Tiềm năng được đánh thức
Tây Nguyên có diện tích tự nhiên 54.470 km2, bằng 1/6 diện tích cả nước gồm 5 tỉnh ( Đăk Lắc, Gia Lai, Kon Tum, Đak Nông, Lâm Đồng) dân số gần 6 triệu người, có vị trí địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái đa dạng và là địa bàn chiến lược phòng thủ rất quan trọng, với độ cao khoảng 500 m đến 600 m so với mặt biển.
Thời tiết Tây Nguyên thuận lợi cho nông nghiệp hữu cơ và năng lượng tái tạo, là nơi có cường độ năng lượng bức xạ tốt. Các khu vực Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông có lượng số giờ nắng rất cao 5.1 – 5.3 giờ/ngày.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển và cơ chế khuyến khích phát triển các dự án NLTT, nhất là nguồn điện mặt trời, điện gió được các doanh nghiệp và người dân đầu tư phát triển nhanh trong năm 2020 và được xem như là một cơ hội đầu tư, đánh thức tiềm năng.
Để khuyến khích các nhà đầu tư, chính quyền địa phương các tỉnh Tây Nguyên đã chủ động phối hợp với Bộ chuyên ngành như Bộ Công Thương, Khoa học Công nghệ, Nông nghiệp PTNT, Tài Nguyên Môi Trường… có những đánh giá tổng quan về hiện trạng và khả năng phát triển nguồn năng lượng điện tái tạo này. Đây cũng là căn cứ để các địa phương tiếp tục bổ sung qui hoạch, đề ra các chính sách, tầm nhìn phát triển xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ việc truyền tải, phát huy công suất phát của các nhà máy điện tái tạo, không để tình trạng nghẽn lưới làm giảm hiệu quả đầu tư như đã xãy ra giai đoạn 2019-2020 ở một số địa phương.
Chỉ tính riêng việc triển khai dự án Nhà máy Điện gió Ea Nam cũng sẽ mang lại nguồn năng lượng sạch, bền vững cho khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là đóng vai trò quan trọng trong việc giảm ô nhiễm không khí và giảm phát thải khí nhà kính; đồng thời tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Đắc Lắc.
Tỉnh Gia Lai, năm 2021 mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 gây nhiều khó khăn cho đời sống kinh tế - xã hội của người dân và doanh nghiệp, nhưng Gia Lai ước tính cả năm thu được 7.170,9 tỉ đồng, đạt 157,5% dự toán, tăng 56,5% so cùng kỳ. trong đó thu từ các công trình gió trên 2100 tỷ, là mức tăng đột biến, cao nhất từ trước đến nay. Gia Lai là tỉnh có tiềm năng lớn về điện gió và điện mặt trời, toàn tỉnh hiện có 163 dự án điện gió và điện mặt trời với tổng công suất 21.875MW, với tổng vốn dự kiến trên 539.000 tỉ đồng Chỉ tính riêng 16 dự án điện gió đang được triển khai xây dựng, tổng công suất 1.142MW, Gia Lai thu hút được một nguồn lực đầu tư đáng kể với hơn 40.000 tỉ đồng.
Dự án nhà máy điện gió Ea Nam (huyện Ea Hleo, tỉnh Đắk Lắk)
Theo bản đồ tiềm năng thương mại năng lượng gió (NLG) và năng lượng mặt trời (NLMT), khả năng hấp thụ năng lượng tái tạo của lưới điện truyền tải trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên cho thấy, tổng diện tích đất có thể phát triển nhà máy điện gió (NMĐG) và điện mặt trời (ĐMT) lần lượt là 106.869 và 29.519 ha với tổng công suất tương ứng là 5,1 GW và 24,6 GWp. Hạ tầng lưới điện Tây Nguyên theo quy hoạch đến năm 2030 có khả năng hấp thụ 4.175 MW, chiếm tỷ lệ khoảng 14% tổng tiềm năng năng lượng tái tạo thương mại.
Trong các kết quả nghiên cứu kết hợp với bản đồ địa hình và bản đồ quy hoạch sử dụng đất đai, bản đồ lưới điện truyền tải đã xác định các khu vực có thể xây dựng các dự án NMĐG và NMĐMT ở địa bàn Tây Nguyên sẽ không bị trùng vào khu vực có địa hình quá dốc, khu vực đất cấm, rừng phòng hộ. Hiện trạng và khả năng hấp thụ, chuyển tải điện năng sản xuất từ các nguồn gió và mặt trời của lưới điện truyền tải khu vực Tây Nguyên cũng được đánh giá, đưa một số kiến nghị, giải pháp để khắc phục tình trạng nghẽn lưới truyền tải theo quy hoạch đã được phê duyệt khi các nguồn năng lượng tái tạo được xây dựng và đấu nối vào lưới điện trên địa bàn này.
Kết quả nghiên cứu cũng đã tính toán cân đối nguồn phát và phụ tải trên địa bàn Tây Nguyên ở cấp 220 và 500 kV. Theo đó, cấp 220 kV chỉ tính ở khu vực Tây Nguyên; còn cấp 500 kV thì có tính đến các đường dây liên kết, các trạm biến áp (TBA) trên địa bàn các tỉnh lân cận. Việc cân đối cũng tính toán cho 2 mùa mưa, nắng có liên quan đến công suất phát của các nhà máy thủy điện và nhà máy điện mặt trời đối nghịch nhau trong khai thác kinh doanh.
Theo những tính toán dựa trên giá trị trung bình của quốc tế và Việt Nam, 4.000MW điện gió tương đương với 6,7 tỷ USD vốn đầu tư là một khoản đầu tư rất quan trọng đối với chính quyền và người dân địa phương. Khoản này bao gồm 6,51 tỷ USD chi phí tài sản cố định và 151 triệu USD chi phí vận hành trong 25 năm vòng đời của các dự án điện gió. Những dự án điện gió này có thể tạo ra xấp xỉ 21.000 việc làm, từ đó góp phần tạo công ăn việc làm cho các nhóm dân cư và thúc đẩy một nền kinh tế xanh cho Việt Nam. Phần lớn những khoản đầu tư và việc làm này sẽ được hiện thực hóa ở địa phương và trải dài trong chuỗi cung ứng, từ các hoạt động vận tải, xây lắp đến vận hành và bảo dưỡng.
Những thách thức từ đầu tư và tầm nhìn chiến lược
Do không lường trước những khó khăn, hơn một năm trước, nhiều người dân, doanh nghiệp ở các tỉnh Tây Nguyên ồ ạt đầu tư điện mặt trời mái nhà để được hưởng ưu đãi giá bán trong thời gian 20 năm, lợi nhuận được tính toán khi các dự án được hoạt động hết công suất. Dịch Covid-19 bùng phát khiến điện tiêu thụ giảm mạnh, EVN phải tiết giảm huy động làm cho nhiều dự án điện mặt trời ở Tây Nguyên đứng trước nguy cơ vỡ nợ vì phải vay ngân hàng. Nhiều chủ dự án đầu tư điện năng lượng mặt trời mái nhà ở Tây Nguyên đã phải gửi đơn tạp thể kêu cứu vì bị cắt giảm sản lượng điện.
Qua khảo sát, phần lớn các chủ đầu tư điện mặt trời đều vay ngân hàng để đầu tư kinh doanh. Có doanh nghiệp vay ngân hàng thương mại với tỷ trọng chiếm 70-80% tổng mức đầu tư và lãi suất vay 9,5-12%/năm. Vì vậy, áp lực trả nợ gốc và lãi của doanh nghiệp hàng tháng là một thách thức lớn.Việc ngành điện cắt giảm huy động lượng điện không những gây ra sự lãng phí mà còn khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng.Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) cho biết trung bình ngày trong 2 tuần đầu tháng 9, mức công suất đỉnh của toàn quốc là hơn 29.700 MW, sản lượng toàn hệ thống điện quốc gia là 624,3 triệu kWh/ngày. Mức tiêu thụ này thấp hơn 24% so với trước khi bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội diện rộng từ giữa tháng 7; đồng thời thấp hơn 15% so với cùng kỳ năm 2020.
Riêng khu vực miền Nam, trung bình ngày trong 2 tuần đầu tháng 9 mức công suất đỉnh gần 12.200 MW, sản lượng toàn hệ thống điện miền Nam là 243 triệu kWh/ngày. Mức tiêu thụ này thấp hơn 29% so với trước khi bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội từ giữa tháng 7; đồng thời thấp hơn 23% so với cùng kỳ năm 2020.
Tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai hai địa phương "bùng phát" các dự án điện mặt trời mái nhà xây dựng trên đất nông nghiệp. Điện lực Đắk Lắk kiểm tra thực tế hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) trên địa bàn có công suất từ 100 kWp trở lên thì phát hiện tại thời điểm làm việc, có đến 13 đơn vị xây dựng công trình trang trại trên đất trồng cây lâu năm, chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Cũng qua kiểm tra 28 trang trại nông nghiệp, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk - cho biết có nhiều nơi chưa triển khai hoạt động sản xuất nông nghiệp, thậm chí, các chủ trang trại sang nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất và đăng ký xây dựng rồi cho người khác thuê lắp ĐMTMN chỉ trong một thời gian ngắn đã gây khó khăn cho việc quản lý ở địa phương.
Tại Gia Lai, các cơ quan chức năng tổ chức đi kiểm tra hơn 400 dự án điện mặt trời mái nhà trên địa bàn, được nghiệm thu, đấu nối để hợp đồng bán điện hưởng giá ưu đãi theo Quyết định số 13/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có nhiều dự án chưa có hoạt động kinh tế trang trại, hồ sơ chất lượng chưa đảm bảo, kết cấu công trình yếu, chưa có hệ thống phòng cháy chữa cháy…
Công trình điện mặt trời áp mái trên đất trồng cây lâu năm, các trang trại này chưa phù hợp với quy hoạch,
kế hoạch sử dụng đất, chưa chuyển đổi sang đất nông nghiệp khác
Trong khi điện mặt trời đang đối mặt với các khó khăn, thách thức thì các công trình điện gió cũng được đầu tư nhanh chóng hoàn thành trong năm 2021 để được hưởng giá bán ưu đãi. Tuy nhiên do những tác động khách quan của dịch COVID-19 không thể hoàn thành thi công một cách an toàn và đúng kế hoạch, thủ tục qui định. Phần lớn các dự án này phải đối mặt với sự chậm trễ bất khả kháng trong việc thi công.
Do áp lực tiến độ nên chủ đầu tư một số dự án đưa lao động Trung Quốc vào Việt Nam trong khi chưa có giấy phép lao động hoặc chưa hoàn thành các thủ tục chuyển đổi đất rừng sản xuất nhưng đã thi công nên chấp nhận làm sai. Nhiều dự án bị người dân phản đối đòi đền bù thỏa đáng, ngăn chặn không cho thi công do tiếng ồn, ô nhiểm môi trường… Lãnh đạo các địa phương đều khẳng định chủ trương là thu hút đầu tư nhưng phải đảm bảo các quy định, quy trình, việc tổ chức thi công khi chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp, xô xát với người dân địa phương là chưa đúng, chủ đầu tư phải khắc phục.
Từ những khó khăn, thách thức này đã làm cho một số dự án điện gió bị chậm, sẽ không được hưởng ưu đãi giá FIT của Chính phủ, ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế của nhà đầu tư và làm tăng nguy cơ dự án bị bỏ dở, kéo dài. Đây là vấn đề bức xúc nhất hiện nay, địa phương sẽ mất đi cơ hội thu hút đầu tư cho tăng trưởng kinh tế và khoản thu ngân sách, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư ở Tây Nguyên.
Biến “nguy thành cơ” tận dụng cơ hội để bứt phá
Theo quy hoạch phát triển lưới điện 220 và 500 kV của 5 tỉnh Tây Nguyên tính đến năm 2030, tổng khả năng hấp thụ năng lượng tái tạo của lưới truyền tải trên địa bàn Tây Nguyên mới đạt 4.175 MW, chiếm tỷ lệ khoảng 14% tổng tiềm năng năng lượng tái tạo thương mại. Như vậy, Tây Nguyên cũng sẽ gặp tình trạng nghẽn lưới truyền tải như tỉnh Ninh Thuận khi các dự án năng lượng tái tạo được ồ ạt đầu tư và xây dựng.
Hiện nay Các tỉnh Tây Nguyên đề nghị bổ sung quy hoạch 91 dự án, tổng công suất 11.733MW. Việc bổ sung các dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực là tín hiệu đáng mừng, khi nguồn năng lượng tái tạo ở nước ta đang phát triển theo xu hướng sống xanh của thế giới. Tuy vậy, nhiều dự án điện gió đều nằm ở nơi phụ tải thấp, chủ yếu ở vùng nông thôn, không đáp ứng được yêu cầu truyền tải công suất từ các dự án mới được bổ sung quy hoạch. Do vậy, việc đấu nối vào đường dây 100kV, 200kV đều là thách thức.
Tại không ít quốc gia, nguồn năng lượng tái tạo được xây dựng để phục vụ nhu cầu tại chỗ. Còn ở Việt Nam, các dự án điện mặt trời và điện gió được xây dựng ở những khu vực đáp ứng điều kiện tự nhiên, đất đai, nhưng lại không có nhu cầu sử dụng lớn. Ngược lại, khu vực có nhu cầu điện lớn lại không thể làm điện gió, điện mặt trời, điều này dẫn đến quá tải cục bộ trên lưới.
Từ các khó khăn, thách thức này, để “biến nguy thành cơ ” tận dụng cơ hội để Tây Nguyên bứt phá, phát triển cần sớm có những giải pháp chiến lược từ phía Chính phủ, Bộ NNPTNT, Ngân hàng Nhà nước về hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại, chính sách giãn nợ, giãn thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT như là một biện pháp cứu trợ Covid-19 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục khó khăn, sản xuất kinh doanh hiệu quả và dóng góp nguồn thu ngân sách ở các tỉnh Tây Nguyên.
Thứ nhất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham mưu Chính phủ ban hành quy định về quản lý nhà nước và cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại; hướng dẫn đánh giá cụ thể các tiêu chí trang trại nông nghiệp để các địa phương tổ chức thực hiện, giúp các doanh nghiệp hoàn thành tiêu chí trang trại nông nghiệp.
Vận hội để đầu tư phát triển năng lượng tái tạo ở Tây Nguyên đã được Đảng, Chính phủ có chủ trương, định hướng cụ thể và cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển, được các địa phương, các doanh nghiệp và người dân hết sức quan tâm, hưởng ứng triển khai đã minh chứng cho sự phát triển bền vững, hiệu quả. Tuy nhiên, do đây là tiềm năng mới được đầu tư, khai thác, lại diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, lây lan nhanh trên phạm vi toàn cầu nên đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, những thách thức phải đối mặt nhất là các bất cập về thời gian, hiệu quả kinh tế, môi trường, đất đai… mà xã hội, người dân và doanh nghiệp đều quan tâm, lo lắng.
Do đó cần thống nhất đưa ra các giải pháp khắc phục kịp thời từ sự chung tay, chia sẻ của các cấp, các ngành và người dân cùng với sự năng động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ là cơ hội và vận hội để Tây Nguyên bứt phá, phát triển nhanh, bền vững, nâng cao đời sống nhân dân và đem lại nguồn lợi lớn cho nước nhà.
Tiến sĩ Văn Dũng - Tây Nguyên