Ung thư thanh quản là loại ung thư thường gặp ở Việt Nam với tỷ lệ bệnh ở mức 3/100.000 dân. Bệnh thường gặp ở nam giới từ 40 tuổi trở lên, nhưng hiện nay độ tuổi mắc bệnh ngày càng được trẻ hóa và số lượng phụ nữ mắc bệnh ung thư thanh quản ngày càng tăng nhiều hơn.
Hai phương pháp điều trị cơ bản trong ung thư thanh quản hiện nay vẫn là phẫu thuật và xạ trị. Các phương pháp điều trị triệt để tại chỗ, tại vùng bao gồm phẫu thuật và xạ trị có thể để lại nhiều di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến các chức năng thở, nuốt và phát âm của bệnh nhân, làm giảm chất lượng sống rất nhiều. Do đó, các kỹ thuật cắt thanh quản một phần ra đời nhằm bảo tồn các chức năng của thanh quản mà vẫn duy trì kiểm soát tại chỗ. Với những tiến bộ về công nghệ laser trong những năm gần đây, phương pháp vi phẫu ung thư thanh quản bằng laser qua đường miệng, bắt đầu được ứng dụng và ngày càng được chấp nhận như là phương pháp trị liệu có hiệu quả.
Vì vậy, PGS.TS.BS. Trần Phan Chung Thủy (Chủ nhiệm nhiệm vụ) và các cộng sự tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Ứng dụng phẫu thuật laser vi phẫu qua đường miệng trong điều trị ung thư thanh quản tầng thanh môn giai đoạn sớm” nhằm giải quyết 3 mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng ở bệnh nhân ung thư thanh quản tầng thanh môn giai đoạn sớm; Đánh giá hiệu quả của phương pháp phẫu thuật laser vi phẫu qua đường miệng trong bệnh lý ung thư thanh quản tầng thanh môn giai đoạn sớm; Đánh giá bảo tồn chức năng thanh quản sau phẫu thuật laser vi phẫu qua đường miệng trong bệnh lý ung thư thanh quản tầng thanh môn giai đoạn sớm.
Ứng dụng phẫu thuật laser vi phẫu qua đường miệng trong điều trị ung thư thanh quản tầng thanh môn giai đoạn sớm cóỷ lệ khỏi bệnh tương đương xạ trị, ít biến chứng và ít đau, bệnh nhân phục hồi nhanh hơn.
Nhóm nghiên cứu cũng hoàn thành tài liệu hướng dẫn thực hiện 2 quy trình, đó là Quy trình phẫu thuật cắt u dây thanh bằng laser CO2 qua đường miệng; Quy trình chăm sóc hậu phẫu và theo dõi bệnh nhân sau cắt u dây thanh bằng laser CO2, giúp cho quá trình điều trị và chăm sóc bệnh nhân tốt hơn (trước và sau phẫu thuật).
PGS.TS.BS. Trần Phan Chung Thủy cho biết, phương pháp phẫu thuật vi phẫu laser CO2 qua đường miệng sử dụng một chùm tia laser để cắt khối u ra khỏi các mô bình thường, ít tổn thương mô lân cận, đường rạch chính xác, ít để lại sẹo xơ dính, có thể hàn các mạch máu và bạch mạch để hạn chế sự phát tán của các tế bào ung thư. Đây là phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu nên bệnh nhân có xu hướng phục hồi nhanh hơn với ít biến chứng và ít đau hơn so với phẫu thuật truyền thống.
Phương pháp này có tỷ lệ bệnh nhân khỏi bệnh tương đương với xạ trị, nhưng ít biến chứng, giảm thiểu phù nề tổ chức sau phẫu thuật, chảy máu tối thiểu (do khả năng kiểm soát chảy máu của laser CO2), hạn chế tối đa sự di căn tế bào ung thư theo đường máu trong lúc phẫu thuật, hỗ trợ bảo tồn tối đa chức năng phát âm, nuốt cũng như khả năng kiểm soát chính xác diện cắt. Ngoài ra, phẫu thuật qua đường miệng còn có lợi thế về chi phí cũng như hiệu quả nhờ thời gian nằm viện và hồi phục ngắn hơn.
Qua triển khai thực tế, phương pháp phẫu thuật laser vi phẫu qua đường miệng được sử dụng để điều trị cho 84 bệnh nhân (82 nam, 2 nữ) ung thư thanh quản tầng thanh môn giai đoạn sớm nhập viện, không có hạch cổ di căn (N0), không có di căn xa (M0), có chỉ định phẫu thuật tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Hồ Chí Minh. Trong quá trình cắt bỏ khối u, nhóm nghiên cứu nhận xét việc sử dụng laser để đánh dấu ranh giới cắt bỏ tổn thương cho phép cắt bỏ hết khối u và bảo tồn tối đa tổ chức lành nhằm hạn chế ảnh hưởng về mặt chức năng thanh quản do việc cắt bỏ khối u gây ra, đồng thời cũng làm giảm nguy cơ tái phát khối u tại chỗ.
Trong nghiên cứu, có 15 trường hợp có biến chứng chiếm 17,8%; bao gồm: 1,2% chảy máu sau phẫu thuật; 2,4% tràn khí dưới da; 9,5% có mô hạt viêm; 3,6% bị dính mép trước. Tỷ lệ tái phát (tính đến thời điểm tháng 11/2021) là 2/84 trường hợp (2,4%). Một trường hợp tái phát tại chỗ được điều trị bằng phẫu thuật cắt thanh quản toàn phần, còn một trường hợp tái phát tại chỗ và có di căn hạch được cắt thanh quản toàn phần kết hợp nạo hạch cổ tận gốc và xạ trị bổ túc. Nhóm nghiên cứu cho rằng tỷ lệ phẫu thuật thành công 97,9 %, không bị tái phát là khá khả quan.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, trong số các bệnh nhân được điều trị, người nhỏ nhất mới 34 tuổi, từ đó kiến nghị trong thời gian tới tiếp tục được hỗ trợ kinh phí và nhân lực để tiếp tục thực hiện các nghiên cứu với cỡ mẫu lớn hơn và thời gian dài hơn nhằm đánh giá toàn diện các yếu tố ảnh hưởng đến bệnh, phương pháp điều trị, hiệu quả, tỷ lệ tái phát và sống còn ở bệnh nhân ung thư thanh quản.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện, chuẩn hóa quy trình phẫu thuật laser vi phẫu qua đường miệng trong điều trị ung thư thanh quản giai đoạn sớm nhằm nâng cao hiệu quả điều trị, giúp bệnh nhân không chỉ kéo dài thời gian sống mà còn bảo tồn chức năng thanh quản, mau chóng sinh hoạt bình thường.
Thiên An - doanhnghiepvn.vn