Hội nghị quốc tế đã chỉ ra những vấn đề xoay quanh vấn đề thực phẩm trên thị trường hiện nay, định hướng công nghệ trên thế giới đang hướng đến để bảo quản và chuyển đổi công nghệ sản xuất và cải tiến những quy trình trong thu hoạch sản phẩm nông nghiệp hướng đến phát triển bền vững. Các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực đưa ra nhiều công nghệ tiên tiến có thể ứng dụng cho nông nghiệp và thực phẩm như: ứng dụng CRISPR- CAS ( chỉnh sửa hệ gen) để tiêu hại nấm đạo ôn gây hại cho cây lúa mì, tiềm năng sử dụng cây chịu muối thúc đẩy sinh trưởng vi khuẩn rhizobacteria làm phân bón sinh học cho nông nghiệp thông minh ở vùng ven biển, công nghệ nano tương lai cho nông nghiệp và thực phẩm bền vững, khai thác hệ vi sinh vật của thực phẩm lên men truyền thống để nâng cao chất lượng thực phẩm và sức khoẻ con người,…
Theo Giáo sư Takashi Uemura - Chủ tịch của Hiệp hội An toàn thực phẩm và An ninh lương thực châu Á (AFSA) cho biết, hội nghị là nơi các nhà khoa học từ các nước ở châu Á đã trao đổi ý tưởng và kiến thức lẫn nhau nhằm đưa ra các nghiên cứu, các vấn đề tồn tại để giải quyết; hội nghị cũng kết nối sự hợp tác phát triển cho các nước khu vực châu Á để nâng cao chất lượng cuộc sống, hướng đến phát triển bền vững. Theo giáo sư Takashi Uemura, Việt Nam là quốc gia đang có nền nông nghiệp phát triển tốt và tương lai tươi sáng, tuy nhiên muốn phát triển ngành nông nghiệp và thực phẩm hướng đến tiêu chuẩn quốc tế Việt Nam cần phải đầu tư vào công nghệ và trang thiết bị để tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Có như vậy, nền nông nghiệp Việt Nam mới phát triển vượt bậc, sánh ngang các nước như Hàn Quốc, Canada, Mỹ.
Hội nghị quốc tế lần này được tổ chức tại Việt Nam là cơ hội rất quan trọng và đặc biệt để các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới tụ họp thảo luận và chia sẻ trực tiếp các thông tin và thành tựu về khoa học công nghệ cũng như những vấn đề về sự phát triển bền vững, sau thời gian dài bị giới hạn vì ảnh hưởng của các vấn đề toàn cầu.
Hội nghị còn thúc đẩy sự gắn kết và góp phần xây dựng mạng lưới hợp tác giữa các nhà khoa học, chuyên gia và giảng viên từ các trường đại học, viện nghiên cứu ở các quốc gia, trình bày những nghiên cứu khoa học tại Việt Nam và thế giới.
Cũng trong chuỗi hoạt động Quốc tế, Làng Ecotech đã trình bày một số đề án tham luận quốc tế như phát triển du lịch tại An Giang Tri Tôn do cô Võ Thị Thu Thuỷ và Võ Bích Ngọc, tham luận về tổng hợp phức amoni pheox- Ru (II) và ứng dụng để xúc tác phản ứng cyclopropanation inter và intramolecular không đối xứng do chị Tống Thị Minh Thu trình bày được hội đồng đánh giá cao trong cách thức đặt vấn đề và khả năng thực thi của tham luận. Cùng với đó là những doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành nông nghiệp và thực phẩm được Làng Công nghệ Sinh thái mời đến như Foodmap - sàn thương mại điện tử nông nghiệp và 8 Corners - nổi tiếng với sản phẩm semo tốt cho sức khoẻ. Đây là hai doanh nghiệp nhận được rất nhiều sự quan tâm từ ban đại biểu hiệp hội AFSA khi khởi nghiệp giải quyết câu chuyện thị trường sản phẩm cho nông nghiệp sản xuất và xuất khẩu tại Việt Nam và tầm quan trọng khi chăm sóc sức khoẻ bên trong thông qua những sản phẩm nghiên cứu và phát triển bền vững sản phẩm doanh nghiệp cùng môi trường.
Một trong những hoạt động xuyên suốt hội nghị là triển lãm gian hàng Việt, với sự tham gia của những gian hàng thương hiệu sản phẩm Việt Nam đã để lại ấn tượng trong mắt đại biểu tham dự. Sản phẩm tại triển lãm nổi bật như Sâm Ngọc Linh, lụa Nha Xá - Công ty Mộc Nhiên để lại cái nhìn sâu sắc về văn hoá sản vật Việt.
Hội nghị Quốc tế về Công nghệ tiên tiến trong Nông nghiệp và Thực phẩm vì sự phát triển bền vững 2022 thành công tốt đẹp phải cảm ơn những doanh nghiệp đã tài trợ những phần quà mang đậm ý nghĩa chăm sóc sức khoẻ Việt Nam như Sâm Ngọc Linh Kontum K5, Cty 8Corners, Cty VT-Cos và văn hoá Lụa làng Nha Xá - Mộc Nhiên đã đồng hành cùng hội nghị và đưa những giá trị nhân văn lan toả đến bạn bè quốc tế.