Chủ tịch Savipharm Trần Tựu: Đề xuất chuyển khu chế xuất Tân Thuận thành khu công nghệ, đất ở có một số vấn đề không hợp lý

Bùi Quốc Khánh
Theo Chủ tịch HĐQT Savipharm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam Trần Tựu, đề xuất chuyển Khu chế xuất Tân Thuận thành khu công nghệ, đất ở, dịch vụ, thương mại và hậu cần cho Trung tâm tài chính Thủ Thiêm là không hợp lý.

Tại Hội thảo lấy ý kiến đối với Đề án "Định hướng phát triển các khu chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2025-2030 và tầm nhìn đến năm 2040" do UBND thành phố chủ trì mới đây, Chủ tịch HĐQT - TGĐ Công ty CP Dược phẩm Savi (Savipharm) - PhóChủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam Trần Tựu đãđưa ra một số đề xuất định hướng phát triển.

KCX Tân Thuận hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Trước hết, Chính phủ và TP Hồ Chí Minh đã ban hành các chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các KCN, Khu kinh tế, các Khu công nghiệp - công nghệ cao (KCN-CNC).

Nhìn tổng thể, với thành công qua hơn 30 năm hoạt động, KCX Tân Thuận có nhiều tiềm năng, hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi thành KCN-CNC, với những căn cứ như sau:

KCX Tân Thuận với diện tích 300 ha, 3 mặt giáp sông Sài Gòn với cơ sở hạ tầng nội khu được đầu tư tốt; diện tích cây xanh chiếm khoảng trên 10% tổng diện tích toàn khu là điều kiện và môi trường lý tưởng cho việc đầu tư KCN-CNC.

Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (cùng chủ đầu tư với KCX Tân Thuận) được đầu tư hiện đại bậc nhất Việt Nam với đầy đủ các dịch vụ và tiện nghi được nối với KCX Tân Thuận bằng đường Nguyễn Văn Linh 10-12 làn xe, cung cấp nơi ở lý tưởng và điều kiện đi lại thuận lợi cho các nhà quản lý, các chuyên gia công nghệ, chuyên viên kỹ thuật và công nhân viên của các dự án đầu tư tại KCX Tân Thuận hiện nay và KCN-CNC Tân Thuận trong tương lai.

81attut-tran-tuu-1660725445.jpeg
Thầy thuốc ưu tú (TTƯT), Dược sĩ Chuyên khoa II Trần Tựu, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Dược phẩm SaVi.

Tại KCX Tân Thuận, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã thực tế đầu tư các dự án mới thuộc “Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển” theo Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg ngày 30/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ; phần lớn các doanh nghiệp đã chuẩn bị các dự án đầu tư mới.

Từ kinh nghiệm đầu tư thành công Khu CNC TP Hồ Chí Minh (Quận 9), chủ trương chuyển KCX Tân Thuận thành KCN-CNC sẽ là động lực khuyến khích các doanh nghiệp trong KCX Tân Thuận triển khai sớm các dự án đầu tư mới CNC, tạo đột phá về tổng vốn đầu tư, cơ cấu sản phẩm chất lượng ngang tầm quốc tế, tăng nhanh các sản phẩm chủ lực xuất khẩu, mang lại hiệu quả cao cho các chủ đầu tư và đóng góp lớn cho ngân sách TP Hồ Chí Minh.

Khi trở thành KCN-CNC Tân Thuận, sẽ thay đổi triệt để cơ cấu lao động, theo đó lao động quản lý, các chuyên gia khoa học công nghệ, nghiên cứu phát triển, công nhân kỹ thuật có kỹ năng là chủ yếu, giảm đáng kể lực lượng lao động giản đơn. Mặt khác, trong trường hợp nhà nước tiến hành quy hoạch lại các cảng dọc Sông Sài Gòn (với tổng diện tích gần 80 hecta) trên địa bàn Phường Tân Thuận Đông liền kề KCX Tân Thuận sẽ giải quyết căn bản tình trạng tắc đường do xe container ra vào các cảng, cải thiện điều kiện giao thông và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường khu vực Quận 7.

Tại các cuộc hội thảo, nhiều chuyên gia đã đề xuất quy hoạch định hướng phát triển không gian đô thị của TP Hồ Chí Minh đến năm 2025, trong đó hướng phát triển chính là hướng Nam với mục tiêu phát triển kinh tế gắn với quốc phòng; đề xuất lập Khu kinh tế phía Nam của TP Hồ Chí Minh với việc quy hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng mới, các khu dân cư, các hoạt động dịch vụ trên địa bàn Quận 7, các huyện: Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ và động lực phát triển là KCX Tân Thuận (KCN-CNC Tân Thuận), KCN Hiệp Phước, KCN Phong Phú, cụm cảng Hiệp Phước với nhiều tiềm năng.

Doanh nghiệp tại KCX Tân Thuận lo lắng

Công ty Savipharm đã đầu tư Nhà máy sản xuất thuốc chữa bệnh tại KCX Tân Thuận, là công ty dược Việt Nam đầu tiên đạt hai tiêu chuẩn cao: GMP Nhật Bản và GMP châu Âu (hai tiêu chuẩn trong hệ thống tiêu chuẩn cao nhất toàn cầu về sản xuất thuốc). Với quá trình nâng cấp, đầu tư mới, Nhà máy Savipharm đã đáp ứng chuẩn CNC và phù hợp với Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg ngày 30/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Savipharm mới đầu tư thành công Trung tâm Nghiên cứu Phát triển công nghệ cao (khánh thành ngày 6/3/2022).

Chúng tôi chuẩn bị khởi công đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư công nghệ cao có tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng (tại Khu đất của Savipharm trong KCX Tân Thuận) với 3 dây chuyền tự động - công nghệ cao (thuốc tiêm - đông khô, thuốc viên, kháng thể đơn dòng) sản xuất hầu hết các thuốc đặc trị điều trị bệnh ung thư hiện nay đang phải nhập khẩu. Tuy nhiên, chúng tôi rất băn khoăn, lo lắng nếu như KCX Tân Thuận không được kéo dài thời gian hoạt động tối thiểu 20 năm sau năm 2041 (hiện chỉ còn 19 năm) thì việc đầu tư không hiệu quả, không thể thu hồi vốn và việc di dời nhà máy sau năm 2041 sẽ gây tổn thất rất lớn cho công ty.

Nhiều doanh nghiệp tại KCX Tân Thuận cũng trong tình trạng lo lắng như Savipharm, đang chờ mong chủ trương của thành phố và Trung ương cho phép kéo dài thời gian hoạt động và chuyển KCX Tân Thuận thành KCN-CNC.

"Về đề xuất chuyển KCX Tân Thuận thành khu công nghệ, đất ở, dịch vụ, thương mại và hậu cần cho Trung tâm tài chính Thủ Thiêm, đề xuất này không hợp lý", Chủ tịch Savipharm nói.

Cụ thể, TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, các dự án trong lĩnh vực đô thị, chung cư, dịch vụ, thương mại đã và đang đầu tư “rầm rộ”, dẫn đến cung lớn hơn cầu, “bong bóng, đầu cơ”, “thổi” giá đất, giá dự án… đã được nhiều chuyên gia và dư luận xã hội đề cập. Do vậy, việc đề xuất chuyển KCX Tân Thuận sang công năng khác, đặc biệt là đất ở, dịch vụ, thương mại là không phù hợp và tạo ra lãng phí lớn.

Bên cạnh đó, công năng của KCX Tân Thuận là sản xuất công nghiệp với việc đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, các nhà máy công nghiệp sản xuất hàng hóa, nhiều dự án đã được đầu tư TTB-CNC, tạo ra các sản phẩm có chất lượng ngang tầm quốc tế. Việc xóa bỏ công năng sản xuất hàng hóa của KCX Tân Thuận là không hợp lý, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp và thành phố, đồng thời tạo tiền đề xấu cho môi trường đầu tư.

Hơn nữa, đề xuất chuyển đổi 300 ha của KCX Tân Thuận với cơ cấu đầu tư dàn trải nhiều lĩnh vực (đất ở, dịch vụ, thương mại…), không thể đáp ứng các yêu cầu là hậu cần cho Trung tâm tài chính Thủ Thiêm trong tương lai.

TP Hồ Chí Minh là đầu tàu công nghiệp của cả nước. Do vậy, đề nghị thành phố quan tâm hơn nữa tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, giữ chân các nhà đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư mới trong và ngoài nước đầu tư tại các KCN của thành phố, đồng thời tiến hành quy hoạch tạo quỹ đất đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển các KCN của thành phố đến năm 2045.

Cần tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư tại KCX Tân Thuận, đặc biệt là 171 nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư các dự án mới CNC, đề nghị thành phố và Trung ương sớm có chủ trương kéo dài thời gian hoạt động của KCX Tân Thuận 20 năm sau năm 2041 theo Luật Đầu tư năm 2020; đồng thời cho phép KCX Tân Thuận được chuyển đổi thành KCN-CNC.

"Những đề xuất này xuất phát từ mong muốn của cá nhân tôi được đóng góp với thành phố trong việc định hướng phát triển, nâng cao hiệu quả KCX Tân Thuận nói riêng và các KCN trên địa bàn thành phố nói chung", Chủ tịch Savipharm Trần Tựu nhấn mạnh.

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN