiên cứu KH&CN phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam vào năm 2050” sẽ sớm được triển khai trong năm 2024. Ông Đào Ngọc Chiến bày tỏ, bên cạnh mục đích trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quản lý các dự án gắn với doanh nghiệp, VPCTTĐ mong muốn tìm kiếm cơ hội phát triển hợp tác với NEDO dưới hình thức đồng tài trợ cho các dự án ứng dụng, chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.

Đến thăm và làm việc tại Đại học Chuo và Đại học Osaka, Đoàn công tác đã được nghe các Giáo sư đến từ các khoa đào tạo, viện nghiên cứu hàng đầu giới thiệu về những kết quả nghiên cứu nổi bật trong một số lĩnh vực, các hướng nghiên cứu trọng điểm trong thời gian tới của Đại học Chuo và Đại học Osaka hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc; đồng thời cũng được nghe chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức triển khai các nhiệm vụ KH&CN mang tính liên ngành, kinh nghiệm về huy động tài trợ từ các doanh nghiệp cho các hoạt động KH,CN&ĐMST, cách thức chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các định hướng nghiên cứu có tính dẫn dắt.

Đoàn công tác chụp ảnh cùng các nhà khoa học thuộc Đại học Chuo.

Làm việc tại Đại học Osaka.

Trong chương trình công tác tại Tokyo và Osaka, đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản. Thay mặt đoàn công tác, ông Đào Ngọc Chiến đã trao đổi với Công sứ Nguyễn Đức Minh và Tổng Lãnh sự Ngô Trịnh Hà về một số chính sách, quy định mới phục vụ phát triển KH,CN&ĐMST, các kết quả đã đạt được thông qua các buổi làm việc; đồng thời đã có kiến nghị Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kết nối giữa hai bên làm cơ sở thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa VPCTTĐ với các cơ quan cùng chức năng của Nhật Bản, qua đó đóng góp vào mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia.

Đoàn công tác làm việc với ông Nguyễn Đức Minh, Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

Qua các buổi làm việc, các thành viên trong đoàn công tác đã có cơ hội trao đổi, học tập kinh nghiệm của các đối tác về những vấn đề như quản lý, cấp phát kinh phí tài trợ cho các nhiệm vụ KH&CN; phương thức kiểm tra, đánh giá, quản lý kết quả của các nhiệm vụ KH&CN; cơ chế sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách của nhà nước và các hình thức xử lý đối với những hành vi tiêu cực trong sử dụng ngân sách nhà nước cho KH,CN&ĐMST; chính sách đẩy mạnh truyền thông, phổ biến nâng cao kiến thức về KH,CN&ĐMST; cơ chế, cách thức lựa chọn doanh nghiệp để tài trợ dự án chuyển giao công nghệ… Tại các buổi làm việc, ông Đào Ngọc Chiến đã cảm ơn các cơ quan đã giúp đoàn công tác có góc nhìn mới về tổ chức thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế và tin tưởng rằng những kinh nghiệm có được sẽ thực sự hữu ích trong việc xây dựng một mô hình quản lý nhiệm vụ, chương trình phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN