Trang TTĐT Khoa học công nghệ ngành Công Thương (https://khcncongthuong.vn/) đã có cuộc trao đổi với TS. Hoàng Việt Hồng - Tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp về kinh nghiệm thực hiện tự chủ tài chính tại Viện cũng như quá trình hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KH&CN.
TS. Hoàng Việt Hồng - Tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp
Phóng viên: Viện IMI là một trong số ít các đơn vị nghiên cứu trực thuộc Bộ Công Thương có thể tự chủ hoàn toàn về mọi mặt từ đầu tư, chi phí thường xuyên, nghiên cứu KH&CN. Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm giúp viện thực hiện tự chủ thành công?
TS. Hoàng Việt Hồng: Từ một viện nghiên cứu cơ khí có quy mô nhỏ, Viện IMI đã chuyển đổi thành công để trở thành một doanh nghiệp KH&CN với tiềm lực mạnh, hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, tự chủ hoàn toàn về tài chính. Có thể nói, tự chủ tàì chính đã cho phép Viện xây dựng được một cơ chế hoạt động rõ ràng minh bạch; một nguyên tắc làm việc thống nhất; một cơ chế khuyến khích động viên các nhà khoa học đổi mới sáng tạo,… Qua đó, đã tạo ra hành lang pháp lý thống nhất tạo điều kiện tốt nhất cho nhà khoa học, người lao động sáng tạo để tạo ra nhiều giá trị trong hoạt động nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh, đóng góp cho sự phát triển của Viện.
Trong suốt quá trình chuyển đổi cho đến nay, chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ của các cơ quan cấp trên từ Chính phủ, Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương. Bộ Công Thương không chỉ hỗ trợ và tạo điều kiện cho Viện IMI tiếp tục được là đơn vị trực thuộc Bộ mà còn giúp Viện thực hiện định hướng phát triển KH&CN gắn chặt với hoạt động sản xuất kinh doanh. Bộ Công Thương cũng hỗ trợ Viện trong việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN các cấp, tạo điều kiện cho Viện hoàn thành các nghiên cứu tạo ra các sản phẩm mới.
Thành công trong thực hiện tự chủ tài chính của Viện còn có đóng góp lớn từ sự đoàn kết thống nhất của tập thể lãnh đạo và cán bộ của Viện IMI. Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, chúng tôi luôn khát vọng tìm tòi hướng đi mới nhằm mang lại hiệu quả ngày một lớn hơn trong KH&CN và kinh tế - xã hội. Qua nhiều thời kỳ, tập thể Lãnh đạo Viện luôn sát cánh với đội ngũ nhà khoa học, người lao động, quyết tâm thực hiện những định hướng của riêng của Viện, đó là: xuất phát từ nghiên cứu khoa học để tạo ra được nhiều sản phẩm mới - các sản phẩm cơ điện tử phục vụ cho nhiều ngành kinh tế quốc dân.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm gian hàng triển lãm của Viện IMI
Phóng viên: Viện IMI được cổ phần hóa thành doanh nghiệp KH&CN theo hình thức công ty cổ phần kể từ năm 2013 và là một trong những đơn vị nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam thí điểm thành công việc chuyển đổi thành doanh nghiệp. Theo ông, tự chủ tài chính có phải là yếu tố quan trọng giúp tổ chức KH&CN công lập chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp thành công?
TS. Hoàng Việt Hồng: Đúng như vậy, tự chủ tài chính đã góp phần quan trọng giúp chuyển đổi tổ chức KH&CN sang mô hình doanh nghiệp thành công. Đối với Viện IMI, trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đào tạo, bằng tự chủ tài chính và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Viện đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công và chuyển giao công nghệ vào sản xuất công nghiệp hơn 100 sản phẩm cơ - điện tử, điển hình như các nhóm sản phẩm trong lĩnh vực máy công cụ, điều khiển CNC (máy phay, máy tiện, máy cắt kim loại tấm, máy hàn lồng thép,…); ngành xây dựng và giao thông vận tải (các trạm trộn bê tông xi măng, bê tông đầm lăn RCC, bê tông nhựa nóng…); chế biến nông sản, thực phẩm (các loại máy phân loại quang - cơ điện tử, máy sấy vi sóng,…)…
Bên cạnh đó, nhờ tự chủ tài chính, Viện đã hình thành được quỹ KH&CN với tổng giá trị 6,58 tỷ đồng, cho phép Viện chủ động xây dựng các nhiệm vụ nghiên cứu cấp Viện. Theo đó, trong năm 2020 – 2021, Viện đã triển khai 04 nhiệm vụ KH&CN, góp phần nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật của Viện, đồng thời tạo dựng được hướng xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao ra nước ngoài cũng như đón đầu xu thế phát triển KH&CN trong kỷ nguyên mới.
Cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Viện còn thành công trong việc tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ đào tạo ở nhiều trình độ: đại học và sau đại học. iện đã phối hợp với Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) mở các ngành đào tạo sau đại học về cơ - điện tử, kỹ sư thực hành về công nghệ cao trong ngành cơ - điện tử.
Đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, việc sản xuất theo đơn đặt hàng thông qua các hợp đồng kinh tế đã giúp Viện kiểm soát được hiệu quả kinh tế và xác định được thị phần của mình trên thị trường. Sản phẩm được đặt hàng chủ yếu là kết quả của các công trình nghiên cứu và phát triển công nghệ có hàm lượng công nghệ cao với giá trị từ hàng trăm triệu đến hàng chục tỷ đồng/sản phẩm. Chính việc sản xuất kinh doanh trên cơ sở chuyển giao sản phẩm mới, công nghệ mới vào thực tế, với tỷ lệ vốn vay không nhiều đã giúp Viện và các công ty thành viên trong mô hình công ty mẹ - công ty con có được sự phát triển nhanh, ổn định và bền vững.
Phóng viên: Sau 8 năm hoạt động theo mô hình mới, trong quá trình chuyển đổi Viện có gặp phải những khó khăn nào, thưa ông?
Là đơn vị đầu tiên của Bộ Công Thương chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp KH&CN, hoạt động theo hình thức công ty cổ phần nên chúng tôi cũng gặp phải không ít những khó khăn và vướng mắc trong quá trình chuyển đổi cổ phần hóa.
Trong hoạt động đào tạo, chúng tôi gặp vướng mắc trong việc triển khai hoạt động đào tạo tiến sỹ, phối hợp đào tạo đại học theo chức năng nhiệm vụ mà Bộ Công thương phê duyệt. Sau khi chuyển đổi cổ phần hóa, tên gọi, con dấu của IMI bao hàm hình thức hoạt động doanh nghiệp “Công ty cổ phần”. Quy định việc đào tạo sau đại học lại chưa cho phép áp dụng đối với doanh nghiệp KH&CN. Luật Giáo dục Đại học đã quy định việc cấp bằng công nhận học vị tiến sỹ cho nghiên cứu sinh là do cơ sở đào tạo cấp. Theo đó, văn bằng tiến sỹ kỹ thuật do IMI cấp cho các nghiên cứu sinh tới đây sẽ phải đóng dấu dưới hình thức công ty cổ phần. Vướng mắc này có thể hạn chế khả năng tuyển sinh nghiên cứu sinh của đơn vị, dẫn đến hạn chế khả năng nghiên cứu và đạo tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao ngành cơ - điện tử của IMI.
Hệ thống chiết xuất và cô cao dược liệu tự động được nghiên cứu, thiết kế và chế tạo bởi Viện IMI
Bên cạnh đó, khi cổ phần hóa, giá trị tài sản phòng thí nghiệm chiếm 40% giá trị thực tế vốn Nhà nước tại IMI đã được xác định và cộng vào phần vốn nhà nước để cổ phần hóa. Theo đó, đơn vị sẽ phải hạch toán vào giá thành sản xuất khoảng 3 tỷ đồng mỗi năm, đây là khó khăn cho IMI trong những năm đầu khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Ngoài ra, IMI phải trả cổ tức trên phần vốn nhà nước đầu tư cho phòng thí nghiệm cũng là khó khăn không nhỏ hàng năm; trong khi những tài sản này chỉ phục vụ công tác đào tạo (đào tạo tiến sỹ kỹ thuật, phối hợp đào tạo đại học ngành cơ - điện tử) và hoạt động nghiên cứu khoa học theo nhiệm vụ KH&CN được giao.
Về quyền sử dụng đất, hiện nay, Viện IMI phải trả khoảng 6 tỷ đồng tiền thuê đất mỗi năm. Sau 8 năm chuyển đổi cổ phần hóa, chúng tôi vẫn chưa xử lý hết các vướng mắc liên quan để quyết toán cổ phần hóa. Phần vốn nhà nước trong cơ cấu vốn điều lệ của Viện IMI hiện thiếu hụt trên 27 tỷ đồng (trong tổng số 48,7 tỷ đồng vốn nhà nước góp tại Viện IMI) đã gây ra khó khăn về vốn kinh doanh, hạn chế điều kiện đầu tư phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của đơn vị.
Tỷ lệ cổ phần của người lao động tại doanh nghiệp còn thấp và năng lực tài chính, năng lực nghiên cứu khoa học, năng lực quản trị của Viện còn thiếu hụt cũng là những khó khăn, vướng mắc mà Viện gặp phải.
Phóng viên: Ngoài các khó khăn kể trên, việc tự chủ hoàn toàn và hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KH&CN đã tạo thuận lợi gì cho Viện IMI trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm?
TS. Hoàng Việt Hồng: Rõ ràng là bên cạnh những khó khăn, không thể phủ nhận những thuận lợi to lớn mà việc tự chủ hoàn toàn và hoạt động theo mô hình doanh nghiệp mang lại. Một trong số đó là khả năng chủ động trong việc nghiên cứu thị trường, bám sát nhu cầu thị trường và chiến lược đầu tư của Nhà nước, chủ động xác định các nhiệm vụ KH&CN phù hợp.
Hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KH&CN cũng đã cho phép Viện IMI mạnh dạn tiếp cận các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, chủ động hơn trong việc hoạch định chiến lược phát triển KH&CN của mình. Nhờ đó mà trong những năm gần đây, Viện đã và đang nghiên cứu và phát triển Cơ điện tử trong lĩnh vực Y tế, Nông nghiệp Công nghệ cao cũng như đón đầu xu thế phát triển KH&CN trong kỷ nguyên mới.
Bên cạnh đó, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KH&CN còn cho phép Viện chủ động trong việc phát triển các hoạt động trong lĩnh vực hợp tác quốc tế. Hiện nay, chúng tôi có quan hệ hợp tác quốc tế với nhiều đối tác lớn trên thế giới ở cả 3 lĩnh vực: Nghiên cứu, đào tạo và sản xuất kinh doanh. Chính điều này đã góp phần rất lớn vào những kết quả mà Viện đã đạt được trong những năm vừa qua.
Đặc biệt, trong quá trình chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KH&CN, công tác đào tạo luôn được Viện quan tâm đầu tư nhằm phát triển nguồn nhân lực KH&CN kế cận. Theo đó, các hoạt động về đào tạo đã được Viện chủ động xác định là một trong các hướng phát triển quan trọng của Viện IMI trong tương lai, nhằm kế thừa và phát triển thế mạnh của Viện trong các lĩnh vực về đào tạo, nghiên cứu cơ điện tử.
Phóng viên: Các sản phẩm do Viện IMI nghiên cứu, chế tạo và sản xuất đã dần chiếm lĩnh và có một vị trí nhất định trên thị trường. Ông có thể chia sẻ về một số sản phẩm ấn tượng trong lĩnh vực cơ điện tử của Viện đã được thương mại hóa thành công?
TS. Hoàng Việt Hồng: Trong những năm gần đây, nhiều sản phẩm do Viện nghiên cứu, thiết kế và chế tạo đã được chuyển giao vào sản xuất thực tiễn. Có thể kể đến dây chuyền thiết bị chế biến trà và bột dinh dưỡng từ táo mèo và chùm ngây đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đã được Viện nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và lắp đặt cho Công ty cổ phần chè San tuyết tại Yên Bái năm 2019 và tiếp tục được nhân rộng tại huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam trong năm nay. Sản phẩm thực phẩm chức năng được sản xuất trên dây chuyền thiết bị do Viện chế tạo đã được giới thiệu cho các thị trường tại Châu Âu. Các sản phẩm thứ cấp như sản phẩm trà táo mèo và bột dinh dưỡng chùm ngây được các khách hàng tại CHLB Đức chấp nhận và đánh giá cao.
Trạm trộn bê tông siêu tính năng (UHPC), kiểu di động do Viện IMI chế tạo
Hay trong lĩnh vực xây dựng và giao thông, Viện đã chế tạo thành công các trạm trộn bê tông UHPC cố định và di động phục vụ thi công các mặt cầu, dầm cầu nông thôn trên cơ sở sử dụng bê tông siêu tính năng đem lại hiệu quả kinh tế lớn. Các trạm trộn bê tông này đã được ứng dụng trong công trình cải tạo mặt cầu Thăng long trong năm 2020, giúp tiết kiệm đến 30 tỷ đồng do không phải đầu tư các thiết bị nhập ngoại.
Đáng chú ý là việc xây dựng thành công hệ thống vận chuyển, kho và bốc xếp thông minh trên cơ sở ứng dụng robot công nghiệp. Sản phẩm này đã được thương mại hóa cho nhiều đơn vị sản xuất phân bón và sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Đặc biệt, sản phẩm có giá thành chỉ bằng 40-60% so với giá thành của sản phẩm nhập khẩu, mang lại hiệu quả thiết thực về KH&CN và kinh tế - xã hội.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn:https://khcncongthuong.vn/