Việt Nam cần tiếp tục chú trọng cải thiện các yếu tố đầu vào và đầu ra của đổi mới sáng tạo

Quốc Khánh
Chiều ngày 02/10/2024, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cùng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế tại Geneva, Thụy Sĩ tổ chức Hội thảo công bố, giới thiệu Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII) 2024 và kết quả của Việt Nam.

Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm cung cấp những thông tin mới nhất về kết quả chỉ số GII của Việt Nam năm 2024, những điều chỉnh về phương pháp luận, ý nghĩa của chỉ số và các vấn đề đặt ra; nhìn nhận rõ những điểm mạnh để duy trì và khắc phục những điểm yếu để từ đó tiếp tục xây dựng, triển khai các giải pháp cải thiện chỉ số nhằm đạt mục tiêu như Chính phủ đặt ra và phân công cho các bộ, cơ quan và địa phương.

Toàn cảnh Hội thảo.

Trước đó, ngày 26/9/2024, WIPO đã công bố Báo cáo Chỉ số GII 2024. Theo đó, Việt Nam xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023. Việt Nam duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 4, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Việt Nam đứng thứ 2 trong số 38 nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp; đứng thứ 10 trong số 17 nền kinh tế ở Đông Nam Á, Đông Á và Châu Đại Dương.

WIPO ghi nhận Việt Nam là 1 trong 8 quốc gia thu nhập trung bình cải thiện thứ hạng nhiều nhất tính từ năm 2013 (gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Indonesia, Iran và Marocco). Việt Nam cũng là 1 trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 14 năm liên tiếp. Đặc biệt, năm 2024, Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới là chỉ số Nhập khẩu công nghệ cao, Xuất khẩu công nghệ cao và Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo (tính trên tổng giao dịch thương mại). Có 3 chỉ số thuộc nhóm 10 quốc gia dẫn đầu thế giới cũng được WIPO đánh giá là điểm mạnh của Việt Nam gồm: Tốc độ tăng năng suất lao động (xếp hạng 3); Số lượng ứng dụng điện thoại thông minh được tạo ra (xếp hạng 7) và Phần chi nghiên cứu và phát triển do doanh nghiệp trang trải/tổng chi nghiên cứu và phát triển (xếp hạng 9).

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Minh cho biết, GII là chỉ số phản ánh đầy đủ, toàn diện năng lực, kết quả ĐMST của các quốc gia. Việt Nam được WIPO ghi nhận trong nhiều năm liên tục có sự cải thiện đáng kể về ĐMST, đưa các nguồn lực đầu vào thành đầu ra phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả cải thiện thứ hạng GII trong năm vừa qua cũng như từ năm 2017 đến nay là nhờ có những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ cũng như sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, địa phương trong việc chủ động, phát hiện nguyên nhân, hạn chế, có kế hoạch, giải pháp cải thiện các chỉ số thành phần theo phân công của Chính phủ. Bộ KH&CN mong muốn các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cùng chung tay thúc đẩy hệ sinh thái ĐMST của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh phát biểu tại Hội thảo.

Ông Mai Phan Dũng, Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sĩ cho biết, kết quả GII của Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao. WIPO rất coi trọng những thành quả Việt Nam đạt được. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là 1 trong 3 khách mời quốc tế trong buổi công bố Báo cáo GII 2024, thể hiện sự trân trọng, đánh giá cao của WIPO với Việt Nam. Việt Nam được nhắc đến rất nhiều lần với các thành tích, chỉ số, những tiến bộ về ĐMST.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận về kết quả GII năm 2024 và đề xuất, khuyến nghị chính sách, hành động cụ thể để cải thiện chỉ số GII của Việt Nam. Ông Sacha Wunsch - Vincent, Chuyên gia cao cấp của WIPO, đồng tác giả Báo cáo GII nhấn mạnh, những năm vừa qua, Việt Nam là quốc gia đạt nhiều tiến bộ về ĐMST. Chuyên gia nhấn mạnh một số điểm mạnh của Việt Nam gồm xuất khẩu, đầu tư, đồng thời lưu ý một số điểm cần cải thiện như giáo dục, việc làm thâm dụng tri thức, đăng ký pa-tăng quốc tế; chi cho nghiên cứu và phát triển...

Ông Sacha Wunsch - Vincent, Chuyên gia cao cấp của WIPO, đồng tác giả Báo cáo GII phát biểu tại Hội thảo.

Ông Vũ Văn Tích - Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ KH&CN cho rằng, để tiếp tục cải thiện năng lực ĐMST quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH,CN&ĐMST, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng cả các yếu tố đầu vào và đầu ra của ĐMST, trong đó, tập trung cải thiện những chỉ số đang được xếp vào nhóm yếu, hoặc có xu hướng giảm như Thể chế, Hạ tầng công nghệ thông tin, Lao động có kiến thức, đồng thời cần chú trọng hoạt động phối hợp thống kê dữ liệu theo chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 02/NQ-CP hằng năm và theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần xác định và triển khai các giải pháp căn cơ, đồng bộ, dài hạn nhằm cải thiện các chỉ số GII có thứ hạng thấp trong nhiều năm liền; đồng thời có giải pháp hiệu quả, nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu dữ liệu, dữ liệu không cập nhật để kết quả đánh giá sát thực hơn. Các địa phương cần chủ động, tích cực phối hợp với Bộ KH&CN và các cơ quan liên quan triển khai bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương theo nhiệm vụ đã được Chính phủ giao cho Bộ KH&CN.

“Với tư cách là đầu mối theo dõi việc cải thiện các chỉ số về ĐMST do Chính phủ phân công, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương với các hoạt động cụ thể”, ông Vũ Văn Tích nói.

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN