Ứng dụng công nghệ mới nâng cao giá trị chè Shan Việt Nam

Đó là một trong những hiệu quả thiết thực thu được từ nhiệm vụ “Nghiên cứu khai thác sử dụng nguồn tài nguyên chè Shan ở Việt Nam”. Đây là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) cấp quốc gia do các nhà khoa học Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc phối hợp với Viện Nghiên cứu khoa học Chè - Trường Đại học Nông nghiệp Nam Kinh (Trung Quốc) thực hiện.


Nhóm nghiên cứu trao đổi với Viện Nghiên cứu khoa học Chè - Trường Đại học Nông nghiệp Nam Kinh về kết quả thực hiện nhiệm vụ

Nhiều đóng góp mới, thiết thực

Cây chè Shan ở miền núi phía Bắc Việt Nam là cây bản địa, có đặc điểm sinh trưởng mạnh, năng suất chất lượng tốt. Nghiên cứu của rất nhiều nhà khoa học về giống chè này đã xác định, chè Shan Việt Nam có đặc điểm hình thái, hoa quả, hàm lượng các hợp chất catechin, anthocyanin có giá trị trong phân loại thực vật về chè Shan và chế biến các sản phẩm có chứa các hợp chất catechin, anthocyanin có nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người, như: Hạn chế các bệnh tim mạch; chống oxy hóa cao; hạn chế sự suy giảm sức đề kháng; chống viêm; hạn chế tế bào ung thư phát triển; có tác dụng chống các tia phóng xạ... Tuy nhiên, chế biến chè Shan mới chỉ cho ra những sản phẩm truyền thống, như: Chè xanh, chè đen, chè Phổ Nhĩ. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn cần phải đa dạng hóa sản phẩm chè, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cây chè Shan núi cao Việt Nam, tạo các sản phẩm góp phần bảo vệ sức khỏe con người, nhiệm vụ nghiên cứu KHCN cấp quốc gia “Nghiên cứu khai thác sử dụng nguồn tài nguyên chè Shan ở Việt Nam” đã được triển khai và đem lại nhiều đóng góp mới, thiết thực.

Theo TS. Đặng Văn Thư (Chủ nhiệm nhiệm vụ), trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, các thành viên nhóm nghiên cứu đã dựa trên công nghệ truyền thống (các chỉ tiêu hình thái) kết hợp với công nghệ hiện đại là phân tích sinh hóa và công nghệ sinh học để phân loại các giống chè Shan núi cao ở Việt Nam. Kết quả đã đưa ra bộ đặc điểm hình thái chung của các giống chè Shan núi cao, gồm: Lá to dài 12 - 16cm, rộng 4 - 7cm, búp có nhiều lông tuyết; hàm lượng tanin, chất hòa tan cao; lá chè thuộc loại lá to răng cưa, mép lá sâu; búp có nhiều tuyết, trung bình và ít; lá màu xanh đậm, xanh nhạt và xanh vàng; có lông bầu nhụy và vòi nhụy chia 3, hạt màu nâu, kích thước hạt nhỏ hơn 2mm, kích thước quả nhỏ hơn 3,5cm và quả chè có màu nâu, có 3 - 4 hạt. Theo đó, nhóm đã tuyển chọn được 23 cây chè Shan núi cao tiêu biểu, gồm: Tủa Chùa (Điện Biên) có 6 cây ưu tú; Suối Giàng (Yên Bái) có 9 cây ưu tú; Cao Bồ (Hà Giang) có 8 cây ưu tú. Đồng thời, đã xây dựng được 90 mẫu tiêu bản chè Shan núi cao và xây dựng được bảng phân loại chè theo chỉ tiêu hình thái cây chè Shan núi cao ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng xây dựng được quy trình phân tích catechin thành phần và anthocyanin cho chè Shan và quy trình thu nhận catechin thành phần (polyphenol giàu catechin) từ chè Shan. Kết quả cho thấy, hàm lượng anthocyanin trong mẫu chè Shan cao nhất ở điểm Tủa Chùa (Điện Biên), tiếp đến là Suối Giàng (Yên Bái) và thấp nhất là Cao Bồ (Hà Giang). Hàm lượng polyphenol tổng số trong chè Shan núi ở Suối Giàng là 20,61%, Tủa Chùa đạt 20,67% và Cao Bồ đạt 20,49%. Trích ly polyphenol và anthocyanin trong lá chè Shan thì nhiệt độ trích ly thích hợp từ 60 - 90°C; ảnh hưởng của pH đến hiệu suất trích ly là rõ rệt, pH thích hợp cho trích ly từ 3 - 4; thời gian trích ly thích hợp từ 40 - 60 phút; tỷ lệ dung môi/nguyên liệu thích hợp từ 10/1 - 20/1.

Nâng cao hiệu quả kinh tế cho cây chè Shan

Có thể khẳng định, công nghệ tách chiết các hợp chất catechin thành phần và anthocyanin được xây dựng có khả năng ứng dụng cao, cho phép thu được các chế phẩm có hàm lượng giàu catechin và anthocyanin, góp phần đa dạng hóa sản phẩm từ chè Shan ở lĩnh vực thực phẩm chức năng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của con người. Không chỉ thị trường trong nước, sức cạnh tranh của các sản phẩm giàu catechin, anthocyanin trên thị trường thế giới cũng rất cao, nhất là khi Việt Nam tham gia vào TPP và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Nhiệm vụ đã tạo ra được 2 sản phẩm trong đó 1 sản phẩm chè Shan túi lọc cốm gạo lứt và 1 sản phẩm trà xanh bột hòa tan cốm gạo lứt. Các sản phẩm này được bổ sung hàm lượng catechin và có giá bán trung bình từ 450.000 - 500.000 đồng/kg, cao hơn các sản phẩm thông thường khác từ 50 - 100.000 đồng/kg. Bởi vậy, sản phẩm này có thể cạnh tranh với các sản phẩm chè hiện có trên thị trường của Việt Nam. Hiện nay, sản phẩm này đang được tổ chức chủ trì phối hợp với một số công ty trên địa bàn tỉnh Phú Thọ mang đi chào hàng trên thị trường.

Theo TS. Trần Xuân Hoàng - thành viên nhóm nghiên cứu, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, cơ quan tổ chức chủ trì và các đơn vị cùng tham gia thực hiện nhiệm vụ đã phối hợp và tìm kiếm các đối tác trong nước và đối tác ngoài nước để chuyển giao kết quả nghiên cứu, đặc biệt là các chế phẩm giàu catechin và anthocyanin phục vụ trong công nghiệp thực phẩm và dược phẩm. Hiện nay, công nghệ tách chiết các hợp chất catechin thành phần (polyphenol giàu catechin) và anthocyanin đã được phối hợp chuyển giao với một số công ty chuyên sản xuất về dược liệu, thực phẩm và thực phẩm chức năng, đem lại hiệu quả kinh tế lớn.

Theo các chuyên gia về lĩnh vực cây chè, đề tài có tính khoa học và ứng dụng thực tiễn rất cao, đã tạo ra sản phẩm giá trị mới. Thực tế, cây chè có vai trò quan trọng trong cơ cấu cây trồng của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 12/2019, Việt Nam có 123.000 ha chè, sản lượng chè búp đạt trên 1.000 nghìn tấn, giải quyết việc làm cho trên 400.000 hộ sản xuất chè của 35 tỉnh trong cả nước. Trong đó, diện tích chè Shan có trên 25.400ha, sản lượng khoảng 600 tấn búp tươi/năm, giá dao động từ 12 - 40 nghìn đồng/kg búp tươi. Sản phẩm của nhiệm vụ nghiên cứu KHCN cấp quốc gia “Nghiên cứu khai thác sử dụng nguồn tài nguyên chè Shan ở Việt Nam” sẽ là cơ sở để các ngành, địa phương xây dựng giải pháp phát triển và khai thác tối đa hiệu quả kinh tế từ cây chè Shan. Việc làm này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây chè Shan, mà còn tạo công ăn việc làm cho một lượng lớn người lao động vùng Trung du miền núi phía Bắc, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện và ổn định đời sống của người làm chè ở vùng cao.

Nguồn: Văn phòng các Chương trình KH&CN quốc gia

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN